Multimedia Đọc Báo in

Ký biên bản ghi nhớ Chương trình sản xuất bền vững kết hợp bảo tồn và an sinh xã hội giai đoạn 2021-2025

14:13, 25/05/2022

Ngày 25/5, Ban Chỉ đạo Chương trình cảnh quan bền vững (CQBV) tỉnh Đắk Lắk tổ chức họp để triển khai Chương trình CQBV tỉnh Đắk Lắk năm 2022 và thảo luận định hướng xây dựng Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk, giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Tham dự có Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Chương trình CQBV tỉnh Đắk Lắk; đại diện lãnh đạo Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), Chương trình CQBV khu vực châu Á; các sở, ban, ngành liên quan và các Tập đoàn, doanh nghiệp, HTX liên quan đến ngành hàng cà phê, hồ tiêu, trái cây.

ảnh
Ông Y Giang Gry Niê Knơng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu khai mạc.

Chương trình CQBV tỉnh Đắk Lắk được triển khai từ năm 2014, nhằm thúc đẩy hợp tác công-tư trong phát triển nông nghiệp bền vững, gắn với bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và bảo đảm sinh kế cho cộng đồng, với nguồn vốn tài trợ từ chính phủ Thụy Sĩ, Hà Lan và Đan Mạch. Trong giai đoạn thí điểm từ 2016-2020, Chương trình đã xây dựng được hơn 200 mô hình trình diễn ở quy mô nông hộ tại 28 xã thuộc 8 huyện của tỉnh Đắk Lắk với hơn 6.500 nông dân được hưởng lợi trực tiếp, đồng thời, đạt được nhiều kết quả khả quan. Cụ thể, thu nhập từ cà phê của người nông dân trong vùng dự án đã tăng hơn 20%, từ trái cây trồng xen tăng hơn 200% so với những người nông dân bên ngoài vùng dự án, trong khi chi phí đầu tư giảm 20% so với những ngày đầu triển khai chương trình. Tỉ lệ trồng xen trong vùng chương trình đã tăng từ 15% (2015) lên tới 96% (2020). Thông qua việc sử dụng phân bón hợp lý, lượng phát thải khí nhà kính trong sản xuất nông nghiệp đã giảm 10%; lượng nước tưới đã giảm 25%/lượt tưới; người dân trong vùng chương trình sử dụng lượng phân bón hữu cơ nhiều hơn hai lần so với những vùng khác. Đặc biệt thông qua áp dụng thực hành quản lý dịch bệnh tổng hợp, tính đến năm 2020 các nông hộ đã không còn sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật trong danh mục cấm.

ảnh
Các bên tham gia ký bản ghi nhớ phối hợp thưc hiện Chương trình sản xuất bền vững kết hợp với Bảo tồn tài nguyên và An sinh xã hội.

Với những kết quả nêu trên, Đắk Lắk tiếp tục phối hợp với Tổ chức IDH xây dựng Đề án Phát triển Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn cấp tỉnh cho tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2021 – 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Đề án sẽ được xây dựng theo hướng tiếp cận cảnh quan và cơ chế Vùng nguyên liệu bền vững quy mô lớn (SourceUp) cho các cây trồng chính trong vùng như cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái.

Trong dịp này, đại diện Cục Kinh tế Hợp tác và Phát triển Nông thôn, chính quyền hai huyện Krông Năng và Cư M’gar, Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững và các doanh nghiệp JDE, Intimex, Simexco, Nedspice, Dak Man, Sucden, Chánh Thu và Hương Cao Nguyên cùng tham gia ký bản ghi nhớ phối hợp thực hiện Chương trình sản xuất bền vững kết hợp với Bảo tồn tài nguyên và An sinh xã hội (PPI Compacts) huyện Krông Năng và Cư M’gar, giai đoạn 2021-2025, với tổng kinh phí thực hiện hơn 15,5 triệu Euro được huy động và lồng ghép từ tất cả các bên tham gia.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.