Multimedia Đọc Báo in

Xây dựng ngành nông nghiệp bền vững từ Chương trình cảnh quan bền vững

10:26, 02/12/2020

Chiều 1-12, tại TP. Buôn Ma Thuột, UBND tỉnh phối hợp với Tổ chức Sáng kiến thương mại bền vững (IDH) tổ chức Hội nghị tổng kết hoạt động Chương trình cảnh quan bền vững tỉnh Đắk Lắk giai đoạn 2016 – 2020 và xây dựng định hướng cho giai đoạn 2021 – 2025.

Tham dự hội nghị có Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quý Dương; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng.

ảnh
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng phát biểu khai mạc hội nghị

Chương trình cảnh quan bền vững được triển khai từ năm 2013 tại 28 xã, thuộc 8 huyện của tỉnh, chủ yếu tập trung hỗ trợ cho các hộ nông dân sản xuất cà phê đạt được chứng chỉ bền vững như: UTZ, 4C, mưa rừng nhiệt đới... Hơn 17.000 nông hộ đã được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình trong giai đoạn này.

ảnh
Các đại biểu tham dự hội nghị

Từ năm 2016 đến nay, chương trình đã triển khai phương pháp tiếp cận theo hướng xây dựng các khu vực tiểu vùng cảnh quan, liên kết nông hộ trong cùng một khu vực để thực hiện các giải pháp đồng bộ về nước tưới, quản lý đầu vào, xây dựng vùng đệm, liên kết chuỗi giá trị sản phẩm. Đến nay, hơn 5.200 ha ở 3 xã Ea Tân, Ea Toh và Dliê Ya (huyện Krông Năng) đã thực hiện chương trình cảnh quan bền vững.

ảnh
Phó Cục trưởng Cục bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quý Dương phát biểu tại hội nghị

Sau 5 năm thực hiện, chương trình đã tạo được những tác động rất tích cực trong sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, đời sống của nông dân ở địa phương. Ở góc độ sản xuất và bảo vệ môi trường, đã góp phần giảm 14% lượng phân bón hóa học được sử dụng và giảm 17% lượng nước tưới trong sản xuất cà phê. Việc áp dụng các biện pháp thực hành canh tác bền vững đã góp phần giảm 11% chi phí sản xuất và 10% lượng CO2 phát thải ra môi trường. Thu nhập của nông dân trong vùng thí điểm tăng 30% thông qua trồng xen và đa dạng hóa cây trồng. 100% lượng cà phê sản xuất trong vùng thí điểm được thu mua với mức giá cao hơn giá thị trường. Theo kế hoạch đến năm 2025, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các huyện khác, đưa tổng diện tích toàn vùng lên khoảng 90.000 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp của toàn tỉnh.

ảnh
Các bên: UBND tỉnh Đắk Lắk, JDE và IDH ký bản ghi nhớ triển khai thực hiện Vùng nguyên liệu quy mô lớn tỉnh Đắk Lắk

Theo Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) Nguyễn Quý Dương, phát triển nông nghiệp gắn với cảnh quan bền vững là hướng đi tất yếu để xây dựng ngành nông nghiệp bền vững, nhất là khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới. Khi hội nhập thì quy định của các nước ngày càng siết chặt những vấn đề liên quan đến an toàn dư lượng trên cây cà phê, hồ tiêu. Vì thế Chương trình cảnh quan bền vững rất phù hợp vì bảo vệ được tài nguyên môi trường về đất, về nước và phát triển sản xuất bền vững, an sinh xã hội.

Minh Thuận


Ý kiến bạn đọc


(Video) Y Ngông Niê KĐăm - Cánh chim của đại ngàn Tây Nguyên
Nơi ấy đã sinh ra một người con ưu tú như chàng Đam San dũng mãnh, thiết tha yêu quê hương, yêu cuộc sống buôn làng. Ông như cánh chim đại ngàn không mỏi, bay khắp đất trời quê hương cống hiến trọn đời mình cho Tổ quốc, cho sự phát triển của Tây Nguyên giàu đẹp. Ông chính là Nhà giáo Nhân dân, bác sĩ Y Ngông Niê KĐăm.