Multimedia Đọc Báo in

Người dân cần tham gia kiểm soát giá bằng cả tâm lý và hành vi

07:45, 21/03/2022

Giá hàng hóa đang leo thang tạo thêm áp lực cho doanh nghiệp, người tiêu dùng địa phương. Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) - thước đo lạm phát - trên địa bàn tỉnh đang có xu hướng tăng so với trước, khiến người tiêu dùng càng thêm lo ngại. Về vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã cuộc trao đổi với ông ĐỖ TẤN XUÂN, Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk.

 

* Từ sau Tết Nguyên đán 2022, nhiều mặt hàng tiêu dùng, dịch vụ trên thị trường có sự biến động về giá, đẩy CPI tăng cao, theo ông, nguyên nhân chính là do đâu?

Xăng dầu được coi là mặt hàng chiến lược, giá xăng dầu trong nước tăng theo xu hướng của giá nhiên liệu thế giới. Việc xăng dầu liên tiếp tăng giá mạnh kể từ đầu năm 2022, tác động trực tiếp làm tăng giá thành sản phẩm đã tạo áp lực lên lạm phát, giảm sức cạnh tranh của hàng hóa sản xuất trong nước, tác động xấu đến tăng trưởng kinh tế. Cùng với xăng dầu, giá lương thực, thực phẩm, ăn uống ngoài gia đình và giá dịch vụ giao thông... tăng trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần vừa qua là những nguyên nhân chính làm CPI của tỉnh tháng 2/2022 tăng 1,05% so với tháng trước; tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước.

Hiện nay, nền kinh tế của tỉnh dù vẫn chịu ảnh hưởng bất lợi của đại dịch COVID-19, nhưng đang có những tín hiệu phục hồi khá rõ nét. Các doanh nghiệp thích ứng linh hoạt, nhu cầu tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu, năng lượng… phục vụ sản xuất tăng cao. Trong khi, giá nguyên liệu đầu vào tăng càng gây áp lực đẩy giá hàng hóa tăng theo, tạo ra lạm phát chi phí đối với nền kinh tế nói chung. Điều này cho thấy xăng dầu là nguyên nhân chính tác động mạnh vào giá thành sản phẩm.

* Như ông đã nói, giá hàng hóa tăng cao sẽ tạo áp lực cho lạm phát, như vậy, khâu phân phối, kiểm soát được đặt ra như thế nào để kiểm soát nguy cơ lạm phát của nền kinh tế, thưa ông?

Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã và đang theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả, lạm phát trên thế giới và kịp thời cảnh báo các nguy cơ ảnh hưởng đến tình hình trong nước. Đặc biệt là trong việc đánh giá, nhận định các mặt hàng, nguyên vật liệu có khả năng thiếu hụt tạm thời hay trong dài hạn để từ đó đưa ra được chính sách phù hợp nhằm tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa một cách bình thường. Riêng đối với mặt hàng xăng dầu, Tổng Cục Thống kê đã đề nghị Bộ Công thương và Bộ Tài chính theo dõi sát diễn biến giá xăng dầu thế giới, đồng thời kết hợp Quỹ bình ổn xăng dầu để hạn chế mức tăng giá của mặt hàng này. Đặc biệt, thông tin kịp thời, chính xác và rõ ràng các chính sách, giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ nhằm loại bỏ thông tin sai lệch về giá cả thị trường, không để xảy ra hiện tượng lạm phát do tâm lý.

Giá cả các mặt hàng thiết yếu luôn là mối quan tâm của người tiêu dùng.

Cùng với nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, Cục Thống kê tỉnh Đắk Lắk cùng với địa phương chú trọng theo dõi chặt chẽ diễn biến nền kinh tế của tỉnh, theo sát tình hình lưu thông hàng hóa, diễn biến cung cầu, giá các mặt hàng thiết yếu và dự báo sát thực từng tháng, từng quý để tham mưu, đề xuất cấp trên có những giải pháp điều hành cụ thể, phù hợp.

Thời gian qua, tôi cho rằng việc cơ quan chức năng của tỉnh quyết liệt tăng cường công tác quản lý thị trường, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, nhất là các nhóm mặt hàng do Nhà nước điều hành, quản lý như xăng dầu, gas, điện sinh hoạt, y tế, giáo dục... đã góp phần tích cực trong việc kiểm soát giá, ổn định thị trường và kỳ vọng CPI cả nước nói chung, CPI của tỉnh nói riêng sẽ đạt mục tiêu kiềm chế lạm phát như đã đề ra.

Để đạt mục tiêu này, tôi nghĩ, về phía bản thân các doanh nghiệp cung ứng hàng hóa của tỉnh cũng cần tính toán lại các chi phí sản xuất, các yếu tố cấu thành giá, tăng giá thành sản phẩm ở mức chấp nhận được... để chủ động ứng phó trong bối cảnh vật giá leo thang, bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh ổn định.

* Thưa ông, câu chuyện về giá trong thời gian qua có nhiều yếu tố tác động, trong đó có cả sự tác động của yếu tố tâm lý của người tiêu dùng, nhất là khi dịch bệnh COVID-19 gia tăng các ca nhiễm. Với vai trò là cơ quan thống kê làm căn cứ để hoạch định chính sách, đường lối phát triển, ông có khuyến cáo gì cho người tiêu dùng địa phương?

Ứng phó với vật giá leo thang, nhất là giữa bối cảnh thu nhập của người dân vốn đã bị giảm sút do dịch bệnh COVID-19 thì mỗi người dân cần tham gia kiểm soát giá bằng cả tâm lý và hành vi. Hiện nay, số ca nhiễm ở địa phương tăng cao, một bộ phận người dân có tâm lý sợ khan hiếm hàng hóa, lo ngại giá cả các mặt hàng thiết yếu sẽ còn tiếp tục leo thang... nên mua hàng tích trữ. Đặc biệt là một số người tâm niệm cái gì cũng đắt nên tạo ra hiệu ứng truyền dẫn khiến hàng hóa đã tăng kiểu "té nước theo mưa", dù chưa kịp bị tác động bởi chi phí thực tế. Đây cũng là nguyên nhân góp phần làm cho giá hàng hóa tiêu dùng trên thị trường tăng theo, từ đó nguy cơ đẩy lạm phát lên cao hơn.

Chính phủ đang nỗ lực kiểm soát dịch bệnh, đưa cuộc sống của người trở lại trạng thái bình thường mới và duy trì bình ổn giá thị trường đối với các mặt hàng tiêu dùng thường xuyên. Do đó, người tiêu dùng địa phương cần bình tĩnh, có kế hoạch, phương án chi tiêu phù hợp, quan trọng là ổn định tâm lý với vấn đề giá cả... sẽ góp phần quan trọng tham gia kiểm soát giá.

* Xin cảm ơn ông!

Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.