Multimedia Đọc Báo in

Sợi dây liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ nông sản

16:22, 27/10/2021

Câu chuyện liên kết sản xuất không còn là mới đối với sản xuất nông nghiệp và đang mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho nông dân nói riêng, nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, ở nhiều nơi, mối liên kết còn lỏng lẻo, hiệu quả chưa cao khiến con đường sản xuất, tiêu thụ nông sản của Đắk Lắk gặp nhiều trở ngại trên lộ trình hội nhập.

Mong manh dễ đứt

Trên địa bàn Đắk Lắk, chuỗi liên kết theo mô hình Nhà nước - Nhà khoa học - Doanh nghiệp - Nông dân được triển khai phổ biến ở các địa phương, trong đó có không ít địa phương thành công với mô hình này.

Các dự án liên kết chuỗi phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm về cà phê, mắc ca, cây ăn quả, rau… với sự tham gia liên kết của nhiều doanh nghiệp và hợp tác xã (HTX) đã từng bước được cải thiện hệ thống quản lý, nâng cao chất lượng trong sản xuất, sáng tạo trong thiết kế mẫu mã sản phẩm và chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhất là với các sản phẩm cây ăn quả.

Tuy nhiên, trên thực tế, chuỗi liên kết sản xuất cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập, trước hết là hành lang pháp lý còn thiếu các cơ chế, chế tài đủ mạnh để giải quyết những mâu thuẫn giữa các “nhà”, nhất là giữa doanh nghiệp và nông dân khi tình trạng doanh nghiệp hoặc nông dân đơn phương phá bỏ hợp đồng mỗi khi có biến động giá trên thị trường vẫn khá phổ biến. Bởi người nông dân phần lớn chưa quen với việc sản xuất theo hợp đồng, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt mà chưa thấy được lợi ích lâu dài về sản xuất, tiêu thụ ổn định.

Mặt khác, cũng có không ít doanh nghiệp chỉ lợi dụng chính sách liên kết để xây dựng vùng nguyên liệu, nhưng khi giá sản phẩm trên thị trường xuống thấp hơn giá đã ký bao tiêu trong hợp đồng với nông dân thì doanh nghiệp lại “bỏ chạy”, khiến nông dân rơi vào tình trạng “dở khóc, dở cười”. Sự liên kết rất hình thức và rời rạc, mạnh ai nấy làm đã khiến sợi dây liên kết trở nên mong manh, dễ đứt hơn bao giờ hết.

Các doanh nghiệp đến tìm hiểu vườn vải tại huyện Krông Năng trước vụ thu hoạch năm 2021 để liên kết tiêu thụ. Ảnh: M.Thuận

Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên là một trong những doanh nghiệp thực hiện thành công chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp. Trên địa bàn Đắk Lắk, công ty đã liên kết chuỗi giá trị với 20 HTX. Bên cạnh đó, công ty đã triển khai xây dựng và đưa vào hoạt động hiệu quả các vùng sản xuất rau an, trái cây toàn đạt chuẩn VietGAP theo chuỗi từ cung ứng vật tư đầu vào, sản xuất, thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm tại nhiều huyện trong tỉnh.

Tuy thành công là vậy, nhưng quá trình thực hiện chuỗi liên kết, công ty cũng gặp vô vàn những khó khăn, nhất là chưa tìm được “tiếng nói chung” từ phía nông dân. Có những dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm tưởng là thành công mỹ mãn, vì doanh nghiệp hoàn thành tất cả các nhiệm vụ từ việc tập huấn, hỗ trợ kỹ thuật, kết nối các đơn vị tư vấn xây dựng QR CODE… để mang lại lợi ích cho nông dân, tạo ra những sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu của đối tác. Mọi khâu liên kết đã hoàn thành, chỉ chờ đến ngày thu hoạch để xuống vườn thu mua sản phẩm. Nhưng khi đến ngày “hái quả” thì các chủ vườn đã nhận cọc của các nơi khác để bán sản phẩm cho họ.

 

Theo Sở NN-PTNT, hiện nay chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp (Theo Nghị định 98/2018/NĐ-CP) đã thực hiện được 3 năm. Tuy nhiên, thực tế cho thấy rất nhiều các HTX và doanh nghiệp chưa hiểu rõ nội dung của nghị định này. Đây là một thiệt thòi rất lớn đối với các đơn vị đang tham gia sản xuất sản phẩm nông nghiệp.

Bà Nguyễn Thị Xuân Hương, Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên chia sẻ, vườn cây của các nông hộ vốn đã hình thành trước khi có chuỗi, họ cũng có những đầu mối bán hàng nhất định. Do đó, họ không mặn mà với việc liên kết theo chuỗi, vì họ nghĩ rằng “một người bán, vạn người mua”. Tuy nhiên, đây là những hạn chế của nông dân, không thể thay đổi một sớm một chiều được.

Những lúc này, cần nhất sự phát huy vai trò của Nhà nước và doanh nghiệp trong việc đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức của người dân; theo sát nông dân trong mọi công đoạn của chuỗi liên kết. Nhà nước cần phát huy tốt vai trò “trọng tài” của mình khi xảy ra những vướng mắc giữa doanh nghiệp với nông dân để nắn chỉnh lại các “nhà” đi đúng hướng của con đường liên kết chuỗi.

Củng cố liên kết “4 nhà”

Xác định phát triển kinh tế tập thể là điều kiện, là tiền đề và cầu nối quan trọng để thúc đẩy liên kết nông dân với doanh nghiệp, hình thành, phát triển các chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp. Vì vậy, tỉnh đã thường xuyên chỉ đạo, hướng dẫn, đề nghị các địa phương tập trung hỗ trợ phát triển các HTX, tổ hợp tác và các trang trại, tạo điều kiện thuận lợi nhất để các HTX tham gia các dự án sản xuất liên kết theo mô hình chuỗi giá trị. Đến nay, tổng số HTX nông nghiệp là 385 HTX, trong đó có 78 HTX có liên kết với doanh nghiệp và 54 HTX ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp cũng đã gây nhiều khó khăn, thách thức đối với sự phát triển ngành nông nghiệp. Đặc biệt là việc giãn cách xã hội kéo dài để phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp.

Cụ thể: chi phí đầu vào sản xuất tăng cao (chi phí lao động tăng 20 - 30%, giá thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y liên tục tăng từ 10 - 20%, thức ăn thủy sản tăng từ 5 - 10%, phân bón vô cơ tăng từ 50 - 70%, chi phí vận chuyển tăng từ 50 - 70%...); nhu cầu tiêu thụ sản phẩm nông sản trong nước và xuất khẩu giảm từ 30 - 50%, trong khi giá bán sản phẩm nông lâm thủy sản hầu hết đều giảm từ 20 - 50% so với cùng kỳ năm 2020 đã làm gián đoạn, đứt gãy các chuỗi sản xuất, cung ứng, vận chuyển tiêu thụ nông sản.

Công ty Cổ phần Sản xuất và Dịch vụ nông nghiệp Hương Cao Nguyên liên kết tiêu thụ bơ cho nông dân. Ảnh: M.Thuận

Theo đánh giá của Chủ tịch Công ty Bagico, chuyên gia kinh tế Nguyễn Thị Thành Thực, nông nghiệp ở Đắk Lắk có rất nhiều lợi thế, nông dân có đất đai rộng lớn, có kinh nghiệm và năng động trong sản xuất. Tuy nhiên, nông dân chỉ là một phần trong chuỗi giá trị, họ còn phụ thuộc nhiều vào doanh nghiệp ở khâu vật tư đầu vào (giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật...) và đầu ra (thu mua, chế biến, đóng gói, vận chuyển, bán hàng)… Do vậy, để liên kết bền vững thì Nhà nước cần giữ vai trò “đầu tàu” dẫn dắt bằng cơ chế, chính sách, được thực thi công bằng và triệt để.

Để sợi dây liên kết được vững chắc, nhiều ý kiến của các chuyên gia, doanh nghiệp cũng cho rằng Nhà nước cần nghiên cứu, đề xuất chính sách thúc đẩy kết nối - tiêu thụ nông sản theo hướng bảo đảm an toàn thực phẩm; xây dựng cơ sở dữ liệu chung về sản lượng, quy mô nông sản để thuận lợi trong việc kết nối tiêu thụ sản phẩm; hình thành sàn giao dịch thương mại điện tử cấp vùng, trước mắt áp dụng cho các sản phẩm đặc trưng của tỉnh để từ đó hoàn thiện cơ chế và quy trình hoạt động của sàn. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh hỗ trợ nâng cao năng lực cho các HTX để có các HTX nông nghiệp đủ mạnh và đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp.

Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 như hiện nay, Nhà nước cũng cần xem lại và củng cố vai trò của thương lái, xem thương lái là một mắt xích quan trọng trong việc duy trì, phát triển chuỗi liên kết. Bởi thương lái là một bộ phận không thể thiếu đối với đặc thù sản xuất ở Việt Nam, khi mà hạ tầng sản xuất còn kém phát triển, quy mô còn nhỏ lẻ… Chỉ có đội ngũ thương lái mới len lỏi được vào các vườn, rẫy của người dân, kịp thời thu gom sản phẩm cung ứng cho doanh nghiệp, kết nối thị trường.

Minh Thuận - Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.