Multimedia Đọc Báo in

Độc đáo hiện vật về “chúa sơn lâm” trong đồ cổ xưa Việt Nam

06:02, 30/01/2022

Trong nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, hình ảnh con hổ gợi lên những liên tưởng về sức mạnh, sự oai linh, vẻ đẹp rực rỡ nhưng đầy bí hiểm; là động vật săn mồi hàng đầu thể hiện biểu tượng đẳng cấp “chúa sơn lâm”.

Với quan niệm phong thủy của ông bà ta từ ngày xưa thì khi trưng bày biểu tượng con hổ trong nhà sẽ cân bằng âm dương, ngũ hành, giúp gia đạo yên bình, bảo vệ sức khỏe gia đình, diệt trừ ma quỷ, vận khí xấu. Trong các đình làng cổ Việt Nam thường hay trưng bày tranh hoặc tượng con hổ với quan niệm là để bảo vệ đình làng.

Với những ý nghĩa đó, cùng với đam mê của mình, nhà sưu tập Võ Minh Luân (TP. Buôn Ma Thuột), người nổi tiếng với hàng nghìn hiện vật nằm trong các bộ sưu tập về chóe, voi, hiện vật Tây Nguyên… đã tiếp tục sưu tập về 12 con giáp, trong đó có con hổ. Những hiện vật này được anh lưu giữ trong không gian “Ngôi nhà Di sản văn hóa Tây Nguyên” của mình tại TP. Buôn Ma Thuột.

Sưu tập từ năm 2008, đến nay anh Luân đang sở hữu bộ sưu tập gần 20 hiện vật về hình tượng con hổ. Đó là những hình ảnh của con hổ trên các bình gốm, chóe với các sự tích săn bắn của người Tây Nguyên, sự tích “Long tranh hổ đấu” gốm Biên Hòa; hay các bức tượng về hổ thuộc dòng gốm Biên Hòa, Lái Thiêu, Sông Bé xưa. Mỗi hiện vật mang một nét riêng, thế đứng ngồi khác nhau rất độc đáo và mang tính mỹ thuật cao.

Nhà sưu tập Võ Minh Luân giới thiệu về chiếc chóe có hình ảnh 10 con hổ.

Anh Luân cho hay, hình tượng con hổ được các nghệ nhân thể hiện lên các đồ cổ xưa từ hàng trăm năm trước cho đến thời nay; như hình tượng con hổ xuất hiện trên gốm Chu Đậu Hải Dương thế kỷ 14 - 15, gốm Gò Sành Bình Định thế kỷ 13 - 17, gốm Quảng Đức Phú Yên, Châu Ổ Quảng Ngãi thế kỷ 18 - 20, trên gốm Biên Hòa Đồng Nai, Lái Thiêu Bình Dương thế kỷ 20… Tất cả khắc họa con hổ mang nét đặc trưng riêng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam.

Trong bộ sưu tập về con hổ của anh Luân, nổi bật chính là chiếc chóe “Vua” gốm Gò Sành Bình Định, thuộc dòng gốm cổ Gò Sành danh tiếng của người Chăm, được làm từ khoảng thế kỷ 13 - 16 ở vùng đất miền Trung. Chiếc chóe độc đáo có màu nâu vàng hài hòa, đắp nổi 10 con hổ, 6 con hổ là tai chóe, 4 con hổ đắp nổi xung quanh chóe với 4 tư thế khác nhau rất oai hùng. Trên đầu mỗi con hổ đều khắc chữ Vương, tượng trưng Vua. Ngoài ra, chiếc chóe được chạm khắc rất tinh xảo với nhiều bông hoa và hoa văn mãn họa khắp thân; khi ngắm chiếc chóe trực tiếp, người xem không khỏi ngạc nhiên về sự tinh tế, kỳ công của các nghệ nhân cổ xưa đã làm ra hiện vật quý hiếm này.

Một chiếc chóe với tích săn bắn của người Tây Nguyên có hình ảnh con hổ.

Chiếc chóe cổ Gò Sành quý giá này được anh Luân sưu tầm từ một gia đình người Êđê ở huyện Lắk. Khi biết nhà sưu tập trẻ có thiện ý muốn lưu giữ chiếc chóe ở vùng đất Tây Nguyên, cả gia đình này đã họp lại và đồng ý hữu duyên cho anh, hy vọng anh sẽ bảo tồn chiếc chóe quý này dài lâu. Trước khi chia tay chiếc chóe, họ tổ chức tiệc rượu cần và thịt heo, giống như gả con về nhà người khác trong niềm vui hân hoan, dù có chút luyến tiếc vì cái chóe đã ở với gia đình họ nhiều đời. “Hiện tại, trên thế giới có một chiếc chóe tương tự như vậy ở Bảo tàng dân tộc Sabah, Malaysia”, anh Luân tiết lộ.

Hiện nay, hổ trong tự nhiên cũng không còn nhiều. Chính vì vậy anh Luân muốn giữ gìn, bảo tồn hình ảnh loài hổ thông qua các hiện vật cổ xưa tại “Ngôi nhà Di sản văn hóa Tây Nguyên”, giúp thế hệ con cháu mai sau có cơ hội khám phá và tìm hiểu.

Ánh Ngọc


Ý kiến bạn đọc


Xem thêm

Thương nhớ mai rừng
05:50, 30/01/2022
Những ngày xưa
05:49, 30/01/2022
Ba ngày Tết ở quê
05:49, 30/01/2022
Bất chợt giao thừa
05:48, 30/01/2022
Khúc hoan ca
05:48, 30/01/2022
(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.