Multimedia Đọc Báo in

Hội LHPN huyện Cư M’gar: Tích cực vận động hội viên di dời chuồng chăn nuôi ra xa nơi ở

08:09, 13/08/2021

Vận động người dân di dời chuồng nuôi nhốt gia súc, gia cầm ra khỏi gầm nhà sàn, ra xa nơi ở là hoạt động đã và đang được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện Cư M’gar phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn đẩy mạnh thực hiện.

Cách làm này không chỉ đảm bảo môi trường sống, phòng ngừa dịch bệnh mà còn chung tay cùng chính quyền địa phương xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh.

Thực tế cho thấy, xây dựng chuồng chăn nuôi trâu, bò, heo, gà ngay sát nhà ở từng là thói quen từ lâu đời của rất nhiều người dân vùng nông thôn. Đây cũng chính là nguyên nhân trực tiếp làm phát sinh, gia tăng các bệnh truyền nhiễm về đường ruột, bệnh đau mắt đỏ, viêm đường hô hấp…

Chuồng chăn nuôi đã được nhiều hộ dân ở huyện Cư M'gar rời ra xa nơi ở.

Để thay đổi thực trạng này, thời gian qua các cấp Hội LHPN trong huyện đã tích cực phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ban, ngành, Mặt trận, Hội Nông dân, Hội Cựu chiến binh… tuyên truyền, vận động bằng nhiều hình thức giúp các hộ dân, nhất là hội viên phụ nữ, dần thay đổi thói quen sinh hoạt theo hướng tích cực. Các cấp hội cũng phối hợp huy động ngày công lao động hỗ trợ các gia đình thực hiện di dời chuồng nuôi gia súc ra xa nơi ở...

Từ năm 2016 đến nay, các cấp Hội LHPN trong huyện Cư M'gar đã vận động được 136 gia đình là người dân tộc thiểu số di dời chuồng nuôi gia súc ra xa khu vực nhà ở để đảm bảo vệ sinh và phòng, chống dịch bệnh. Đặc biệt, nhiều hộ sau khi di dời còn xây dựng thêm hầm sinh học biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi...

 

Bà Lê Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Cư M’gar cho biết: “Công tác tuyên truyền, vận động được chúng tôi thực hiện thường xuyên, liên tục, đến tận nhà các hội viên và người dân; thông qua các hội nghị, họp thôn, buôn, tổ dân phố, lồng ghép các hoạt động khác nhằm nâng cao nhận thức của người dân về bảo vệ môi trường. Đồng thời, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ gương mẫu làm trước trong việc thực hiện, cũng như vận động người thân, họ hàng trong gia đình hưởng ứng và thực hiện việc di dời các công trình này ra xa nhà ở. Khi vận động, chúng tôi cũng gặp rất nhiều khó khăn, các gia đình đưa ra nhiều lý do như tập quán, điều kiện kinh tế khó khăn, nhiều hộ phải vận động nhiều lần mới được… Sau khi kiên trì vận động, thuyết phục, đến nay nhiều hộ đã nhận thức, hiểu ra tác dụng của việc di dời chuồng chăn nuôi ra xa nhà ở và chủ động thực hiện”.
Chị H’Hương Êban là một trong những hộ tiên phong ở buôn Pôk A (thị trấn Ea Pốk) thực hiện di dời chuồng nuôi đàn heo, dê của gia đình ra xa nơi ở. Việc chăn nuôi đúng cách, hợp vệ sinh không chỉ giúp đàn vật nuôi phát triển khỏe mạnh, mau lớn mà cũng giảm được một số bệnh thường mắc phải do môi trường bị ô nhiễm. Điều đáng nói, việc làm của gia đình chị được rất nhiều bà con trong buôn học tập, làm theo.
Tương tự, sau nhiều lần được chính quyền địa phương và các cán bộ, hội viên phụ nữ của xã tuyên truyền, thuyết phục, hiện chị H’Băn Ayun ở buôn B’ling (xã Cư M’gar) đã chuyển chuồng nuôi dê ra xa ngôi nhà của gia đình. Chị H’Băn cho hay: “Gia đình tôi nuôi 6 con dê, trước đây chuồng nuôi gần nhà nên môi trường bị ô nhiễm, xuất hiện rất nhiều muỗi, mòng… Từ lúc chuyển chuồng nuôi ra xa nơi ở, nhà cửa thoáng mát hơn, mọi người trong gia đình đều thấy dễ chịu, con cái cũng ít bị ốm đau hơn. Nếu sớm biết lợi ích của việc làm này thì gia đình tôi đã di chuyển đàn gia súc ra xa từ lâu rồi”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.