Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột phát huy lợi thế trung tâm vùng Tây Nguyên

08:20, 02/09/2021

Với vị thế trọng yếu nằm ngay trung tâm vùng Tây Nguyên, TP. Buôn Ma Thuột từ lâu đã được nhiều nhà đầu tư nhắm đến, mong muốn nắm được những cơ hội kết nối giao thương thuận lợi vào Nam ra Bắc. Giờ đây, lợi thế ấy càng trở nên hấp dẫn, khi chính quyền Đắk Lắk quyết liệt đẩy mạnh các dự án đầu tư, mở rộng giao thông từ đô thị trung tâm này.

Hành trình cần trải mở

Theo báo cáo quy hoạch của Sở Giao thông vận tải (GTVT) Đắk Lắk, những năm qua, nỗ lực thu hút đầu tư, phát triển kinh tế địa phương, hạ tầng giao thông, với tâm điểm là TP. Buôn Ma Thuột, đã liên tục được cải thiện. Tuy nhiên, các dự án vẫn đang bị giới hạn về quy mô phát triển. Nhiều tuyến quốc lộ, tỉnh lộ đang xuống cấp, quy mô đầu tư không còn phù hợp với nhu cầu giao thông vận chuyển hàng hóa hiện nay, cả về lưu lượng xe lẫn khả năng chịu tải trọng. Vốn đầu tư cho hạ tầng giao thông, chủ yếu do ngân sách đảm nhiệm, mới chỉ đáp ứng khoảng 30% yêu cầu phát triển. Do đó, TP. Buôn Ma Thuột nói riêng, tỉnh Đắk Lắk nói chung đang rất cần những dự án mới, quy mô lớn hơn, tạo động lực phát triển ưu thế cửa ngõ giao thông của mình.

Với tinh thần đó, Sở GTVT đã có văn bản gửi Tỉnh ủy, UBND tỉnh kiến nghị Chính phủ chấp thuận bổ sung tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang và đánh dấu 2 dự án mở đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Liên Khương (Lâm Đồng), đường cao tốc Buôn Ma Thuột – Phú Yên vào Quy hoạch đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, định hướng đến năm 2050.

Cần đầu tư hạ tầng giao thông để Buôn Ma Thuột phát huy lợi thế trung tâm vùng Tây Nguyên. Trong ảnh: Đường Hồ Chí Minh đoạn qua huyện Ea H'leo, tỉnh Đắk Lắk. Ảnh: Hoàng Gia

Đồng thời, tỉnh cũng đã lên kế hoạch đầu tư, cải tạo chất lượng các trục quốc lộ đi qua địa bàn, gồm Quốc lộ 14, 14C, 26, 27, 29, đường Hồ Chí Minh, Trường Sơn Đông với yêu cầu phải nâng chuẩn chất lượng nền, mặt đường. Đặc biệt, tuyến Quốc lộ 26, đường Hồ Chí Minh đoạn Ngọc Hồi – Buôn Ma Thuột – Đồng Xoài cần chuẩn bị cho hoạt động vận tải siêu trường siêu trọng, phục vụ các dự án phát triển năng lượng xanh tại địa bàn hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai.

Với một phác họa hoàn thiện và nâng cấp hệ thống hạ tầng giao thông như vậy, Buôn Ma Thuột – Đắk Lắk kỳ vọng sẽ đấu nối được với các trọng điểm đầu tư kinh tế trong nước; ráp nối với loạt cảng biển vùng duyên hải miền Trung, đặc biệt là cơ hội về phía TP. Hồ Chí Minh, đô thị thương mại sầm uất nhất để đẩy mạnh xuất khẩu. Việc này sẽ giúp TP. Buôn Ma Thuột hình thành được mạng lưới logistics, đưa hàng hóa từ Tây Nguyên đi khắp nơi, cũng như "mang" cả thế giới về Tây Nguyên.

Hiện thực hóa khát vọng cao tốc

Mới đây, đối thoại với cử tri tỉnh Phú Yên, Bộ GTVT cho biết tuyến cao tốc nối Buôn Ma Thuột – Phú Yên được bổ sung vào Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, tuyến cao tốc dài 220 km này sẽ nối từ cảng nước sâu Bãi Gốc (Phú Yên) qua TP. Buôn Ma Thuột và kết thúc tại Cửa khẩu Đắk Ruê, với quy mô từ 2 - 4 làn xe tùy đoạn tuyến và giai đoạn. Đây sẽ là tuyến đường bộ có vai trò quan trọng với sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng từ Phú Yên lên Tây Nguyên.

Đặc biệt về giao thông, tuyến cao tốc này sẽ nối liền cảng Vũng Rô, cảng biển tổng hợp; Cảng hàng không Tuy Hòa (Phú Yên) với Cảng hàng không Buôn Ma Thuột và Cửa khẩu quốc tế Đắk Ruê (Việt Nam - Campuchia), tạo nên một dòng chảy kinh tế, khai thác Quốc lộ 29 lâu nay lên tầm cao mới.

Đồng thời, tuyến cao tốc Liên Khương (Lâm Đồng) - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) cũng đã được bổ sung vào các dự án cao tốc ở địa bàn miền Trung – Tây Nguyên sẽ thực hiện giai đoạn 2026 – 2030. Tuyến cao tốc này dự kiến bắt đầu từ cao tốc Dầu Giây - Đà Lạt theo Quốc lộ 27 đến điểm giao đường Hồ Chí Minh tại TP. Buôn Ma Thuột, tạo một hành lang giao thông đường bộ “xuyên tâm” Tây Nguyên một cách thuận lợi.

Hai tuyến cao tốc này phối hợp với tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang có tổng chiều dài 113 km, quy mô 4 - 6 làn xe, dự kiến tổng mức đầu tư khoảng 19.500 tỷ đồng, sẽ trở thành một “mũi chĩa ba” đầy động lực về giao thương cho địa phương. “Mũi chĩa ba” này khi hợp nhất với Quốc lộ 14 ngay tại TP. Buôn Ma Thuột sẽ giúp khai thác hiệu quả hơn tuyến đường huyết mạch dài 980 km này, thực sự “đi xuyên” qua 5 tỉnh Tây Nguyên, về TP. Hồ Chí Minh và vùng Đông Nam Bộ.

Các dự án đường cao tốc đặt ra từ Buôn Ma Thuột như vậy sẽ giúp hiện thực hóa khát vọng phát huy thế mạnh đường bộ lên Tây Nguyên, cũng chính là nút thắt vận tải lâu nay từ cao nguyên “vào Nam ra Bắc, xuôi Đông Nam Bộ, đổ về duyên hải miền Trung”. Hiện thực hóa được khát vọng này, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk càng khẳng định được rõ ràng vị thế “trung tâm Tây Nguyên”, mở ra trang lịch sử mới cho thành phố cao nguyên này.

Nguyên Đức


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.