Multimedia Đọc Báo in

Giữ “nếp nhà” ngày Tết

05:24, 24/01/2023

Từ các vùng quê khác nhau quần tụ về xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) định cư, lập nghiệp, nhiều năm nay, người dân nơi đây vẫn lưu giữ được những nét văn hóa truyền thống của quê hương mình trong những ngày Tết cổ truyền, để nối tiếp mạch nguồn dân tộc, gìn giữ cho con cháu mai sau.

Thôn 3, xã Ea Kao là nơi sinh sống tập trung của gần 200 hộ dân đến từ tỉnh Hà Tĩnh.

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, hầu như ai cũng đau đáu hướng về nơi quê cha đất tổ, song, mỗi gia đình có hoàn cảnh khác nhau, vì điều kiện nên không phải năm nào cũng về quê ăn Tết được.

Để lưu giữ nét truyền thống quê nhà, thêm ấm lòng những người con xa xứ, năm nào cũng vậy, ngày 27 đến 30 tháng Chạp, người dân trong thôn lại lên kế hoạch mua lá dong, lá riềng, nếp thơm, đậu, thịt để gói bánh chưng xanh. Đàn ông thì ra vườn kiếm củi khô đốt lò đặt bếp, còn chị em tổ chức làm mứt, dưa hành, dưa kiệu…

Không khí đón Tết sôi động một vùng quê.

Đồng bào Mường ở thôn Kao Thắng, xã Ea Kao xúng xính trong trang phục truyền thống ngày Xuân. Ảnh: Sao Mai

Đã hơn 37 năm kể từ ngày rời quê hương Hà Tĩnh vào Đắk Lắk lập nghiệp, Tết năm nào gia đình ông Trần Quang Hào (SN 1959) ở thôn 3, xã Ea Kao cũng quây quần bên nồi bánh chưng và mâm cỗ tất niên. Ông Hào chia sẻ: Ngày nay, phố xá hiện đại, các loại bánh chưng, bánh tét chỉ cần “bước ra ngõ” là đã có rồi, rất dễ mua. Tuy nhiên, gia đình ông luôn tâm niệm, dù cuộc sống có khó khăn, tất bật đến đâu thì dịp cuối năm con cháu cũng phải về quây quần bên nhau làm những chiếc bánh chưng xanh để thắp hương lên bàn thờ tổ tiên. Gói bánh chưng không chỉ là nét đẹp văn hóa mà đó còn là sự truyền nối, gìn giữ “nếp nhà”; đồng thời nhắc nhớ con, cháu rằng: Truyền thống này sẽ luôn được giữ mãi từ đời này sang đời khác.

Trong không khí đầm ấm gia đình, ông Hào vừa hướng dẫn con cháu gói bánh chưng, vừa không quên gửi gắm: “Để có một chiếc bánh ngon, cần có sự gắn kết, hòa quyện của các nguyên liệu và tình cảm của người gói. Với mỗi gia đình cũng vậy, các thành viên phải biết yêu thương nhau, gần gũi và hòa thuận. Đó mới là giá trị văn hóa được gửi gắm qua ngày Tết”.

Khi hoa lá đua nhau khoe sắc, báo hiệu mùa xuân mới đang về, cũng là thời điểm người Mường ở thôn Kao Thắng (xã Ea Kao) tạm gác lại công việc đồng áng, náo nức chuẩn bị đón Tết cổ truyền. Toàn thôn có hơn 70% dân số là người Mường gốc tại tỉnh Hòa Bình di cư vào làm ăn, xây dựng kinh tế từ năm 1983. Đúng vào ngày 28 tháng Chạp hằng năm, các hộ dân người Mường ở thôn Kao Thắng đều trồng cây nêu ở nơi trang trọng nhất trước ngôi nhà của mình. Đây là một phong tục lâu đời, mang đậm những giá trị văn hóa độc đáo, chứa đựng nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc, gắn bó bền chặt với đời sống tín ngưỡng dân gian của người Mường.

Ông Bùi Hoàng Thắng, ở thôn Kao Thắng (xã Ea Kao) đang chuẩn bị dựng cây nêu. Ảnh: Sao Mai

Ngước nhìn cây nêu thẳng tắp, vươn cao trong nắng vừa được trồng trước sân, ông Bùi Văn Cát cho biết, việc chọn cây nêu do đàn ông lớn tuổi hoặc thanh niên khỏe mạnh vào rừng, lên đồi để tìm. Theo kinh nghiệm xưa, cây nêu được làm từ cây tre cứng cáp, chắc khỏe, độ già vừa phải, thân thẳng, có ngọn hơi cong và còn cành, lá là tốt nhất. Cây nêu khi dựng lên phải cao hơn nóc nhà, gốc được chôn chặt dưới đất. Trên thân cây nêu, gia đình ông Cát còn treo những vật dụng lao động được đan bằng tre, nứa để cầu mong một mùa màng tươi tốt; phía trên ngọn nêu treo giấy màu sặc sỡ, túi gạo, muối... để xua đuổi cái xấu, cái không may, tiễn năm cũ, đón năm mới về với nhiều điều tốt đẹp. Từ khi thượng nêu là người Mường bắt đầu ăn Tết, và đến ngày mùng 9 tháng Giêng mới làm lễ hạ nêu để bắt đầu một năm mới với nhiều mong đợi.

Khi cây nêu được dựng lên, những người con dâu, con gái, con rể và các cháu của gia đình ông Cát cũng trở về đông đủ. Mỗi người một việc hào hứng chuẩn bị làm cơm cúng tổ tiên và lau dọn nhà cửa. Không khí đón Tết, mừng xuân mới rộn ràng mọi nẻo, vài ba gia đình trong xóm cùng chung nhau mổ heo chia thịt; những nồi bánh chưng đỏ lửa; mùi hương của xôi nếp đồ lan tỏa khắp làng quê. Trước sân mỗi gia đình, cây nêu vươn thẳng lên nền trời xanh, gửi gắm bao ước vọng về một năm mới mưa thuận, gió hòa, đời sống ấm no, hạnh phúc.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.