Multimedia Đọc Báo in

Học sinh hào hứng khi được trở lại trường

08:19, 19/04/2022

Sáng ngày 18/4, hơn 74.000 học sinh từ mầm non đến lớp 8 tại TP. Buôn Ma Thuột đi học trực tiếp tại trường. Như vậy, sau một thời gian gián đoạn do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, việc học trực tiếp đã trở lại bình thường với các cấp học từ mầm non đến phổ thông trên địa bàn.

Nhờ thực hiện tốt công tác chuẩn bị, hoạt động dạy và học trong ngày đầu đi học trở lại đã diễn ra an toàn, tạo tâm lý hứng khởi cho học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Học sinh lớp 1, Trường Tiểu học La Văn Cầu (xã Ea Kao).

Ngay từ sáng sớm, cán bộ, giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Tân Lập (phường Tân Lập) đã có mặt tại trường để hoàn tất công tác chuẩn bị đón các cháu tới trường. Trường có 193 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Trước khi tổ chức học trực tiếp, nhà trường đã khảo sát ý kiến của phụ huynh và có 77 phụ huynh đồng ý cho con em mình đến trường, nhưng thực tế sáng 18/4 số học sinh đến lớp đạt cao hơn so với con số phụ huynh đăng ký ban đầu, các em đều được học bán trú. Điều đó cho thấy việc mở cửa trường học thời điểm này đã đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của phụ huynh.

Cô Đặng Thị Tuyến, Hiệu trưởng Trường Mầm non Tân Lập vui vẻ: “Buổi sáng hôm nay giống như buổi học đầu tiên của năm học mới. Bản thân giáo viên, phụ huynh rất hân hoan, vui mừng khi trẻ được đến trường. Điểm khác biệt là trẻ khi đến trường tuy có chút ngại ngùng nhưng gần như không bỡ ngỡ bởi các con đã biết trường, lớp, biết cô giáo thông qua các video giáo viên tự làm và chuyển cho phụ huynh tự hướng dẫn con mình ở nhà; phụ huynh đã làm tốt công tác tư vấn tâm lý cho trẻ”.

 

“Việc dạy và học gián tiếp sẽ không hiệu quả bằng hình thức trực tiếp, do đó Phòng sẽ chỉ đạo các cơ sở giáo dục rà soát lại tiến độ chương trình, phân loại học sinh để bổ sung kiến thức phần học sinh chưa nắm được trước khi thực hiện kiểm tra, đánh giá cuối năm”.

Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột Mai Thị Hồng Hà

Chị Nguyễn Thị Thanh Thủy, phụ huynh cháu Đào Ngọc Thảo Nguyên, học sinh của trường bộc bạch: “Tôi rất vui khi trường mầm non mở cửa, đây là thời điểm phù hợp để phụ huynh đưa trẻ đến trường. Từ khi bùng dịch COVID-19 đến nay, tôi luôn cố gắng hướng dẫn con học, sinh hoạt, vui chơi nhưng bản thân không có kỹ năng sư phạm nên hiệu quả chưa như mong muốn. Ở trường học, các con sẽ được ăn, ngủ đúng giờ; sinh hoạt có nền nếp; chơi các hoạt động mang tính chất tập thể dưới sự hướng dẫn của giáo viên để học cách chơi, học kỹ năng lắng nghe, trình bày ý kiến, hòa đồng với các bạn cùng tuổi”.

Tương tự, học sinh ở các bậc tiểu học, THCS cũng rất hào hứng khi được đi học trở lại. Sự hào hứng sẽ là chất xúc tác để các giáo viên hăng say giảng dạy, học sinh hứng thú và phụ huynh yên tâm trở lại công việc thường nhật. Trường THCS Trưng Vương có 24 lớp với 1.038 học sinh, trong đó có 780 học sinh từ khối 6 đến khối 8 đi học ngày đầu sau thời gian dài nghỉ học gián đoạn do dịch (học sinh lớp 9 đi học trước đó). Để bảo đảm công tác phòng, chống dịch, trường tổ chức học theo 2 ca: khối 8, 9 học buổi sáng, khối 6, 7 học buổi chiều. Trong ngày 18/4 có khoảng 98% học sinh đi học trở lại; số còn lại là các em ốm thông thường và đang thực hiện cách ly tại nhà theo quy định. Được đến trường, các em đều bày tỏ niềm vui, cố gắng tập trung học tập để có kết quả tốt nhất trong năm học này.

Buổi học đầu tiên vào chiều 18/4 của các em học sinh lớp 6A, Trường THCS Trưng Vương sau thời gian dài học gián tiếp.

Là người lo lắng đầu tiên, vui sau cùng và gánh trách nhiệm khá nặng trong kết nối, tương tác, giáo dục, các giáo viên chủ nhiệm luôn trong trạng thái “gồng mình” xuyên suốt mùa dịch. Nay đi học trực tiếp, tâm lý thoải mái hơn nhưng bản thân các giáo viên vẫn rất lo lắng bởi năm học gần kết thúc mà thời gian ôn tập, củng cố kiến thức không còn nhiều.

Cô Phạm Thị Hải Yến, giáo viên chủ nhiệm lớp 6A, Trường THCS Trưng Vương tâm tình: “Có những thời điểm tôi phải làm việc cả ngày, cả đêm để soạn giáo án, dạy học, vừa trao đổi, tương tác với học sinh, phụ huynh, ban giám hiệu nhà trường... Giờ học trực tiếp, các công việc liên quan sẽ giảm xuống, giáo viên sẽ có thêm thời gian trau dồi kiến thức, kỹ năng để hỗ trợ học sinh. Được gặp các em ở trường, lắng nghe lời chào, thăm hỏi của các em, nhìn các em học tập một cách nền nếp, vui vẻ, khỏe mạnh và có phần trưởng thành hơn trước khiến tôi rất vui. Đây sẽ là nguồn động viên to lớn để những giáo viên như tôi thêm yêu nghề, vượt qua những áp lực công việc trong những ngày cuối năm học”. 

Năm học có 35 tuần thì hiện tại các em đã học đến tuần thứ 30. Qua khảo sát, các trường vẫn triển khai kế hoạch dạy và học theo chương trình; đồng thời sẽ có sự hướng dẫn, phân loại học sinh để hỗ trợ các em nắm vững kiến thức của chương trình, chuẩn bị tốt cho bài kiểm tra cuối kỳ. Giáo viên chủ nhiệm dành thời gian sinh hoạt 15 phút hằng tuần để đối thoại, lắng nghe tâm sự của học sinh.

Theo phản ánh của Phòng GD-ĐT, tỷ lệ học sinh đi học trực tiếp ngày 18/4 ở các cấp học tuy khác nhau nhưng nhìn chung phụ huynh, học sinh, giáo viên đều đồng thuận với việc cho con em mình đi học trực tiếp. Bà Mai Thị Hồng Hà, Trưởng Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột cho biết, qua kiểm tra thực tế tại các cơ sở giáo dục cho thấy các cơ sở giáo dục đã cơ bản bảo đảm công tác phòng, chống dịch COVID-19. Chuẩn bị tốt sẽ tạo tâm lý thoải mái, an toàn cho học sinh, giáo viên, nhờ đó việc dạy và học sẽ thuận lợi, góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm học.,

Thanh Hường


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.