Multimedia Đọc Báo in

Chú trọng công tác phòng cháy, chữa cháy từ cơ sở

06:34, 04/10/2022

Thời gian qua, Phòng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy (PCCC) và cứu nạn cứu hộ (CNCH), Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cấp ủy, chính quyền tăng cường nhiều biện pháp giúp nhân dân và lực lượng chức năng ở cơ sở nâng cao hiệu quả công tác PCCC, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do cháy, nổ gây ra.

Công tác PCCC còn nhiều tồn tại

9 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 18 vụ cháy, thiệt hại tài sản khoảng 13,2 tỷ đồng. Các vụ cháy xảy ra chủ yếu ở khu dân cư, nhà dân, nhà ở kết hợp sản xuất, kinh doanh và đều được lực lượng chức năng, người dân, chính quyền địa phương xử lý kịp thời, hiệu quả.

Để chủ động PCCC trên địa bàn tỉnh, Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã chủ động tham mưu Công an tỉnh trình UBND tỉnh ban hành các văn bản chỉ đạo công tác PCCC; phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về PCCC, đặc biệt là củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành. Bên cạnh đó, tăng cường công tác tuyên truyền, kiểm tra, hướng dẫn thực hiện bảo đảm quy định về PCCC và CNCH; trong đó tập trung tuyên truyền ở các địa bàn trọng điểm, cụm công nghiệp và khu dân cư có nguy cơ cháy, nổ cao.

Người dân phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) thực tập phương án chữa cháy. 

Song song với đó, đơn vị cũng đã tăng cường công tác thanh, kiểm tra giúp các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác chỉ đạo, triển khai công tác PCCC. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy, một số người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chỉ chú trọng đến sản xuất, kinh doanh, chưa có ý thức tự giác hoặc thực hiện một cách đối phó quy định của pháp luật về PCCC; công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCCC tại một số đơn vị, địa phương chưa được triển khai thường xuyên, chưa sát với thực tế; phương tiện PCCC chưa được bảo dưỡng định kỳ theo quy định.

Theo Đại úy Nguyễn Văn Long, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH, mặc dù trên địa bàn tỉnh trong những năm gần đây chưa xảy ra các vụ cháy tại các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí, tuy nhiên qua công tác kiểm tra mới đây, đơn vị đã phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính về lĩnh vực PCCC 68 trường hợp, thu nộp Kho bạc Nhà nước hơn 200 triệu đồng. Trong đó, một số hạn chế phổ biến là: các cơ sở kinh doanh dịch vụ giải trí chưa thực hiện đầy đủ việc thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu công trình theo quy định; không bảo đảm khoảng cách an toàn về PCCC; hệ thống điện chưa bảo đảm; cửa thoát nạn, lối thoát nạn không đủ kích thước, số lượng theo quy định… 

Phát huy vai trò của người dân trong PCCC

Gần đây, trong cả nước liên tiếp xảy ra nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, vì vậy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH đã tham mưu Công an tỉnh ban hành các kế hoạch tăng cường công tác PCCC và CNCH, trong đó tập trung xây dựng, nhân rộng mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC” và “Điểm chữa cháy công cộng”. Đến cuối tháng 9/2022, toàn tỉnh xây dựng được 27 mô hình “Tổ liên gia an toàn về PCCC”, 15 “Khu dân cư an toàn PCCC” và 5 điểm chữa cháy công cộng.

Giữa tháng 9/2022, phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) thành lập mô hình “Khu dân cư an toàn về PCCC" tại tổ dân phố (TDP) 1 và thành lập mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” tại TDP 3. Trong đó, TDP 1 (dọc tuyến đường Y Jút) có khoảng 50 hộ dân buôn bán những mặt hàng dễ cháy, do đó việc xây dựng mô hình "Tổ liên gia an toàn về PCCC" nhằm góp phần phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra. Tại đây, mỗi hộ dân được bố trí chuông báo cháy (1 lắp ngoài cổng và 1 lắp trong nhà), trang bị ít nhất 1 bình chữa cháy. Khi có cháy xảy ra, chỉ cần 1 hộ nhấn chuông thì cả khu phố đều nghe để chủ động phương án chữa cháy. Bà Châu Thị Nguyệt Ánh (85 tuổi, người dân TDP 1) cho biết, tham gia mô hình, người dân được hướng dẫn các kiến thức, kỹ năng, cấp phát tài liệu, cẩm nang PCCC... Ngoài ra, được trang bị một số thiết bị chữa cháy có thể dễ dàng sử dụng để dập tắt đám cháy khi có sự cố xảy ra.

Cán bộ Công an phường Thống Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) hướng dẫn người dân sử dụng bình chữa cháy.

Còn mô hình “Điểm chữa cháy công cộng” được triển khai tại khu dân cư đường Điện Biên Phủ (thuộc TDP 3). Tại khu dân cư này do có nhiều hẻm nhỏ, xe chữa cháy khó đi vào nên được bố trí sẵn các phương tiện: bình chữa cháy, xà beng, búa, kìm cộng lực… Khi xảy ra sự cố, người dân sẽ sử dụng các phương tiện được trang bị để tham gia chữa cháy và cứu nạn. Theo Trung tá Lê Thị Oanh, Phó Trưởng Công an phường Thống Nhất, tuy mới đi vào hoạt động nhưng các thành viên trong Tổ đã phát huy vai trò của mình, thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn người dân chấp hành nghiêm quy định về an toàn PCCC và hướng dẫn các thao tác thực hiện chữa cháy tại chỗ.

Đại úy Nguyễn Văn Long chia sẻ, các mô hình bước đầu đã đem lại hiệu quả thiết thực, tạo sự liên kết chặt chẽ giữa cơ quan chức năng, chính quyền và người dân trong công tác PCCC. Thông qua các mô hình này, chính quyền địa phương, hộ dân ngày càng nâng cao nhận thức, trách nhiệm, kỹ năng PCCC, từ đó phát huy tác dụng phương châm "4 tại chỗ" (lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, hậu cần tại chỗ, chỉ huy tại chỗ) để kịp thời phát hiện, xử lý các vụ cháy ngay từ khi phát sinh, góp phần hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do cháy, nổ gây ra.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.