Multimedia Đọc Báo in

Tiêu thụ nông sản: Cần thay đổi tư duy, cách làm

16:02, 27/10/2021

Dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh đã làm chuỗi cung - cầu bị đứt gãy, khiến nhiều loại nông sản của Đắk Lắk vào vụ thu hoạch bị ứ đọng tại nơi sản xuất. Việc thúc đẩy tiêu thụ nông sản trong bối cảnh dịch bệnh đã được các cấp, các ngành, doanh nghiệp chung tay hỗ trợ cho nông dân. Tuy nhiên, để các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh không còn bị rơi vào tình thế bế tắc như thời gian qua, địa phương cần có nhiều giải pháp dài hơi hơn nữa.

 

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc phóng vấn Tiến sĩ TRẦN MINH HẢI, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Tư vấn kinh tế hợp tác, Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và phát triển nông thôn II, thành viên Tổ công tác 970 Bộ NN-PTNT về vấn đề này.

Đắk Lắk là một tỉnh có nhiều tiềm năng về phát triển nông nghiệp. Vậy ông đánh giá như thế nào về lợi thế của nông nghiệp Đắk Lắk?

Đắk Lắk có nguồn tài nguyên đất đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển sản xuất nông nghiệp, tạo ra nhiều sản phẩm có chất lượng. Đặc biệt, đất đỏ bazan chiếm diện tích lớn, đây là thế mạnh để Đắk Lắk phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày, cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, thành vùng nguyên liệu tập trung.

Và trên thực tế, Đắk Lắk cũng đã trở thành thủ phủ của cà phê, sầu riêng và nhiều loại nông sản khác nhờ diện tích, sản lượng lớn so với cả nước. Với những lợi thế đó, nông nghiệp Đắk Lắk cũng tạo ra những sản phẩm đặc trưng vùng miền, được nhiều thị trường ưa chuộng, nên việc thông thương trong điều kiện bình thường tương đối ổn.

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 bùng phát mạnh, đây là nguyên nhân khách quan gây nên tình trạng ách tắc hàng hóa nông sản trong thời gian qua. Tuy nhiên, đại dịch cũng đã làm bộc lộ rõ những hạn chế trong khâu sản xuất cũng như thương mại hàng hóa. Với Đắk Lắk, đó là những hạn chế như thế nào, thưa ông?

Rõ ràng, nông nghiệp Đắk Lắk có nhiều lợi thế, nhưng cái yếu của tỉnh là vấn đề liên kết dọc và liên kết ngang giữa các thành phần trong chuỗi ngành hàng còn thấp. Tức là số lượng trang trại, hợp tác xã (HTX) rất nhiều nhưng chủ yếu là HTX theo kiểu gia đình hoặc HTX theo kiểu doanh nghiệp nhỏ là nhiều.

Do đó, các HTX của tỉnh chưa phát huy được bản chất của mô hình HTX và HTX chưa thực hiện được tốt các dịch vụ mua chung - bán chung cho thành viên. Còn HTX với quy mô thành viên lớn, quy mô liên kết cung cấp dịch vụ giữa HTX và nhiều thành viên để tận dụng lợi thế thị trường nội bộ thì ở Đắk Lắk vẫn còn khiêm tốn.

Chính điều này cho thấy sản xuất nông nghiệp của Đắk Lắk tuy diện tích đất bình quân/hộ lớn hơn so với vùng khác nhưng vẫn rất manh mún, nhỏ lẻ nên không phát huy được các chuỗi liên kết giữa nhiều người dân vùng nông thôn.

Điểm thứ hai, Đắk Lắk chưa hình thành được nhiều đầu mối để thu gom, sơ chế, chế biến và tiêu thụ nông sản như các tỉnh khác. Công tác truyền thông chỉ lấy diện tích nhân năng suất bình quân ra tổng sản lượng, nhưng không cung cấp được loại nông sản gì? Sản lượng bao nhiêu? Thời điểm nào thu hoạch? Địa chỉ chỗ nào? Và ai phụ trách đầu mối kinh doanh và số điện thoại liên hệ?

Ngành quản lý chỉ mới báo cáo số liệu thống kê “ước chừng” nên thiếu chính xác và không có ý nghĩa cho doanh nghiệp thu mua, đây là điểm nghẽn lớn nhất của Đắk Lắk trong sản xuất nông nghiệp.

Điều này thể hiện rõ nhất ngay trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 bùng phát mạnh, trong khi tỉnh kêu gọi các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương hỗ trợ tiêu thụ sầu riêng đang bị ứ đọng nơi sản xuất, nhưng khi Tổ công tác 970 của Bộ NN-PTNT kết nối các doanh nghiệp để thu mua cho nông dân với số lượng mấy trăm tấn thì lại không có ai đứng ra làm đầu mối để bán theo đơn đặt hàng của doanh nghiệp, buộc doanh nghiệp phải sang tỉnh khác thu mua.

Thứ ba, Đắk Lắk về tiềm năng sản xuất nông nghiệp rất lớn nhưng chưa chuẩn bị tốt để làm kinh tế nông nghiệp tốt. Chính vì vậy, nhiều ngành hàng của tỉnh sản xuất rất tốt nhưng lợi nhuận và lợi ích kinh doanh của ngành hàng chưa cao.

Tiến sĩ Trần Minh Hải (mặc áo ca rô)  trao đổi với người dân trồng sầu riêng ở tỉnh Bình Phước

Hiện tại thì những khó khăn trong tiêu thụ nông sản do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 cơ bản đã được tháo gỡ. Nhưng về lâu dài, Đắk Lắk cần phải làm gì nhằm khắc phục những yếu kém để nông nghiệp trở thành “bệ đỡ” cho nền kinh tế của tỉnh, thưa ông?

Muốn khắc phục điểm yếu này thì trước hết Đắk Lắk phải thực hiện được quy hoạch tổng thể về sản xuất nông nghiệp để xác định được vùng nguyên liệu tập trung, nhưng chú ý là phải căn cứ vào các thông tin thị trường để có quy hoạch. Từ đó, đầu tư về hạ tầng và thu hút doanh nghiệp tới.

Tôi lấy ví dụ về cây sầu riêng, Đắk Lắk có rất nhiều lợi thế về thị trường đầu ra nhưng nông sản này của tỉnh chủ yếu phát triển tự phát, chỗ nào cũng thấy dân trồng. Sầu riêng các nước nhập khẩu chủ yếu là cơm sầu riêng đã cấp đông, nên tỉnh cần đẩy mạnh việc phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến, cấp đông, kho đông cho sản phẩm sầu riêng để tăng lợi nhuận của ngành hàng này trong tương lai. Do đó, tỉnh phải xác định cho được vùng sầu riêng tập trung ở đâu, quy hoạch ở huyện nào, từ đó mới thu hút các doanh nghiệp đến thu mua, sơ chế, chế biến…

Chúng tôi gợi ý tỉnh nên xây dựng bản đồ nông hóa thổ nhưỡng cập nhật để tất cả cơ quan từ tỉnh đến huyện có căn cứ khoa học quy hoạch vùng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng có căn cứ khoa học. Sớm quy hoạch vùng sản xuất tập trung và từng bước tiến đến cấp mã vùng trồng cho từng loại cây. Tăng số lượng người dân, tổ hợp tác, HTX và trang trại ứng dụng công nghệ thông tin để ghi chép nhật ký sản xuất điện tử để tạo QR CODE và đi chào bán sản phẩm trước thu hoạch.

Chỉ cần đầu tư kinh phí 100.000 đồng/hộ/năm để trả các phí dịch vụ lưu trữ và phí bản quyền phần mềm, tỉnh sẽ có hàng nghìn HTX, trang trại, tổ hợp tác, doanh nghiệp và hộ nông dân ghi chép nhật ký sản xuất điện tử và làm tiền để để xây dựng mã vùng trồng.

Lúc này, đơn vị cấp dịch vụ sẽ giao cho UBND tỉnh/Sở NN-PTNT một mã quản lý chung cho toàn tỉnh thì lãnh đạo tỉnh, cơ quan quản lý chỉ cần ngồi một chỗ vẫn có thể nắm được tình hình sản xuất thực tế của các địa phương, từ diện tích các loại cây, nằm chỗ nào, thời điểm nào thu hoạch, sản lượng, năng suất bao nhiêu… Việc này không tốn kém nhiều, mỗi năm làm vài trăm hộ/huyện thì từng bước cả tỉnh có nguồn dữ liệu lớn.

Nếu Đắk Lắk làm được những điều này thì việc quản lý sản xuất nông nghiệp cũng như vấn đề tiêu thụ nông sản của tỉnh sẽ không còn khó khăn. Trên cơ sở đó, sản phẩm sẽ dễ dàng đưa vào các hệ thống siêu thị, kênh bán hàng trong cả nước hoặc các doanh nghiệp thu mua cũng dễ tìm thấy sản phẩm mình cần để tìm đến đặt hàng. Điều này cũng góp phần giúp các sản phẩm của Đắk Lắk dễ dàng bán trên các sàn thương mại điện tử hoặc trên các nền tảng số sẵn có.

Một giải pháp rất quan trọng nữa là Đắk Lắk cần tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX. Hiện nay, theo Chương trình xây dựng nông thôn mới thì huyện nào cũng có HTX, nhưng HTX hình thức còn nhiều, do đó tỉnh nên mạnh dạn sáp nhập những HTX không có hiệu quả.

Đồng thời, có chính sách đầu tư về nguồn nhân lực cho HTX nhằm nâng cao năng lực hoạt động của các HTX hoặc kể cả các tổ hợp tác, trang trại và thương lái, những người này phải đủ năng lực thu gom, sơ chế, chế biến, đóng gói làm theo các yêu cầu của doanh nghiệp.

Ngoài ra, để nông sản tiêu thụ tốt, Đắk Lắk cần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp liên kết với HTX, vì doanh nghiệp cần nguyên liệu, HTX thì cần thị trường nhưng hiện tại số lượng hai bên hợp tác, liên kết với nhau lại không nhiều.

Trên thực tế, Đắk Lắk đầu tư nhiều cho HTX nhưng còn dàn trải, tôi cho rằng, tỉnh nên tập trung vào một mối để hỗ trợ HTX phát triển theo đúng vai trò của một tổ chức sản xuất, giúp xóa bỏ tư duy nhỏ lẻ, manh mún của nông nghiệp truyền thống. Đồng thời, giúp Nhà nước quản lý về tiêu chuẩn, chất lượng của nông sản…

Xin cảm ơn ông!

 Minh Minh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.