Multimedia Đọc Báo in

Khi lịch sử gọi tên các cô gái…

16:13, 13/02/2022

Không thể tin nổi, hạnh phúc lâng lâng… đó có lẽ là cảm xúc lớn nhất của người hâm mộ Việt Nam những ngày qua khi đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam giành vé vào Chung kết World Cup 2023. Lịch sử bóng đá nước nhà đã nâng lên một tầm cao mới theo cách đầy tự hào như thế! Nhưng, có gì đó lạ lẫm. Phải chăng, bởi vì trước đây chúng ta ít hay thậm chí là “quên” gọi tên các cô gái ấy?

Thú thực, ngay bản thân người viết, ngoài huấn luyện viên Mai Đức Chung đã quen thuộc, thì những cái tên trong đội hình làm nên kỳ tích lịch sử vươn ra “biển lớn” World Cup cũng còn khá “lạ”. Bởi “độ phủ” mặt báo của họ chỉ dừng lại ở câu chuyện chuyên môn, đôi khi chỉ là gắn liền với cụm từ “Đội tuyển bóng đá nữ”, nên khó mà nhớ ra. Những Huỳnh Như, Tuyết Dung, Chương Thị Kiều, Bích Thùy, Kim Thanh, Thanh Nhã... giờ đây có lẽ sẽ được “nhớ” và “hô vang” nhiều hơn sau chiến tích lịch sử. Và hy vọng họ sẽ được yêu thương, quan tâm như cách người hâm mộ nước nhà vẫn dành cho các cầu thủ Hùng Dũng, Quang Hải, Công Phượng, Tiến Linh...

Phải nhắc lại rằng, bóng đá nữ Việt Nam bao năm qua luôn “ngự trị” trên đỉnh cao của bóng đá khu vực. Qua 6 kỳ SEA Games gần nhất, họ liên tục đạt huy chương vàng, 3 lần vô địch giải bóng đá nữ Đông Nam Á. Để rồi, mỗi khi các cô gái ấy được “xướng tên” cho vị trí cao nhất nhiều người hâm mộ lại coi đó là “mặc định”, là “đương nhiên”, thậm chí “bỏ quên” họ. Trong khi với bóng đá nam, mỗi khi họ vô địch đó là “ngày hội” của cả nước, những cái tên góp mặt trong đội hình của giải đấu đó sẽ là “ngôi sao” quan tâm bậc nhất. Cũng bởi vì suy nghĩ cố hữu, bóng đá là của phái mạnh, chỉ có bóng đá nam mới mang lại cảm xúc trọn vẹn và đích thực nhất.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính gặp mặt và khen thưởng Đội tuyển Bóng đá nữ Việt Nam. Ảnh: VGP

Đi vào tìm hiểu cuộc sống đời thường của tuyển nữ Việt Nam mới thấy trân trọng và cảm phục hơn giọt nước mắt vinh quang của họ. Vì sự đầu tư cho bóng đá nữ còn hạn hẹp, sự quan tâm của dư luận còn ít, các nhà tài trợ thường không “mặn mà”, nên mức lương thưởng của các cô gái bóng đá nữ còn khá khiêm tốn. Lương của họ chỉ là 5 - 10 triệu đồng, thậm chí vài năm trước con số này còn thấp hơn.

Có người vì nỗi lo “cơm áo gạo tiền” đành dở dang với tình yêu trái bóng tròn. Để bám trụ được với nghề, họ phải làm đủ việc. Như, đội trưởng tuyển nữ Việt Nam Huỳnh Như còn có nghề “tay trái” là bán dừa sáp, tiền vệ Tuyết Dung khi không đá bóng sẽ đi làm ruộng, Thái Thị Thảo thì bán thêm đồ thể thao... Để có 90 phút trên sân mang lại niềm tự hào cho cả nước là một hành trình dài khó khăn đằng sau đó không bao giờ đong đếm hết bằng con số...

Nhớ lại trận đấu với Đài Bắc Trung Hoa vài hôm trước, nhìn mồ hôi nhễ nhại, ánh mắt rạng rỡ, nụ cười hạnh phúc của các cô gái Việt Nam khi ăn mừng chiến thắng, mới thấy họ đẹp hơn bao giờ hết. Trong khi đối thủ chỉ cần một trận hòa thì các cô gái của chúng ta buộc phải thắng. Họ đã can trường chiến đấu với tinh thần không bao giờ bỏ cuộc. Khi trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, họ biết mình đã làm được.

Một câu chuyện cổ tích đã được chính các cô gái ấy viết nên theo một cách đẹp đẽ như thế. Họ - bằng sự cống hiến lặng lẽ, bền bỉ không phô trương đã giúp chúng ta được "sánh vai" với bạn bè năm châu. Lịch sử đã gọi tên các cô gái tuyển Việt Nam. Khó khăn đã qua, họ sẽ được vinh danh, nhận nhiều sự hỗ trợ từ nhà nước, nhà tài trợ và hơn hết là sự yêu thương từ trái tim hàng chục triệu người hâm mộ nước nhà. Cảm ơn các cô gái, vì các bạn thật sự xứng đáng.

Thùy Duyên

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.