Multimedia Đọc Báo in

Học tập không bao giờ là điều hối tiếc

10:03, 20/06/2022

Thời gian qua, có nhiều trường hợp sinh viên đột nhiên bỏ học với lý do: bằng cấp không quan trọng, cái chính là năng lực của bản thân. Nhưng thực tế cuộc sống đã cho thấy, học không bao giờ là thừa.

Với kinh nghiệm hơn 10 năm làm cố vấn học tập, tôi đã gặp nhiều bạn sinh viên không tốt nghiệp đúng hạn và nghe được những câu chuyện đầy nuối tiếc của chính người trong cuộc.

Hôm đó, tôi làm nhiệm vụ giám sát thi kết thúc học kỳ và có tình huống bất ngờ: Một sinh viên đã làm xong bài thi muốn nộp bài nhưng lại không có tên trong danh sách. Do thí sinh này đến muộn nên giám thị chỉ kiểm tra thẻ và cho vào làm bài luôn mà không kiểm tra danh sách, đến lúc thí sinh lên nộp bài thì mới phát hiện ra em này vào nhầm phòng, do thi cùng môn nên dù đi nhầm phòng nhưng thí sinh này vẫn làm đúng môn thi.

Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa)
Sinh viên Trường Đại học Buôn Ma Thuột. (Ảnh minh họa). 

Bạn sinh viên thật thà kể: Em từng là sinh viên ngành Thú y và đã đi làm thêm từ rất sớm. Từ năm thứ ba, công việc làm thêm mang lại thu nhập khá cao nhưng đi kèm với đó là tốn rất nhiều thời gian, ảnh hưởng đến việc học. Vì vẫn kiếm được khoản thu nhập hấp dẫn dù không hề có bằng cấp gì nên bạn quyết định nghỉ học đi làm luôn. Sau một thời gian làm việc, lãnh đạo đơn vị thấy năng lực của bạn tốt nên muốn cất nhắc bạn vào một vị trí quản lý. Đến lúc này thì bằng cấp lại là điều kiện không thể thiếu. Vì vậy, công ty tạo điều kiện để bạn có thể vừa đi làm vừa đi học. Bạn quay lại trường tiếp tục quá trình học hành mà trước đó chính bạn thấy không cần thiết. Nhưng vừa học vừa làm rất vất vả, thực tế bạn không có đủ thời gian để đi học đều đặn như các em sinh viên khác nên mới xảy ra chuyện đi thi muộn và vào nhầm phòng.

Trường hợp khác là một nữ sinh viên đã hoàn thành 3 năm trong khóa học 4 năm đại học nhưng vẫn quyết định nghỉ, dù được khuyên bảo hết lời. Lý do như lời bạn giải thích: “Em thấy tương lai mờ mịt quá, học xong chưa chắc đã xin được việc nên em nghỉ cô ạ!”. Sau khi nghỉ học, bạn lấy chồng, sinh con. Đến khi con được một tuổi, bạn gọi điện cho tôi bày tỏ nguyện vọng muốn được đi học lại. Bạn tâm sự có cơ hội việc làm ở xã nhưng lại thiếu bằng đại học. Bạn thú nhận: “Giờ em mới thấy lời khuyên của cô ngày trước là đúng. Nhưng đã bị buộc thôi học rồi thì giờ em có quay lại được không?”. Tôi hướng dẫn bạn làm các thủ tục giấy tờ cần thiết và nhà trường đã đồng ý để bạn được tiếp tục việc học. Sau một thời gian nỗ lực, bạn đã hoàn thành chương trình học và chỉ còn cần chứng chỉ ngoại ngữ B1 nữa là được tốt nghiệp. Nhưng vừa chăm con nhỏ, vừa đi làm ở một siêu thị nên gần như bạn không có thời gian để đầu tư cho việc học tiếng Anh. Kết quả là thi vài lần vẫn không đạt. Tôi khuyên bạn phải cố gắng dành thời gian, tập trung ôn tập để thi cử cho đàng hoàng, môn Tiếng Anh B1 không quá khó nếu như bạn chịu học.

Thật khó để có một lời khuyên chung cho tất cả: Nên tốt nghiệp đại học rồi đi làm hay cứ nghỉ học đi làm nếu có một công việc tốt mà không cần bằng cấp? Lời khuyên có thể đúng với người này nhưng lại có thể sai với người khác. Nhưng chỉ 4 năm học hành nghiêm túc để có một tấm bằng so với 40 năm cuộc đời làm việc lâu dài thì có lẽ mỗi sinh viên sẽ tự tìm ra được câu trả lời cho chính mình. Nếu đã quyết đi học, hãy học cho tốt, còn nếu không hãy mạnh dạn đi làm ngay sau khi tốt nghiệp THPT chứ đừng phí hoài tuổi trẻ bằng những ngày tháng vật vờ ở giảng đường đại học!

Bình An


Ý kiến bạn đọc