Multimedia Đọc Báo in

Hướng đi triển vọng cho sản xuất nông nghiệp ở Đắk Phơi

09:00, 27/10/2021

Thời gian gần đây, mô hình liên kết trong sản xuất được nhiều người dân trên địa bàn xã Đắk Phơi (huyện Lắk) chú trọng. Theo đó, các vùng sản xuất nông nghiệp an toàn dần được hình thành. Đây là hướng phát triển bền vững được kỳ vọng ở vùng chuyên canh cây cà phê tại địa phương này.

Người “mở đường” sản xuất cà phê an toàn

Năm 2015, từ một công chức có việc làm ổn định ở tỉnh Lâm Đồng, anh Trần Trọng Nghĩa (SN 1985, quê tỉnh Ninh Bình) quyết định sang huyện Lắk để theo đuổi niềm đam mê với ngành nông nghiệp.

Sau hơn 5 năm canh tác, nhìn cảnh bà con làm nông, nhất là trồng trọt cây cà phê bấp bênh, đất ở đây có độ phì nhiêu lớn nhưng sản phẩm của nông dân trồng ra lại có năng suất thấp, chất lượng chưa cao nên anh đã nảy ra ý tưởng sản xuất cà phê sạch, an toàn; xây dựng cơ sở chế biến giúp bà con có hướng đi lâu dài.

Các thành viên Hợp tác xã Thành Công cùng kiểm tra vườn cà phê của hộ anh Sầm Văn Xuân tại buôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi (huyện Lắk).

Bước đầu tiên, anh thành lập HTX Thành Công vào cuối năm 2020 với 28 thành viên nhằm mục đích liên kết sản xuất. Sau khi thành lập, anh cùng các thành viên trong HTX, mỗi người dùng 1 ha đất để áp dụng các biện pháp kỹ thuật mới trong khâu trồng trọt.

Mỗi tháng, anh mời những người có kinh nghiệm lâu năm về địa phương để hướng dẫn, trao đổi và góp ý các kỹ thuật trồng trọt. Trong đó có người ở Công ty Đình Nguyên (tỉnh Lâm Đồng) chuyên đầu tư phân bón, giống cây trồng, liên kết xuất khẩu đầu ra và cán bộ nông nghiệp có thâm niên nghiên cứu về việc chăm sóc cà phê hơn 7 năm tại tỉnh Bình Phước.

Ngoài hướng dẫn kỹ thuật trồng trọt, anh còn liên kết với các công ty phân bón, thuốc bảo vệ thực vật để vừa hỗ trợ giá vừa kiểm soát được lượng phân bón sử dụng, theo dõi quá trình xử lý sâu bệnh của bà con. Nhờ vậy, các loại bệnh trong quy trình sản xuất sẽ được phát hiện sớm và nhanh chóng xử lý.

Anh Nghĩa cho hay, đất đai tại địa phương màu mỡ, phù hợp phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng khoa học kỹ thuật cao, tạo ra sản phẩm an toàn. Tuy nhiên, bà con trồng cà phê sạch vẫn rất ít, chưa cung cấp ra thị trường được bao nhiêu. Vì vậy, sản xuất các nông sản sạch theo quy trình an toàn là một bước đệm mới, giúp bà con nông dân phát huy những tiềm năng sẵn có về đất đai, điều kiện trồng trọt.

Hiệu quả bước đầu

Sau gần một năm áp dụng kỹ thuật mới vào trồng trọt, những cây cà phê lâu năm còi cọc của gia đình ông Y Hằng Liêng Hót (buôn 5, xã Đắk Phơi, huyện Lắk) vươn mầm xanh mơn mởn, sai trĩu quả.

Trước đây, 1,2 ha cà phê trồng năm 1997 với 1.200 cây của gia đình ông do không được chăm sóc đúng kỹ thuật nên ngưng phát triển, vàng úa, trái thưa thớt, năng suất thấp.

Tham gia vào HTX, được hỗ trợ kiểm tra tình trạng vườn cà phê, được hướng dẫn cách chăm sóc... sau một năm, vườn cà phê của ông dần được phục hồi, sinh trưởng và phát triển mạnh. Dự kiến năm nay, năng suất cà phê nhà ông sẽ tăng lên nhiều hơn so với năm ngoái, ước chừng thu được 7 tấn.

Anh Trần Trọng Nghĩa (Giám đốc Hợp tác xã Thành Công) đang hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cho thành viên trong hợp tác xã.

Tương tự, hộ anh Sầm Văn Xuân (buôn Cao Bằng, xã Đắk Phơi, huyện Lắk), với diện tích 7 sào cà phê bắt đầu trồng từ năm 2011, mỗi năm chỉ thu được từ 2 - 2,8 tấn.

Thế nhưng sau một năm vào HTX, cùng lắng nghe trao đổi kinh nghiệm, được hướng dẫn không dùng thuốc bảo vệ thực vật hóa học để diệt cỏ làm mất chất, độ phì của đất, thay vào đó nên làm cỏ thủ công, vườn cà phê của anh năm nay cành mọc chi chít, nhiều cây tốt um tùm, trái sai trĩu cành, to, tròn. Ước tính năm nay năng suất sẽ cao hơn từ 1 - 2 tấn, dự kiến vườn cà phê nhà anh thu được từ 3,5 - 4 tấn.

Mặc dù còn những khó khăn, bất cập trong tìm “lối đi” cho HTX vì phải vừa sản xuất vừa học hỏi kinh nghiệm, vốn đầu tư của các thành viên còn hạn chế... nhưng sau gần một năm thành lập, HTX đã mở rộng quy mô và thu hút nhiều thành viên. Đến nay, HTX Thành Công có đến 33 thành viên cùng hợp tác sản xuất, trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau.

Bên cạnh đó, để rút ngắn các quy trình mua bán, không qua khâu trung gian (thương lái), HTX đang xây dựng cơ sở chế biến ướt các loại nông sản (chủ yếu là cà phê) với kinh phí hơn 500 triệu đồng. Qua đó, nhằm nâng cao giá trị trên cùng diện tích đất, cùng sản phẩm cây trồng. Như vậy, các sản phẩm của người dân sau khi sản xuất ra sẽ trực tiếp đến các công ty, không phải qua khâu trung gian nên tăng được giá trị lợi nhuận.

Anh Trần Trọng Nghĩa, Giám đốc HTX Thành Công cho biết, trong thời gian tới HTX sẽ đẩy mạnh nghiên cứu, tiến hành xen canh các loại cây phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu, đất đai ở địa phương như sầu riêng, mắc ca... Dự kiến năm tới, HTX sẽ mở rộng diện tích đất sản xuất lên 300 ha để mở rộng vùng nguyên liệu nông nghiệp sạch, an toàn, mang lại hiệu quả kinh tế, thu nhập ổn định và bền vững cho bà con nông dân.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.