Multimedia Đọc Báo in

Hoa bên hồ tưởng niệm

08:52, 26/09/2023

Tôi dừng khá lâu ở khu Công viên Tưởng niệm nạn nhân 11/9 tại TP. New York (Mỹ). Chớp mắt đã 22 năm, một thế hệ nếu sinh ra ngày ấy thì giờ đã tốt nghiệp đại học và bắt đầu quãng đời công chức, viên chức hoặc làm một nghề gì đó để mưu sinh, lập nghiệp.

Một thế hệ sinh ra, lớn lên và trưởng thành. Chỉ bầu trời New York vẫn vậy, trong vắt xuyên qua các tòa nhà chọc trời. Vài ba sợi mây trắng, mảnh mai thả giữa trời xanh, in hình vào các ô cửa kính đủ sắc màu, lấp lóa như những sợi khói.

Tôi hình dung những sợi khói in trên các ô cửa kính có từ cái ngày định mệnh cách đây 22 năm. Một tội ác kinh hoàng của nhân loại.

Trước khi đến khu Công viên Tưởng niệm nạn nhân 11/9, Minh chở gia đình tôi ghé thăm nhiều nơi chốn. Quảng trường Thời đại (Time Square), các khu phố thương mại sầm uất, tòa nhà Trump… Nhịp sống ồn ã, náo nhiệt của New York, nơi được xem là trái tim của nền kinh tế, tài chính Hoa Kỳ vẫn vậy. Du khách khắp nơi vẫn đổ về và từng đoàn người vẫn nối nhau bất tận trên các hè phố. Minh, quê ở Lăng Cô, tỉnh Thừa Thiên – Huế là bạn tôi, đã định cư ở Mỹ từ hơn 30 năm trước nói với tôi: “Nếu xem New York là biểu tượng của nước Mỹ thì tòa Tháp Đôi, cách thường gọi của Trung tâm Thương mại thế giới là biểu tượng của New York”. Tòa Tháp Đôi cao 110 tầng, được xây dựng vào năm 1973, cách đây nửa thế kỷ và đã từng là kiến trúc cao nhất thế giới trong nhiều năm.

Du khách và người dân Mỹ đến với công viên, nơi có hồ Tưởng niệm nạn nhân 11/9.

Trở lại cái ngày định mệnh, 11/9/2001, tòa Tháp Đôi bị những kẻ khủng bố tấn công. Minh không có mặt ở New York nhưng theo lời bạn bè Minh kể lại thì đó là ngày tang tóc mà ngay cả những sát nhân máu lạnh cũng không thể nghĩ ra kịch bản ghê rợn hơn. Vào đầu giờ sáng, kim đồng hồ vừa vượt qua mốc 8 giờ 46 vài chục giây, chiếc máy bay do không tặc điều khiển đâm trực diện vào hướng bắc của tòa tháp nằm ở phía bắc, phá hủy gần như lập tức các tầng nhà từ tầng 93 đến tầng 99. Khi người dân New York còn bàng hoàng tưởng đây là vụ tai nạn hàng không nghiêm trọng thì chỉ 17 phút sau, lúc 9 giờ 03 sáng, chiếc máy bay thứ hai do nhóm khủng bố đã trở thành không tặc đâm thẳng vào tòa tháp phía nam, phá hủy lập tức tầng 77 đến tầng 85. Nếu cú đâm vào tháp Bắc phá hủy toàn bộ cầu thang khiến 1.344 người mắc kẹt phía trên vùng va chạm thì cú đâm thấp hơn vào tháp Nam cũng khiến gần 700 người không tìm ra lối thoát. Khói lửa bốc lên, cao đến nỗi có thể nhìn thấy rõ ở những tấm ảnh chụp từ vệ tinh. Dưới sức nóng của nhiệt, thép giãn nở và tan chảy, bê tông nát vụn. Tòa tháp Nam chịu được 56 phút, tòa tháp Bắc cầm cự đúng 102 phút trước khi hai tòa tháp và các kết cấu liên đới nặng hàng ngàn tấn sụp đổ hoàn toàn. Nếu phải dùng hai từ để chỉ những phút giây thảm khốc đó thì chỉ là rùng rợn và hoảng loạn, Minh nói với tôi. Hoảng loạn đến mức có người chỉ chân đất chạy vô phương từ gần tòa Tháp Đôi lên đến cầu Brooklyn cách đó vài dặm, cứ cắm đầu chạy mà không hiểu vì sao mình chạy, chạy đi đâu…

Trên phần đất của tòa Tháp Đôi xưa giờ đây người ta cho xây khu Công viên Tưởng niệm nạn nhân 11/9. Riêng chân móng của hai tòa tháp người ta dựng công trình tưởng niệm là hồ nước sâu. Nghe bảo từ hàng nghìn bản vẽ của các kiến trúc sư lừng danh trên thế giới, ở nhiều quốc gia khác nhau, người ta chọn ra phương án này. Mặt hồ rộng nhưng không chứa nước, nước ngầm từ thành hồ chảy ra và tuôn xuống đáy hồ. Giữa đáy hồ lại có một hồ nhỏ và nước tiếp tục chảy xuống đó. Điều hay của kiến trúc tưởng niệm này là dù ở phía nào người ta cũng không thể nhìn thấy đáy hồ. Nước cứ thế, chảy rì rào không ngừng nghỉ. Bờ hồ lớn có bốn cạnh làm bằng đá, trên đó khắc tên của 2.977 nạn nhân đã chết trong sự kiện 11/9.

Tôi đã đứng lặng yên rất lâu bên bờ hồ tưởng niệm. Nhiều người Mỹ, du khách nước ngoài thả bộ trong công viên. Tất cả im ắng, chỉ có nắng vàng rất nhẹ trên thảm cỏ, dưới bóng những cây sồi trắng. Thỉnh thoảng có người mang hoa đặt lên thành hồ, nơi những cái tên khắc chìm vào đá. Nước vẫn rì rào chảy, trong âm điệu thì thầm như những lời cầu nguyện. Chợt nhớ lời kiến trúc sư Michael Arad, người chủ sư thiết kế công trình tưởng niệm nói: “Hai hồ nước này tượng trưng cho sự mất mát có thể nhìn thấy được, là khoảng trống hữu hình, là sự vắng mặt phản chiếu. Đó là điều mà ngay khi bạn đi bên rìa của sự mất mát này, bạn vẫn cảm nhận được nó. Nó không chỉ ở trong tâm trí mà còn ở ngay trong trái tim của bạn”. Nước chảy vào khoảng trống nhưng mãi mãi không lấp đầy, như là nỗi đau vĩnh cửu. Không ai nhìn thấy đáy bởi người còn sống phải tin rằng, không có gì là đáy sâu tuyệt vọng.

Trên thành hồ Tưởng niệm khắc tên các nạn nhân 11/9.

Như người khách lãng du có dịp ghé ngang qua, tôi đứng rất lâu bên hồ tưởng niệm. Lòng chợt nghĩ về cái thiện, cái ác trên đời, về chiến tranh, hòa bình, về nỗi đau, sự mất mát và những gì mọc lên từ chết chóc, đổ nát. Dưới bóng những cây sồi trắng, bên bờ hồ, những cái tên khắc chìm trên đá bỗng như biến thành những bông hoa. Hồ tưởng niệm trở nên sâu hun hút, lạ kỳ để bất chợt thấy những bông hoa như đang ở bên bờ vực thẳm.

Trời New York đã về chiều. Tôi không còn đủ thời gian để tìm kiếm đành bái vọng từ xa hai người cùng dòng máu với tôi. Tên của họ cũng được khắc vào hồ Tưởng niệm, đó là hai công dân Mỹ gốc Việt: Anh Nguyễn Ngọc Khang (sinh năm 1960) và chị Phạm Tú Anh (sinh năm 1959). Khi mất, cả hai chỉ mới hơn 40 tuổi, giai đoạn yên ổn và thành đạt của đời người.

Nhưng trong yên lặng và thanh âm nước chảy, tôi nhận ra cuộc sống vẫn liền lạc bất tận. Miễn nhân loại còn tin vào lương tri, chính nghĩa được khơi dậy thì ánh mặt trời sẽ xua đi những đám mây đen tối. Như hôm nay tôi đứng bên hồ nước. Để thấy những bông hoa dù ở bên bờ vực thẳm, chẳng bao giờ cúi đầu.

Phạm Xuân Hùng


Ý kiến bạn đọc