Multimedia Đọc Báo in

Ruộng hoang hóa... đất “vàng”

07:13, 04/04/2024

Tận dụng diện tích ruộng bỏ hoang vào mùa khô của xã Bông Krang (huyện Lắk), Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Lâm đã thuê lại để trồng cây thuốc lá, bước đầu cho thấy hiệu quả đáng kể.

Bà Nguyễn Hoàng Lâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Lâm cho hay, trước kia, vào mùa khô, vùng đất nơi đây chỉ toàn là những thửa ruộng bỏ hoang, cháy khô, nứt nẻ vì không có nước sản xuất.

Ấp ủ mong muốn không để lãng phí tài nguyên đất đã lâu, năm nay HTX "bắt tay" với Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh - đơn vị trực tiếp bao tiêu sản phẩm thuốc lá cho người dân và chủ đầu tư là Công ty TNHH BAT (Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam - Vinataba) liên kết trồng cây thuốc lá.

Thành viên Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Nguyễn Lâm (xã Bông Krang, huyện Lắk) chăm sóc cây thuốc lá.

Qua khảo sát nhận thấy, vùng đất này có điều kiện tự nhiên phù hợp với cây thuốc lá nên tháng 1/2024, HTX liên kết với 8 thành viên, bước đầu góp vốn khoảng 400 triệu đồng, thuê 10 ha đất để trồng loại cây này. Trong quá trình trồng, HTX chủ động nguồn lao động, làm đất..., còn đơn vị trực tiếp bao tiêu sản phẩm cho tạm ứng vật tư đầu vào như: giống, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón theo quy trình xuất khẩu, đến khi thu hoạch mới khấu trừ dần.

Theo bà Lâm, HTX đã tuân thủ theo quy trình sản xuất từ khâu chuẩn bị đất, cày ải, đánh nhuyễn, lên luống, thiết kế vườn, hệ thống tưới nhỏ giọt và cách trồng, chăm sóc. Bên cạnh đó, HTX còn thiết kế hệ thống tưới nhỏ giọt để hòa tan phân bón vào nước tưới nên tiết kiệm được thời gian, công chăm sóc. Việc tưới nước bằng hệ thống nhỏ giọt sẽ tiết kiệm được nước, giữ độ ẩm, giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Nhờ đó mà đến nay, cây thuốc lá phát triển khỏe mạnh, thân mập, cao trên 1 m, lá dày. Dự kiến đầu tháng 4 cho thu hoạch lứa đầu tiên. Mặc dù đây là vụ đầu trồng thử nghiệm nhưng ước tính HTX sẽ thu được 35 - 38 tấn sản phẩm, bán với giá hợp đồng thu mua từ 60 - 70 nghìn đồng/kg. Việc HTX liên kết cải tạo đất hoang trồng cây thuốc lá không chỉ mang lại lợi nhuận mà còn giải quyết được việc làm cho lao động tại chỗ của địa phương. Với diện tích 10 ha trồng cây thuốc lá này, HTX cần 2 lao động thường xuyên và khoảng 1.500 - 2.000 công lao động trong quá trình sản xuất.

 

Hiện nay, công ty đang có nhu cầu phát triển vùng nguyên liệu nên mong muốn sẽ có nhiều bà con, HTX tại huyện Lắk cùng liên kết sản xuất".

Ông Vũ Đức Thuận, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư sản xuất Phúc Thịnh

Bà Lâm chia sẻ, cây thuốc lá có đầu ra ổn định và giá thành cao, tuy nhiên để hạn chế ảnh hưởng của sâu bệnh sẽ phải trồng luân canh 2 năm/vụ. Ngoài ra, sản phẩm thuốc lá liên kết với công ty sẽ dùng để xuất khẩu nên phải thu mua khô. HTX sẽ phải hái lá, dùng củi để sấy trong khoảng 7 ngày/lò.

Vậy nên, HTX đã xây dựng 3 lò sấy sơ chế, với diện tích khoảng 120 m2, tổng kinh phí khoảng 390 triệu đồng để thực hiện quy trình này.

Hiện tại, HTX đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất đáp ứng nhu cầu của đơn vị bao tiêu sản phẩm xuất khẩu nên vụ mùa sau sẽ kêu gọi thêm thành viên liên kết sản xuất để mở rộng diện tích trồng trên các cánh đồng bỏ hoang khác của hai xã Bông Krang và Yang Tao.

Theo đánh giá của UBND xã Bông Krang, việc người dân mạnh dạn liên kết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, đưa máy móc vào trồng cây thuốc lá trên diện tích đất khô cằn đang mang lại hiệu quả rõ rệt.

Hiện tại, địa phương có hàng chục héc ta đất ruộng bị bỏ hoang vào mùa khô do thiếu nước sản xuất. Vậy nên, thời gian tới, chính quyền xã sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân thay đổi tư duy, thu hút các HTX liên kết sản xuất để đầu tư chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên những diện tích đất bị thiếu nước sản xuất ở vụ đông xuân sang trồng cây thuốc lá. với mục tiêu dần tiến đến xóa bỏ diện tích ruộng bỏ hoang và giúp người dân vươn lên phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, xóa đói giảm nghèo.

Đồng thời, góp phần thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 05-NQ/HU, ngày 5/3/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ huyện khóa XV về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, giai đoạn 2021 - 2025.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc