Multimedia Đọc Báo in

Từng bước hình thành vùng chuyên canh sầu riêng ở Ea Tar

09:30, 29/10/2021

Những năm gần đây, bên cạnh cây trồng chủ lực là cà phê, nông dân trên địa bàn xã Ea Tar (huyện Cư M’gar) đã tích cực chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn trái như: bơ sáp, sầu riêng, chôm chôm… Trong đó, sầu riêng được nhiều hộ dân lựa chọn và đầu tư mở rộng diện tích, mang lại giá trị kinh tế cao.

Xã Ea Tar hiện có hơn 800 hộ trồng sầu riêng với diện tích gần 800 ha (chủ yếu là các dòng chất lượng cao như: Dona, Ri6) tập trung ở buôn Ea Kiêng, buôn Tơng Lía, thôn 4... Trong đó có khoảng 200 ha trồng thuần và hiện đã có khoảng 150 ha đang trong chu kỳ kinh doanh, hằng năm cho sản lượng khoảng 1.500 tấn.

Bà Thái Thị Anh Hòa, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Tar cho biết, Ea Tar có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp để phát triển cây sầu riêng. Nhận thấy tiềm năng phát triển cây sầu riêng tại địa phương và nhằm định hướng sản xuất cây sầu riêng trên địa bàn trong thời gian tới một cách khoa học và vững chắc, UBND xã Ea Tar đã xây dựng Đề án “Phát triển chuyên canh vùng trồng sầu riêng giai đoạn 2020 - 2030”. Trong đó tập trung nghiên cứu những vấn đề về: phát triển chuyên canh cây sầu riêng tại xã Ea Tar; quy mô, cơ cấu sản xuất, phát triển cây sầu riêng; quy hoạch vùng sản xuất tập trung, đồng thời xây dựng mô hình cây ăn quả tập trung theo hướng hàng hóa.

Cán bộ xã Ea Tar (bên phải) đến tham quan mô hình trồng sầu riêng của thành viên CLB Sầu riêng Ea Tar.

Tháng 7-2021, UBND xã Ea Tar tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Sầu riêng Ea Tar (gọi tắt là CLB), ban đầu có 25 thành viên tham gia, với mục đích trao đổi kinh nghiệm, chuyển giao ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết chuỗi sản xuất để phát triển bền vững cây sầu riêng, góp phần nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Nhiều thành viên của CLB đã mạnh dạn ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, thay đổi phương thức canh tác để cây sai trái, đạt chất lượng hơn, mang đến thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm.

Bên cạnh đó, một số thành viên cũng đã liên kết với các doanh nghiệp, đứng ra mở hai xưởng thu mua sầu riêng trên địa bàn xã để xuất khẩu. Nhờ vậy, vụ mùa vừa qua, dù chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 nhưng các hộ trồng sầu riêng trên địa bàn vẫn bảo đảm đầu ra với giá bán dao động từ 30 - 45 nghìn đồng/kg.

Gia đình anh Lê Văn Tâm (buôn Ea Kiêng, xã Ea Tar), thành viên CLB, là một trong những hộ dân trồng sầu riêng sớm tại địa phương. Từ những vườn cà phê già, kém năng suất, sau khi đi tham quan, học hỏi kinh nghiệm từ các tỉnh miền Tây, nhận thấy đất đai ở địa phương màu mỡ, phù hợp với sự phát triển của cây sầu riêng, năm 2012, anh đã bàn bạc với gia đình mạnh dạn chuyển hướng sang trồng sầu riêng. Ban đầu, anh trồng xen canh trong vườn cà phê, khi cây sinh trưởng phát triển tốt, cho năng suất cao, anh mới đầu tư mở rộng diện tích hướng đến trồng chuyên canh.

Anh Lê Văn Tâm (buôn Ea Kiêng, xã Ea Tar) chăm sóc vườn sầu riêng của gia đình

Đến nay, trên diện tích hơn 3,3 ha, gia đình anh Tâm đã trồng được hơn 700 cây sầu riêng, chủ yếu là giống Dona. Trong đó, khoảng 100 cây đã bước vào thời kỳ kinh doanh với sản lượng trên 20 tấn. Dự kiến năm tới sẽ có khoảng 500 cây sầu riêng bước vào thu chính, sản lượng ước đạt khoảng 60 tấn.

“Cây sầu riêng trồng từ 4 - 5 năm sẽ cho thu quả và giai đoạn thu hoạch kéo dài khoảng 20 năm. Dù chi phí đầu tư khá lớn nhưng mang lại lợi nhuận cao. Vụ thu hoạch sầu riêng vừa qua đúng vào đợt dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhờ có các xưởng thu mua tại địa phương, người trồng sầu riêng trên địa bàn xã không bị “bí” đầu ra và không bị ép giá”, anh Tâm chia sẻ.

Không chỉ trồng sầu riêng, hơn 4 năm nay, gia đình anh Tâm cũng mở một cơ sở cây giống tại buôn Ea Kiêng, cung cấp các giống cây trồng như: cà phê, sầu riêng, mít… cho bà con trong và ngoài xã.

Việc vận động thành lập CLB Sầu riêng Ea Tar là thành công bước đầu trong việc hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái trên địa bàn xã Ea Tar nói riêng và huyện Cư M’gar nói chung.

Theo bà Thái Thị Anh Hòa, để xây dựng vùng trồng chuyên canh sầu riêng, hướng tới phát triển bền vững, thời gian tới, UBND xã Ea Tar sẽ tiếp tục đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, định hướng, hỗ trợ nông dân ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất; đồng thời tổ chức xây dựng và phát triển vùng sản xuất, hỗ trợ xây dựng hồ sơ cấp mã vùng cây trồng, xây dựng nhãn hiệu sầu riêng cũng như logo và mã vạch để truy xuất nguồn gốc sản phẩm…; hướng tới hình thành khu nhà xưởng sản xuất, chế biến, kho đông lạnh... phục vụ việc sản xuất và xuất khẩu.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Cùng kiểm lâm giữ rừng 
Bên cạnh lực lượng kiểm lâm chuyên trách giữ rừng, Vườn Quốc gia Yok Đôn với chính sách giao khoán rừng cho người dân vùng đệm đã “biên chế” thêm hàng nghìn người dân cùng chung tay bảo vệ rừng, trở thành cánh tay đắc lực giữ vững màu xanh cho đại ngàn Yok Đôn.