Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Tập trung củng cố kiến thức cho học sinh

08:29, 14/04/2022

Sau hơn 1 tháng tạm dừng việc dạy, học trực tiếp để phòng, chống dịch bệnh COVID-19, từ ngày 12/4 học sinh huyện Krông Búk đã trở lại trường học tập. Các trường đã nhanh chóng giúp học sinh bắt nhịp với việc học tập trực tiếp, kết hợp với ôn tập, củng cố kiến thức.

Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS Bùi Thị Xuân (xã Ea Sin) có 15 lớp với 350 học sinh. Hiện nhà trường đang thực hiện tuần học thứ 29 trong 35 tuần học của năm học.

Thầy Lưu Đức Dũng, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, sau khi đón học sinh trở lại trường, đơn vị đã tiến hành kiểm tra nhanh mức độ nắm bắt kiến thức của các em. Bên cạnh tiếp tục giảng dạy chương trình mới, việc củng cố lại kiến thức cho học sinh giúp các em theo kịp chương trình là nhiệm vụ trọng tâm của nhà trường.

Cụ thể, nhà trường đã tăng 2 tiết/ngày để ôn luyện, phụ đạo cho học sinh. Ngoài ra, giáo viên chủ nhiệm các lớp đã rà soát, thống kê số học sinh F0 hiện đang nghỉ học để có kế hoạch bồi dưỡng kiến thức cho các em sau khi trở lại trường, không để các em bị hổng kiến thức.

Học sinh Trường Mầm non Vành Khuyên học tập, vui chơi tại trường.

Tại Trường Mầm non Vành Khuyên (xã Pơng Drang) gần 70 trẻ 5 tuổi cũng háo hức trở lại trường học trực tiếp. Là bậc học đặc thù nên công tác vệ sinh, phòng chống dịch COVID-19 được nhà trường đặc biệt chú ý nhằm đảm bảo an toàn cho giáo viên và học sinh. Hoạt động bán trú vẫn được trường triển khai với thực đơn đa dạng, phong phú, trong đó chú trọng đến các thực phẩm giúp trẻ nâng cao sức đề kháng trong mùa dịch.

 

“Toàn huyện có trên 15.350 học sinh các cấp theo học tại 39 trường học. Để học sinh nắm chắc kiến thức trọng tâm, tự tin với những kỳ thi sắp tới, các trường đã có sự chuẩn bị rất kỹ về kế hoạch giảng dạy trực tiếp. Sau những phút hào hứng khi được gặp thầy cô, bạn bè, các em cũng nhanh chóng tập trung vào bài giảng để tiếp thu kiến thức hiệu quả”.

Thầy  Trần Đình Khả, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Búk

Mặc dù trong thời gian nghỉ học, giáo viên đã xây dựng nhiều video ngắn gọn, trực quan sinh động nhằm hỗ trợ trẻ vừa học, vừa chơi nhưng trong thời gian ở nhà trẻ vẫn bị thiếu hụt nhiều kỹ năng. Do đó khi đến trường, các cô giáo dành nhiều thời gian hỗ trợ, bổ sung kiến thức cho học sinh. Đặc biệt, học sinh 5 tuổi được ôn tập kỹ về ngôn ngữ, toán cũng như những kỹ năng cần thiết để chuẩn bị vào lớp 1.

Tương tự, Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Pơng Drang) cũng chuẩn bị chu đáo cơ sở vật chất và xây dựng các phương án, triển khai kế hoạch phòng, chống dịch COVID-19 khi học sinh đến trường học trực tiếp.

Xác định nền nếp, kỹ năng là điều mà học sinh dễ bị ảnh hưởng nhất khi nghỉ học quá dài, Ban giám hiệu nhà trường chỉ đạo giáo viên quan tâm sát sao việc học của các em, phân loại học sinh theo mức độ nắm vững kiến thức để có phương pháp giảng dạy, bồi dưỡng phù hợp.

Trong mỗi tiết học của tuần đầu tiên học sinh trở lại trường, giáo viên thường khích lệ học sinh tích cực, hăng hái phát biểu ý kiến xây dựng bài; khuyến khích các em mạnh dạn nêu những vấn đề chưa hiểu để thầy cô giảng thêm, bắt kịp kiến thức, hoàn thành chương trình năm học.

Trở lại trường sau thời gian học trực tuyến, em Nguyễn Lê Đan Thư, học sinh lớp 9E chia sẻ: "Khi ở nhà học trực tuyến, một số nội dung, bài học em chưa hiểu rõ. Giờ đến trường học tập trực tiếp, được nghe thầy cô hướng dẫn, trao đổi với các bạn giúp việc học của em thuận lợi hơn. Em sẽ nhờ thầy cô bổ sung những kiến thức, kỹ năng còn thiếu trong thời gian qua để chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi vào các trường THPT sắp tới".

Trường THCS Lê Hồng Phong ôn tập, củng cố kiến thức cho học sinh lớp 9.

Đến nay trẻ mẫu giáo 5 tuổi và học sinh từ lớp 1 đến lớp 12 trên địa bàn huyện đã đến trường học trực tiếp. Theo thầy Trần Đình Khả, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện, các trường cần tranh thủ “thời gian vàng” khi học trực tiếp để củng cố kiến thức, kỹ năng cho học sinh. Căn cứ vào khung thời gian năm học, từng trường học, từng giáo viên sẽ chủ động xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp bảo đảm thực hiện đủ, đúng chương trình năm học và đáp ứng yêu cầu chuẩn đầu ra của chương trình.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.