Multimedia Đọc Báo in

Thời cơ số trong khởi nghiệp

08:21, 01/01/2023

Sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ số đang là cơ hội lớn đối với doanh nghiệp (DN), cá nhân khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (startup) nếu biết tận dụng những tiềm năng, lợi thế từ địa phương.

Không bỏ lỡ làn sóng số

Có thể nói, những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trên địa bàn tỉnh đã có sự lan tỏa đến khắp các vùng miền. Một số startup trên địa bàn đã mạnh dạn đưa ra nhiều ý tưởng, dự án ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh dựa trên những tiềm năng sẵn có tại địa phương.

Chẳng hạn như Dự án “Đồng hành cùng nông sản quê” của startup Nguyễn Thị Thu Hà (huyện Cư M’gar). Bằng việc tạo kênh Tiktok mang tên “Hana Ban Mê”, Hà đã lấy đó làm thương hiệu để xây dựng mô hình kinh doanh của mình với các sản phẩm là nông sản địa phương. Nhờ tận dụng các kênh phân phối và các trang thương mại điện tử như: Shopee, Tiktok Shop… chỉ sau một năm khởi nghiệp, Hà đã bán ra thị trường hơn 10.000 đơn hàng nông sản các loại. Sự thành công của startup trẻ tuổi này cũng góp phần không nhỏ trong việc lan tỏa công cuộc ứng dụng chuyển đổi số đến các cá nhân khởi nghiệp trên địa bàn.

Startup Nguyễn Thị Thu Hà (huyện Cư M’gar) livestream bán hàng qua mạng Internet.

Hay như anh Đặng Đình Luân (TP. Buôn Mê Thuột), bắt đầu khởi nghiệp từ tháng 5/2020 chỉ với mảnh đất rộng 60 m2 cùng 65 triệu đồng. Đến nay, Đình Luân đã có thêm trang trại với một văn phòng, một xưởng chế biến đóng gói tổng diện tích 600 m2 chuyên về các sản phẩm từ dế như dế tươi, dế sấy, thanh protein và bột dế. Thị trường ban đầu chỉ bán cho người quen và các quán ở địa phương nhưng hiện tại đã trải dài từ Bắc vào Nam, có nhiều đại lý phân phối độc quyền ở 15 tỉnh thành. Sản lượng bán ra mỗi tháng tầm 3 tấn dế với doanh thu dao động từ 400 - 700 triệu đồng. Để có được kết quả trên, ngoài sự nỗ lực, cố gắng không ngừng thì một kế hoạch chi tiết và sự nhanh nhạy trong ứng dụng nền tảng số cũng là chìa khóa thành công của Luân. Để sản phẩm đến nhanh và đến với nhiều người tiêu dùng, Luân đã bán hàng trên đa kênh thương mại điện tử như: Lazada, Shopee, Tiktok Shop, website, Facebook, Zalo OA…

 
“Với vị trí trung tâm vùng Tây Nguyên cùng nhiều tiềm năng, dư địa về nông nghiệp, ứng dụng số hóa hiện diện ở tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội của Đắk Lắk là “mảnh đất màu mỡ” để các startup có thể khai thác, phát triển, với chi phí đầu tư ban đầu không quá lớn”.
 
Giám đốc Trung tâm Kết nối và Chuyển đổi số - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk Hoàng Minh Ngọc Hải

Ông Hoàng Minh Ngọc Hải, Giám đốc Trung tâm Kết nối và Chuyển đổi số - Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Đắk Lắk chia sẻ, hiện nay thị trường bán lẻ đang thay đổi hành vi tiêu dùng chóng vánh, kinh doanh trên nền tảng số chưa bao giờ dễ dàng như bây giờ. Chuyển đổi số với DN là hành trình chiến lược có yếu tố then chốt trong môi trường cạnh tranh phía trước. Việc đi cùng nhau với quy mô về số lượng phù hợp tại một môi trường hệ sinh thái địa phương là một phương thức hiệu quả. Vì vậy các DN, startup cần kích hoạt và đón nhận các tư duy và cơ hội mới để không bỏ lỡ làn sóng số.

Thích ứng nhanh, chuẩn bị kỹ

Tại Chương trình “Thời cơ số trao tay doanh nghiệp tiên phong” vừa diễn ra giữa tháng 12/2022, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nhấn mạnh vai trò, tầm quan trọng của nền kinh tế số; đồng thời đề nghị các DN cần nhận thức đầy đủ hơn về kinh tế số, chủ động sử dụng các giải pháp nền tảng công nghệ số để hội nhập. Có như vậy các DN mới không đứng ngoài cuộc chơi trong việc nắm bắt cơ hội và có thể “đứng trên vai người khổng lồ” để tiến nhanh hơn. Với vai trò là cơ quan tham mưu, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thực hiện xây dựng, triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp DN nói chung và các startup nói riêng chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Bên cạnh các quy định, chính sách, đề án hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, tại Đắk Lắk đã bước đầu hình thành mạng lưới cố vấn hỗ trợ DN khởi nghiệp, hỗ trợ chuyển đổi số và tổ chức nhiều sự kiện, cuộc thi sáng tạo, ý tưởng khởi nghiệp. Riêng trong năm 2022, tỉnh đã tập trung chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo gắn với tiến trình chuyển đổi số của tỉnh, trong đó chú trọng gắn kết hợp tác giữa trường đại học, viện nghiên cứu với DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đồng thời tỉnh đã tổ chức thành công Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và Cuộc thi khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh tỉnh lần thứ 3; tổ chức ra mắt Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh đặt tại Trường Đại học Tây Nguyên và nhiều hoạt động hỗ trợ khác có liên quan. Tuy nhiên, yếu tố quyết định thành công vẫn là sự quyết tâm của các startup.

Chương trình “Thời cơ số trao tay doanh nghiệp tiên phong” do Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tổ chức.

Theo Giám đốc Công ty TNHH TAKAS TECHNOLOGY Đỗ Ngọc Phi Cường, chuyển đổi số là xu thế tất yếu của thế giới cũng là cơ hội lớn, là thời cơ để Đắk Lắk bắt kịp, đi cùng và có thể vươn lên, đưa ứng dụng khoa học, công nghệ vào mọi mặt của đời sống, góp phần tạo cơ hội để địa phương bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ hội khởi nghiệp trong nền kinh tế số rất lớn, nhưng đừng tham gia cuộc chơi khi bản thân chưa sẵn sàng, phải luôn có ý tưởng mới, nhanh nhạy trong mọi tình huống. Để khởi nghiệp trong nền kinh tế số phải chuẩn bị thật nghiêm túc, khảo sát kỹ nhu cầu thị trường, có kế hoạch cụ thể, biết dựa vào các công nghệ lõi sẵn có để phát triển. Và đặc biệt, hoạt động chuyển đổi số cần mang lại các thay đổi cụ thể, thực chất, ưu tiên hướng đến người dùng và kinh doanh.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.