Multimedia Đọc Báo in

Nhập cuộc khởi nghiệp (Kỳ 3)

08:42, 05/08/2021

Để khởi nghiệp không dừng lại ở phong trào

Thời gian qua phong trào khởi nghiệp tại Đắk Lắk phát triển khá sôi nổi; một số cuộc thi khởi nghiệp được tổ chức đã mang lại hiệu quả tích cực, truyền cảm hứng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho nhiều bạn trẻ. Tuy nhiên, làm sao để khởi nghiệp không chỉ dừng lại ở phong trào, khởi nghiệp thực sự là hướng phát triển mang lại những giá trị kinh tế - xã hội to lớn cho địa phương, câu hỏi ấy đang được nhiều đơn vị, địa phương tìm lời giải...

Vốn, thông tin  và hơn thế nữa...

“Vốn - tất nhiên chúng tôi cần, nhưng chúng tôi cần hơn đó là sự đồng hành thực sự của Nhà nước với doanh nghiệp” là tâm sự của anh Lê Đình Tư, chủ trang trại cà phê sinh thái Aeroco tại xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) - một doanh nghiệp không còn mới trong khởi nghiệp song đó cũng là tâm sự, nguyện vọng của nhiều doanh nghiệp trẻ đang chập chững trên con đường khởi sự kinh doanh. Sự đồng hành đó, theo anh Tư, chính là sự sẵn sàng lắng nghe, tháo gỡ, gợi mở khi doanh nghiệp gặp khó khăn; làm “cầu nối” khi doanh nghiệp “bí” đầu ra...

Đồng quan điểm trên, anh Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ TNBaybio cũng cho rằng, ngoài việc được tạo điều kiện tiếp cận các nguồn vốn vay thì doanh nghiệp rất cần được cung cấp thông tin tổng quan về thị trường, ngành hàng; được hỗ trợ về quảng bá sản phẩm, tham gia các kênh xúc tiến thương mại hiệu quả và điều cần nhất là sự hỗ trợ ấy đến kịp thời trong lúc doanh nghiệp cần nhất.

Cơ sở sản xuất ngói màu của một doanh nghiệp trên địa bàn huyện Ea Kar. Ảnh: Thanh Hường

Thời gian qua, các cuộc thi về khởi nghiệp đã tạo được hiệu ứng tích cực, song điều quan trọng là sự trợ lực phía sau cuộc thi ấy như thế nào để các doanh nghiệp tiếp tục phát triển, đứng vững trên thị trường chứ không chỉ “một phút huy hoàng rồi chợt tắt” thì dường như vẫn chưa thực sự hiệu quả. Ngoài ra, anh Tuấn còn mong các nhà quản lý cần nhìn nhận, đánh giá đúng, đủ tiềm năng, thế mạnh của địa phương để khuyến khích, động viên các doanh nghiệp đầu tư.

Anh bộc bạch: “Mình rất mong các nhà quản lý, cơ quan chức năng cần có cái nhìn sâu sát hơn với thực tế từng vùng, từng địa phương để có sự khuyến khích, hỗ trợ với những dự án khởi nghiệp, kinh doanh mang tính khả thi cao. Đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp, cần đánh giá đúng để phát triển những loại cây trồng thế mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao mới có thể giải quyết được tình trạng nông dân suốt ngày loay hoay đi tìm cây này hay con giống kia”...

 

“Tỉnh Đắk Lắk xác định trong giai đoạn tiếp theo cần phải có những giải pháp đột phá, lộ trình, bước đi phù hợp hơn nữa nhằm nâng cao năng lực cho hệ sinh thái khởi nghiệp, ươm tạo, phát triển những doanh nghiệp khởi nghiệp cung cấp dịch vụ công nghệ số trong lĩnh vực tiềm năng, thế mạnh của tỉnh là nông nghiệp hữu cơ, hỗ trợ, giúp những doanh nghiệp khởi nghiệp này có đủ năng lực, đủ sức đưa sản phẩm ra thị trường trong và ngoài nước”.

 

 
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh Nguyễn Tuấn Hà

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh và một số địa phương bước đầu đã xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp (tạo dựng không gian khởi nghiệp, vườn ươm khởi nghiệp, huy động nguồn quỹ hỗ trợ, tổ chức tập huấn những kiến thức về khởi nghiệp, kinh doanh). Tuy nhiên, đây mới chỉ là bước đầu, hệ sinh thái khởi nghiệp cần được phát triển hơn nữa để trở thành môi trường kiến tạo, nuôi dưỡng ý tưởng và tạo đà cho doanh nghiệp khởi nghiệp. Theo các chuyên gia, các cơ quan nhà nước cần tiếp tục sửa đổi, bổ sung hệ thống chính sách cho khởi nghiệp, có thêm những ưu đãi về vốn, đất đai, thuế... để khuyến khích doanh nghiệp khởi nghiệp.

Khởi nghiệp - một giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế

Một trong những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng trong nhiệm kỳ 2020 – 2025 mà Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII đã đề cập đó là quan tâm hỗ trợ, nâng cao năng lực hệ sinh thái khởi nghiệp; nghiên cứu thành lập Trung tâm Hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; thu hút các doanh nghiệp vào đầu tư phát triển công nghiệp phần mềm; phát huy hiệu quả hoạt động các Quỹ Khởi nghiệp, Quỹ Hỗ trợ doanh nghiệp; nâng cao vai trò chủ đạo của các doanh nghiệp, hiệp hội ngành nghề, tổ chức xã hội trong tham gia hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp.

Từ chủ trương, định hướng của tỉnh, các cơ quan, đơn vị, địa phương đã xây dựng đường hướng thúc đẩy mạnh mẽ phong trào khởi nghiệp. Như huyện Ea Kar, thời gian qua các hoạt động khởi nghiệp chủ yếu nằm trong các phong trào của các hội, đoàn thể như Hội LHPN, Đoàn Thanh niên… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Minh Chuyền, Phó Chủ tịch UBND huyện Ea Kar, xác định khởi nghiệp là một trong những giải pháp đột phá trong phát triển kinh tế, thời gian tới huyện sẽ nghiên cứu, đưa ra nghị quyết chuyên đề với các chương trình hành động cụ thể để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp địa phương phát triển.

Bước đầu “khởi động” xu thế khởi nghiệp, Hội Doanh nghiệp huyện Ea Kar đang xây dựng mô hình vườn ươm khởi nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Các thành viên của hội đã góp vốn thành lập doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với kỳ vọng tạo hình mẫu cho các doanh nghiệp trẻ khác; đồng thời xây dựng quỹ khởi nghiệp nhằm hỗ trợ các start-up đang khó khăn về nguồn vốn..

Tăng cường mối liên kết viện – trường – doanh nghiệp, kết nối được các nguồn nhân lực để khởi nghiệp nhằm hình thành tư duy đổi mới sáng tạo cho đội ngũ sinh viên cũng đang được các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh chú trọng khi xây dựng hướng phát triển trong thời gian tới.

Đại diện Chi hội Doanh nghiệp trẻ huyện Krông Pắc (bên trái) giới thiệu một số sản phẩm của các doanh nghiệp ở địa phương. Ảnh: Hồng Thủy

Như Trường Cao đẳng FPT Polytechnic Tây Nguyên đã đưa môn khởi sự doanh nghiệp vào giảng dạy cho sinh viên trong học kỳ thứ 6; khuyến khích sinh viên tham gia cuộc thi về start-up do Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp tổ chức; ký kết thoả thuận hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn (Daii-chi, Viettel...) để tạo điều kiện cho sinh viên đến tham quan, thực tập, làm các đề tài nghiên cứu về hướng phát triển kinh doanh cho doanh nghiệp...

Đối với Đại học Tây Nguyên, bước vào năm 2021, hoạt động khởi nghiệp của nhà trường được định hướng dài hạn hơn với việc ban hành Kế hoạch hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh giai đoạn 2021 - 2025. Theo đó, Kế hoạch xác định các mục tiêu chủ yếu là thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp và hoạt động khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và khởi sự kinh doanh trong nhà trường, đồng thời tăng cường liên kết với các cộng đồng khởi nghiệp trong và ngoài nước.

Để thúc đẩy phong trào khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2020 - 2025, Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh sẽ phối hợp với doanh nghiệp, các nhà khoa học tổ chức tập huấn, hướng dẫn các mô hình, phương thức sản xuất kinh doanh mới cho thanh niên, đồng thời hỗ trợ các mô hình thanh niên làm kinh tế như trang trại trẻ, tổ hợp tác, hợp tác xã thanh niên.

Cùng với đó là huy động nguồn lực hỗ trợ cho các ý tưởng khởi nghiệp, kết nối các quỹ hỗ trợ khởi nghiệp, các nhà đầu tư khởi nghiệp để hỗ trợ các dự án khởi nghiệp của thanh niên; tăng cường giới thiệu công nghệ mới, mô hình quản trị, các mô hình phân phối sản phẩm mới và giao lưu, chia sẻ giữa doanh nhân trẻ, thanh niên, sinh viên, các chương trình đào tạo khởi nghiệp. Đặc biệt, Hội sẽ phấn đấu thành lập và đưa vào hoạt động Câu lạc bộ khởi nghiệp cấp tỉnh.

Hồng Thủy - Khả Lê - Thanh Hường

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.