Multimedia Đọc Báo in

Làm sao để tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới?

06:28, 15/03/2022

Thích ứng an toàn với dịch bệnh COVID-19, nhịp sống bình thường mới được khởi động. Khi hoạt động sản xuất, thương mại, kinh doanh, dịch vụ hoạt động trở lại đặt ra vấn đề bảo đảm tiêu dùng an toàn trong trạng thái mới này.

Bảo vệ an toàn cho bản thân ở nơi đông người

Năm nay, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam (15/3) hướng tới chủ đề “Tiêu dùng an toàn trong thời kỳ bình thường mới”. Theo đó, Bộ Công thương kêu gọi, động viên, khuyến khích sự tham gia của các cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội, doanh nghiệp (DN) và người tiêu dùng với các hoạt động liên quan. Qua đó, từng bước đưa Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam thành động lực, điểm nhấn quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội; đồng thời bảo đảm các quyền cơ bản của người tiêu dùng, đặc biệt là quyền được an toàn trong thời kỳ bình thường mới.

Người dân sử dụng smartphone để truy xuất nguồn gốc hàng hóa.

Tổ chức các hoạt động hưởng ứng ngày này, UBND tỉnh cũng nhấn mạnh, việc tổ chức các hoạt động cần linh hoạt với diễn biến của dịch bệnh COVID-19, hỗ trợ DN khôi phục và phát triển hoạt động sản xuất, kinh doanh. Đồng thời, bảo đảm an toàn sức khỏe cho những người tham gia, xây dựng và phát triển các thói quen, kỹ năng tiêu dùng phù hợp với tình hình mới.

Hiện nay, việc mua sắm trực tiếp tại chợ, trung tâm thương mại cũng thu hút khách hơn so với trước. Do đó, mua sắm trong điều kiện bình thường mới, người tiêu dùng cần nắm vững các nguyên tắc để bảo vệ an toàn cho sức khỏe của mình tại nơi tập trung đông người. Theo đó, người dân cần nâng cao ý thức, tuân thủ các quy định về phòng dịch, thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế khi đi mua sắm, tiêm ngừa vắc xin, thực hiện 5K và khai báo y tế đầy đủ. Về phía đơn vị kinh doanh, chợ, siêu thị cần chú trọng các hoạt động an toàn để bảo vệ sức khỏe khách hàng, nhân viên của mình. Nhiều siêu thị bảo đảm an toàn cho khách đến mua sắm bằng các biện pháp như đo thân nhiệt, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, thường xuyên phát loa, điều tiết, giãn cách lượng người ra, vào.

Theo Sở Công thương, hoạt động giao thương hàng hóa nhộn nhịp trở lại nhưng không chủ quan, lơ là trong phòng dịch. Sở theo dõi, giám sát thường xuyên hoạt động phòng, chống dịch tại các chợ truyền thống, siêu thị, trung tâm thương mại.... Sở cũng khuyến khích các đơn vị cung ứng, DN tổ chức nhiều chương trình khuyến mãi, giảm giá nhằm kích cầu tiêu dùng, hỗ trợ người tiêu dùng mua sắm.

Trang bị kỹ năng để tránh rủi ro khi mua sắm

Dịch bệnh làm thay đổi thói quen mua sắm của người dân, song song với hoạt động mua hàng trực tiếp thì tiêu dùng online cũng phát triển hơn. Vấn đề chất lượng hàng hóa khi mua sắm làm nhiều nguời tiêu dùng băn khoăn. Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng của tỉnh cho hay, nhiều người tiêu dùng đang đối mặt với thực trạng mua hàng không bảo đảm chất lượng, không như quảng cáo trên mạng. Thời gian qua, Hội đã nhận được nhiều cuộc gọi của người tiêu dùng phản ánh về việc mua hàng online nhưng khi nhận được hàng không đúng với chất lượng như mô tả và cam kết của người bán, chủ yếu rơi vào hàng thực phẩm, hàng gia dụng, vật tư nông nghiệp. Văn phòng giải quyết khiếu nại của Hội đã tư vấn cho người tiêu dùng đòi lại quyền lợi của mình, đồng thời cũng phổ biến một số lưu ý khi mua hàng trên mạng để người tiêu dùng hiểu, thận trong trong giao dịch hàng hóa.

Giải quyết một vụ khiếu nại của người tiêu dùng TP. Buôn Ma Thuột liên quan đến chất lượng, dịch vụ hàng hóa.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk, năm 2021, thông qua việc khai thác thông tin trên các nền tảng thương mại điện tử, Tổ công tác Thương mại điện tử - Truyền thông (trực thuộc Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk) đã phối hợp với các đơn vị nghiệp vụ kiểm tra, xử lý 60 vụ vi phạm với tổng số tiền thu được qua xử lý gần 850 triệu đồng; hàng hóa tịch thu, buộc tiêu hủy gồm 720 thiết bị điện, 720 sản phẩm quần áo và 2.743 sản phẩm mỹ phẩm các loại. Những sản phẩm này là hàng trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc, xuất xứ được rao bán trên các nền tảng thương mại điện tử. Con số trên phần nào phản ánh những thiệt hại mà người tiêu dùng đang gặp phải khi mua sắm trực tuyến.

Ông Mai Mạnh Toàn, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk cho biết, hiện nay, xu hướng tiêu dùng của người dân thay đổi. Trong trạng thái bình thường mới, song song với việc kiểm tra, kiểm soát tại các điểm kinh doanh cố định, việc giám sát chặt kinh doanh trên môi trường mạng cũng được Cục chú trọng để bảo vệ người dân khi mua sắm. Cục tập trung lực lượng, đẩy mạnh xử lý việc kinh doanh hàng hóa trên các nền tảng thương mại điện tử, nhất là đối với các mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người… Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của các lực lượng chức năng và cơ quan quản lý nhà nước, người tiêu dùng cần một một số kỹ năng khi mua sắm trực tiếp cũng như trên không gian mạng.

Để bảo đảm an toàn cho mình khi mua sắm, người tiêu dùng nên ưu tiên chọn mua sản phẩm có bao gói, nhãn mác của nhà sản xuất với thông tin rõ ràng; người mua cần duy trì thói quen lấy hóa đơn, chứng từ để giải quyết những khiếu nại (nếu có) về sau... Đối với việc mua hàng online, nên chọn các trang web bán hàng uy tín, được cấp phép hoạt động, đề nghị xem hàng trước khi thanh toán, tỉnh táo trước các hoạt động quảng cáo khuyến mãi trên mạng để tránh rủi ro cho mình. 

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.