Multimedia Đọc Báo in

Tận tâm "gieo chữ" ở vùng khó

15:20, 05/12/2021

Với lòng yêu nghề, mến trẻ, bao thế hệ giáo viên ở xã Ea Púk (huyện Krông Năng) vẫn kiên trì bám trường, "gieo chữ", thắp sáng ước mơ cho học sinh vùng khó.

Hơn 26 năm gắn bó với phấn trắng, bảng đen là chừng ấy năm cô Trần Thị Nga gắn bó với học trò ở Trường Tiểu học - THCS Lê Duẩn. Cô Nga về công tác tại đây từ năm 1995, khi ấy điểm trường chỉ là ngôi nhà gỗ, nền đất. Dân cư thưa thớt, đường sá đi lại rất khó khăn chứ chưa có đường bê tông, rải nhựa như bây giờ.

Là giáo viên mới ra trường, gặp không ít khó khăn, nhưng nhìn ánh mắt ngây thơ của những đứa trẻ cùng sự động viên của những thầy cô đi trước, hằng ngày chứng kiến sự tận tâm, yêu nghề của tập thể giáo viên nhà trường, cô Nga như được tiếp thêm nghị lực, miệt mài với từng trang giáo án, say sưa với bài giảng để truyền đạt kiến thức cho học sinh.

Cô Trần Thị Nga giảng dạy trực tuyến cho học sinh.

“Ngày trước, học sinh trong độ tuổi đến trường hầu hết đều thuộc diện nghèo, lại thêm điều kiện đi lại khó khăn nên hầu như không tới lớp. Để động viên các em, có những ngày tôi một mình đạp xe vượt hơn 20 km đến từng gia đình vận động phụ huynh cho con đi học. Có hôm trên đường trở về trời đã nhá nhem, bị lạc đường, tôi vừa đi vừa khóc vì sợ. Nhưng rồi nụ cười, niềm vui của các em nhỏ khi được đến trường lại thôi thúc, tạo động lực cho tôi tiếp tục hành trình đưa tri thức đến với các em”, cô Nga tâm sự.

Nhiều năm gắn bó với sự nghiệp "trồng người", cô Nga thường xuyên tự nghiên cứu, bồi dưỡng chuyên môn để nâng cao chất lượng giảng dạy, trao đổi kiến thức với đồng nghiệp, tìm hiểu thêm kiến thức qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng để có những bài giảng hay, phương pháp giảng dạy khoa học, làm cho các em yêu thích các môn học hơn. Nhờ đó, trong những năm qua chất lượng học sinh do cô đứng lớp ngày một nâng lên, đã có nhiều học sinh giỏi các cấp và đạt các giải cao qua các kỳ thi. Cô Nga cũng có nhiều sáng kiến kinh nghiệm hay trong công tác chủ nhiệm và giảng dạy như: “Hướng dẫn học sinh chuẩn bị đồ dùng học tập trước khi đến lớp”, “Hướng dẫn học sinh tự học”… đến nay vẫn được các giáo viên trong trường áp dụng để phục vụ công tác giảng dạy.

Vốn yêu nghề giáo từ nhỏ nên khi trở thành giáo viên mầm non, dạy tại Trường Mẫu giáo Vàng Anh, cô Trần Thị Mỹ Duyên cố gắng đem hết tình yêu thương, sự tâm huyết và những kiến thức đã học, đặc biệt là những trải nghiệm thực tế để vận dụng vào công tác nuôi dưỡng, chăm sóc và giáo dục trẻ.

Trường Mẫu giáo Vàng Anh thuộc xã vùng 3, cơ sở vật chất của trường còn nhiều thiếu thốn nên chưa thể đáp ứng nhu cầu học tập của các em. Người dân nơi đây cuộc sống còn khó khăn nên chưa quan tâm đúng mức đến việc học hành của con em. Thấy được những thiệt thòi đó, cô Duyên lại càng yêu thương, gần gũi, chăm lo cho trẻ từ bữa ăn, giấc ngủ, hướng dẫn các em từ vui chơi, khám phá đến việc vệ sinh cá nhân. Cô Duyên cùng các giáo viên trong trường tự tay làm những đồ dùng, đồ chơi dạy học cho trẻ và sáng tạo xây dựng các góc học tập theo chủ đề, chủ điểm phù hợp với lứa tuổi, tâm lý của trẻ, qua đó giúp các em hình dung được môi trường sống xung quanh và hứng thú đến trường.

Cô Trần Thị Mỹ Duyên cùng các học trò tham gia hội diễn văn nghệ tại trường.

Năm học 2021 - 2022, cô Mỹ Duyên được giao chủ nhiệm lớp chồi với trên 30 học sinh. Do diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, các em vẫn chưa được đến trường. Để trẻ tiếp cận chương trình học, ngày từ đầu năm học, cô Duyên cùng với các giáo viên trong trường đã xây dựng các clip vui nhộn, bổ ích với nội dung chủ yếu là giáo dục kỹ năng sống, giúp trẻ củng cố kiến thức, nền nếp sinh hoạt, cách làm các đồ chơi đơn giản, chủ yếu từ nguồn nguyên liệu sẵn có tại địa phương. Từ những clip giáo viên gửi, phụ huynh sẽ hướng dẫn con em mình rồi gửi những hình ảnh, đánh giá về điều con em mình học được cho giáo viên.

Đến nay đã tròn 6 năm cô Trần Thị Mỹ Duyên gắn bó với các học sinh mầm non ở ngôi trường vùng sâu này. Cô Duyên vẫn luôn tâm niệm, tình thương yêu, lòng nhân ái, tính chịu khó, sự kiên trì và bền bỉ là những điều quan trọng nhất mà một giáo viên mầm non phải có để có thể trở thành người mẹ hiền thứ hai của các em khi đến trường.

Cũng như cô Duyên, cô Nga, những giáo viên nơi đây đều có chung tâm sự rằng, được trở thành một nhà giáo là niềm vui, hạnh phúc và cả tự hào. Được học sinh yêu mến, phụ huynh tin tưởng là phần thưởng quý giá nhất trong sự nghiệp "trồng người" của mình.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Kết quả kinh tế - xã hội quý I/2024 của tỉnh Đắk Lắk
Ngay từ đầu năm 2024, bám sát các nội dung chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, các cấp, các ngành, địa phương của tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ về phát triển kinh tế - xã hội. Qua đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh trong quý I/2024 tiếp tục phát triển ổn định; một số chỉ tiêu đạt, vượt kế hoạch đề ra.