Multimedia Đọc Báo in

Khẳng định thương hiệu cà phê Việt

07:40, 21/03/2022

Cà phê có vị trí đặc biệt trong nền kinh tế của tỉnh Đắk Lắk. Phân tích giá trị của cà phê trong chuỗi xuất khẩu cho thấy, Việt Nam có 19 tỉnh sản xuất cà phê thì diện tích và sản lượng của Đắk Lắk đã chiếm gần 1/3 tổng diện tích và sản lượng cà phê toàn quốc, với khoảng 210.000 ha, trong đó có 194.000 ha cho sản phẩm, sản lượng bình quân đạt 520.000 tấn/năm.

Muốn vươn lên phải có thương hiệu

Hiện tại, Đắk Lắk có 12 doanh nghiệp (DN) tham gia xuất khẩu cà phê, xuất khẩu cà phê nhân hằng năm đạt trên 300.000 tấn với kim ngạch trên 650 triệu USD.

Từ hoạt động sản xuất cà phê đã tạo công ăn việc làm ổn định cho trên 300.000 người trực tiếp sản xuất và gần 200.000 người có liên quan. Đây là một trong những sản phẩm xuất khẩu và là nguồn thu ngân sách quan trọng của tỉnh Đắk Lắk. Những năm qua, ngành cà phê của tỉnh tiếp tục tăng trưởng khá, dù đối mặt với không ít khó khăn, hạn chế...

Kiểm tra quy trình chế biến cà phê đặc sản tại Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu 2/9 Đắk Lắk.

Theo Sở Công thương, thời gian qua, ngành cà phê gặp nhiều khó khăn do tác động của đại dịch COVID-19 khiến nhu cầu tiêu thụ giảm và hoạt động thông quan không thuận lợi. DN gặp khó khăn ở khâu vận chuyển, tình trạng thiếu container và tàu biển, cước vận chuyển tăng cao so với trước đây. Cộng với khó khăn cố hữu lâu nay như cà phê của tỉnh đang yếu ở khâu thu hoạch và chế biến sau thu hoạch, việc xây dựng thương hiệu riêng cho xuất khẩu cũng khó khăn khiến lợi nhuận thu về từ việc trồng cà phê chưa cao.

Việt Nam được biết đến là nước xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, song thương hiệu cà phê thành phẩm thì chưa có được nhiều vị trí nổi bật. Dưới góc độ của DN, ông Phạm Hoài Nguyên Anh, Giám đốc Công ty TNHH MTV ANH coffee (Cụm Công nghiệp Tân An, TP. Buôn Ma Thuột) cho rằng, sản xuất cà phê tinh chế để xuất khẩu trực tiếp với sản phẩm mang thương hiệu của mình rõ ràng giá trị gia tăng sẽ cao hơn nhiều so với làm gia công. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng, đòi hỏi phải trải qua nhiều khâu kiểm soát khắt khe về bao gói, chất lượng, tên thương nhân, các yêu cầu về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, thời gian kiểm soát đánh giá chất lượng... Vì vậy, hướng đi của DN là hướng đến xây dựng, phát triển thương hiệu, tham gia vào lĩnh vực chế biến để xuất khẩu với bao bì mang tên mình thay vì gia công, để xuất khẩu bền vững và đạt giá trị cao hơn.

Để làm được điều này, đòi hỏi DN phải đầu tư theo chiều sâu. Bà Trần Thị Thanh Tâm, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (VCCI) cho rằng, trong tình hình mới, bên cạnh những chính sách hỗ trợ của Chính phủ, việc các DN ngành cà phê chủ động đổi mới sáng tạo mô hình kinh doanh trên nền tảng công nghệ số, chuyển đổi số, gia tăng xu hướng chuyển dịch thị trường, liên kết phát triển theo chuỗi giá trị, đổi mới mẫu mã, bao bì sản phẩm, xây dựng thương hiệu để tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm là một trong những hướng đi và giải pháp cần thiết để phát triển bền vững ngành cà phê trong thời gian tới.

Sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế

Thực tế trên cho thấy, để nâng cao chuỗi giá trị cà phê thì phải cải thiện khâu chế biến sâu. Quá trình này đòi hỏi DN phải đầu tư, nghiên cứu cải tiến dây chuyền, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường. Đồng thời liên kết với nông dân để tạo ra vùng nguyên liệu, bảo đảm số lượng ổn định, chất lượng đồng đều phục vụ cho hoạt động chế biến.

Nông dân huyện Cư M'gar thu hoạch cà phê.

Ông Huỳnh Ngọc Dương, Phó Giám đốc Sở Công thương phân tích, vấn đề đặt ra là DN cần phải bảo đảm chất lượng của cà phê đúng theo yêu cầu của người tiêu dùng và của thị trường theo tiêu chuẩn quốc tế để có thể xuất khẩu trực tiếp đến các thị trường có nhu cầu mà không phải qua trung gian hoặc mượn thương hiệu nước ngoài. Song song với đó, cần đầu tư đổi mới công nghệ chế biến, bảo quản nhằm bảo đảm chất lượng cà phê sau thu hoạch. Từ việc hình thành các DN sản xuất, kinh doanh sản phẩm cà phê có quy mô lớn, tăng cường xây dựng các chuỗi cung ứng nông sản sẽ là cơ sở ban đầu để hình thành các thương hiệu mạnh của Đắk Lắk trên thị trường thế giới. Để làm được điều đó, cần tạo ra sự chuyển biến về “chất” giữa người trồng và cộng đồng DN chế biến xuất khẩu. Nhà nước hỗ trợ thông qua các biện pháp tổ chức sản xuất, khuyến nông, khoa học, công nghệ, vốn...

Nhằm nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh của cà phê Đắk Lắk trên thị trường quốc tế, thời gian qua, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản, chỉ thị về sản xuất, thu hoạch, chế biến và tiêu thụ cà phê; giao nhiệm vụ cụ thể cho các cấp, các ngành, các tổ chức kinh tế xã hội đề ra giải pháp để hỗ trợ cho ngành sản xuất, kinh doanh cà phê ổn định và phát triển.

Chế biến cà phê tại Công ty TNHH MTV ANH coffee.

Trên tinh thần chỉ đạo của UBND tỉnh, ngành công thương Đắk Lắk đã tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đồng thời hỗ trợ tháo gỡ những khó khăn để bảo đảm nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh cà phê. Thông qua tham tán thương mại ở các nước, Sở thường xuyên nắm bắt giá cả, dự báo tình hình diễn biến thị trường để thông tin kịp thời về thị trường cà phê cho DN xuất khẩu chủ động nguồn hàng; đề xuất UBND tỉnh có các biện pháp xử lý thích hợp khi thị trường cà phê có những biến động bất thường, nhằm hạn chế thiệt hại cho nông dân, DN. Cùng với đó, hướng dẫn DN, tổ chức, cá nhân thực hiện các điều kiện xuất khẩu cà phê theo quy định của nước nhập khẩu; tập huấn phổ biến kiến thức về chuyển đổi số và thương mại điện tử cho DN, hợp tác xã, người sản xuất cà phê; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, quảng bá thương hiệu trên các thị trường, hỗ trợ DN đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử...

Toàn tỉnh hiện có 220 cơ sở chế biến cà phê, trong đó có 215 cơ sở chế biến cà phê bột, cà phê hạt rang và 5 cơ sở chế biến cà phê hòa tan. Hoạt động chế biến cà phê trên địa bàn tỉnh còn nhiều hạn chế như: Cơ sở chế biến quy mô nhỏ, thiết bị và công nghệ của các doanh nghiệp lạc hậu, nguồn nhân lực chưa đáp ứng yêu cầu, hàng hóa chưa đa dạng, do vậy sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.