Multimedia Đọc Báo in

Ẩn dụ của gốm

15:58, 25/01/2023

Không ít lần chúng tôi chăm chú nhìn những amí, những cô sơn nữ ở buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk) miệt mài nặn gốm. Tâm tư, tình cảm của họ như thể gửi hết vào từng thớ đất phập phồng và sinh động ấy qua những động tác vuốt ve trên thân gốm.

Rồi sản phẩm cũng dần hiện ra (là chén, nồi, ấm, bình, ghè rượu…) dung dị mà thâm trầm, tối giản mà triết lý, ẩn tâm thế sống của cộng đồng người M’nông Rlăm quần tụ lâu đời bên dòng sông Mẹ - Krông Ana này.

Cộng đồng người M’nông Rlăm ở đây với sinh kế làm gốm nguyên thủy và các sản phẩm làm ra được thanh tẩy bằng tâm hồn, cốt cách của mỗi một nghệ nhân/nghệ sĩ chân chất nhất. Những sản phẩm làm ra kia trông gần gũi, bình dị đến lạ lùng, nhưng ẩn tàng trong đó một triết lý không dễ dàng cắt nghĩa được. Chúng tôi chỉ cảm nhận được rằng gốm M’nông Rlăm ở buôn Dơng Bắk đơn giản và kỳ lạ vô cùng. Đơn giản trong nguyên liệu (chỉ có đất sét), trong phương tiện (không dùng bàn xoay), trong màu sắc (màu khói đen duy nhất) và cả cách thức nung gốm (không dùng lò, nung lộ thiên bằng tất cả những nguyên liệu cháy được). Nói theo cách của họa sĩ Lê Thiết Cương, sản phẩm gốm chỉ là “thân cát bụi” rồi sẽ trở về “cát bụi” thì đâu phải nhọc lòng đổ nhiều công sức vào đó. Kỳ lạ là họ làm gốm không dùng bàn xoay - và khi nhìn các amí di chuyển vòng quanh bệ gốm, chúng tôi cứ ngờ ngợ phải chăng đó là mô phỏng của những vòng xoang cộng đồng trong các lễ hội truyền thống của đồng bào Tây Nguyên.

Tạo hoa văn cho gốm M’nông Rlăm (buôn Dơng Bắk, Yang Tao).

Vì thế, không phải ngẫu nhiên mà trong khoảng vài năm gần đây, họa sĩ Lê Thiết Cương đã gây ngạc nhiên cho người hâm mộ bằng hai dự án nghệ thuật liên quan đến gốm: “Thơ gốm” và “Kinh gốm”. Nghe tên đã hiểu đó là Thơ và Kinh Phật được viết trên gốm. Nhưng hẳn không ít người sẽ thắc mắc, tại sao lại là gốm? Hãy nghe họa sĩ tâm sự: chọn gốm là vì ở đó, ông đã nhìn ra những phẩm tính căn cốt mà không vật liệu nào có được. Gốm sinh ra từ đất, theo thuyết Ngũ hành thì đất thuộc hành “Thổ”  - là hành trung tâm, xoay quanh là Kim - Mộc - Thủy - Hỏa. Vạn vật từ đất mà sinh (thành, hoại, diệt) rồi trở về với đất. Gốm là sản phẩm con người tạo ra, hòa hợp tam tài Thiên - Địa - Nhân, mỗi sản phẩm gốm lại là sự phối trộn chung đức tính của đời sống như đất, nước, gió, lửa. Gốm ở đây cũng như người, đều có đời sống và hành trạng nhân gian cùng triết lý thấm đẫm nói trên. 

Chúng tôi từng đến nhiều “trung tâm” gốm của cả nước. Xa xôi phía Bắc như Phù Lãng; phía Nam như Lai Vung và miền Trung thì Bàu Trúc... Nghề gốm mỗi nơi mỗi kiểu, sản phẩm đơn giản có, tinh xảo có; quy trình tạo tác thủ công hoàn toàn có, công nghiệp hóa vài ba công đoạn cũng có. Mỗi nơi đều cho chúng tôi những ấn tượng khác nhau. Nhưng thật lòng, khi đến buôn Dơng Bắk (xã Yang Tao, huyện Lắk), lần đầu thấy những người phụ nữ M’nông Rlăm làm gốm chúng tôi mới giật mình. Có lẽ, đây là cách làm gốm “nguyên thủy” nhất mà chúng tôi từng chứng kiến - và qua đó đã hiện ra vẻ đẹp thực sự của cái nghề được xếp vào nghề “cổ sơ” nhất của loài người. 

Nhìn cách làm gốm ở đây, chúng tôi nghiệm ra nghệ thuật nhiều khi chẳng cần cao siêu, chuyên chú. Hãy nhìn những amí khi vẽ họa tiết trên xương gốm, họ dùng cành cây vót nhọn để khắc họa các đường kỷ hà hoặc mô típ hoa văn đơn giản. Nếu cần hình tròn, họ dùng đồng xu hoặc vòng đeo tay. Chúng tôi đã từng nhìn thấy và thán phục khi có amí dùng vỏ sò, chiếc muỗng... để tạo hoa văn. Nghĩa là bất cứ vật dụng nào có dạng hình học cần dùng đều đáp ứng được, không câu nệ và cầu kỳ. Nghệ thuật làm gốm buôn Dơng Bắk đã đạt đến độ “tối giản” trong mọi công đoạn, nhất là màu sắc, ở đây chỉ có hai màu (nâu rất nhạt và màu khói đen của tro trấu), nhìn chẳng khác mấy nguyên lý nghệ thuật tranh thủy mặc của người Trung Hoa.  

Một dạo đến buôn Dơng Bắk, chúng tôi mang theo về một chiếc bình gốm. Chỉ tiếc một điều là chiếc bình đã bị vỡ một mảnh nhỏ ở phần thân. Nhiều lúc ngắm nhìn tôi lại suy tư: có sự siêu việt ở gốm hay không? Nếu có, thì gốm Yang Tao có là hiện thân? Một chiếc bình vỡ có là nghệ thuật? Hỏi rồi tìm đọc mới biết, từ những mảnh vỡ của gốm mà người Nhật đã khai sinh ra dòng triết lý nổi tiếng có tên Kintsugi. Triết lý mang nội hàm về sự chữa lành tổn thương từ những mảnh vỡ của gốm. Nói dễ hiểu là những sản phẩm gốm bị vỡ, sau khi hàn gắn lại sẽ có vẻ đẹp và ẩn dụ sâu sắc về sự mong manh của cái đẹp, sự vượt qua những mất mát, quên lãng để trở thành nghệ thuật.

Dòng gốm của người M’nông Rlăm hiện đang khó nhọc vươn ra thị trường, hầu như chìm khuất trước thị hiếu tiêu dùng thực dụng. Cũng như những chiếc bình với nghệ thuật Kintsugi, chúng tôi mơ và tin gốm Yang Tao một ngày không xa sẽ lại được công chúng đón nhận bằng niềm tin vào gốm và ẩn dụ của gốm.

Đình Đối – Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc