Multimedia Đọc Báo in

Gian nan sự học nơi rẻo cao

08:51, 28/11/2021

Chắc nhiều người vẫn còn nhớ câu chuyện, hình ảnh, thước phim cách đây 7 năm kể về những giáo viên và học sinh ở một bản vùng núi Tây Bắc phải chui vào túi nilon để các trai bản túm chặt lấy miệng bao, cái bao trở thành chiếc phao nổi và “đựng” cô trò trong ấy để dìu sang bờ suối bên kia trong con nước cuồn cuộn.

Từ câu chuyện ở bản Sam Lang

Là những người thực hiện phóng sự “Chui túi nilon qua suối” ấy, chúng tôi chỉ muốn phản ánh một phần nào những khó khăn của thầy cô cắm bản trên rẻo cao. Và thật sự đó chỉ là một phần rất nhỏ của câu chuyện mạo hiểm đến trường, đến lớp của thầy trò rẻo cao mà bao nhiêu năm lặn lội trên vùng cao chúng tôi chứng kiến nhiều gian nan còn kinh khủng hơn thế. Không chỉ Tây Bắc mà Tây Nguyên, dọc dặm dài rẻo cao Trường Sơn, trên những hòn đảo mịt mù sóng nước, câu chuyện dạy và học của giáo viên và học sinh vẫn ngổn ngang rất nhiều khó khăn như thế!

Điểm trường Sam Lang trước khi xây dựng.

Cuối năm 2013, chúng tôi có mặt tại bản Sam Lang, xã Nà Hỳ, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) - một vùng heo hút nơi biên giới Việt - Lào để khảo sát hỗ trợ xây một ngôi trường và phòng công vụ cho học sinh và thầy cô giáo cắm bản tại đây. Khi vào tới bản Sam Lang, chúng tôi thật sự “choáng” bởi sự khó khăn, thiếu thốn trăm bề của hơn 100 hộ dân đồng bào Mông nơi phên giậu giáp với nước bạn Lào.

Đường vào bản khi đó chỉ là lối mòn dân sinh được vẹt ra từ mái đồi, xe máy chỉ đi được vào mùa khô và tay lái cũng phải “lụa” mới có thể vượt được nhiều đoạn suối sâu, đèo dốc thăm thẳm. Dẫn chúng tôi đi, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Nà Hỳ khi đó là Thiếu tá Phương Công Quý cho biết: “Mùa khô thì xe máy có thể đi được, nhưng người lái phải thật cứng tay. Khi trời mù hay chỉ mưa nhỏ, đường dốc trơn trượt thì xe máy không thể đi được, có đi thì bánh xe phải quấn xích. Còn vào mùa mưa lũ, Sam Lang như một hòn đảo biệt lập, chia cắt hoàn toàn với bên ngoài. Việc đi lại là khó khăn nhất trong muôn vàn khó khăn của Sam Lang”.

Khi thực hiện công trình điểm trường Sam Lang, những chuyến công tác sau đó để kiểm tra tiến độ công trình, viết bài về các thầy cô giáo cắm bản ở khu vực này, chúng tôi đã thấm thía và chia sẻ những gian nan đó. Nhưng phải đến khi gặp cô giáo Tòng Thị Minh - người quay những clip về chuyện thầy trò chui vào túi nilon qua suối, chúng tôi mới thật sự “sốc”.

Những dòng suối Tây Bắc hung hãn khi lũ về không phải là điều gì xa lạ, nhưng cái cách vượt qua suối như cô giáo Minh và các cô trò vẫn làm hằng ngày trong mùa lũ thì dù giàu tưởng tượng vẫn khó mà hình dung ra được. Chính vì thế, khi báo đăng lên, không ít người đã nghi ngờ, cho rằng đó là sự dàn dựng và chúng tôi vẫn có thể thông cảm được. Bởi nếu không đến tận Sam Lang, không gặp người trong cuộc thì ai mà dám nghĩ đó lại là một sự thật.

Điều may mắn nhất là sau khi câu chuyện được lan truyền rộng rãi, cô trò nơi vùng cao này không chỉ có được ngôi trường mới mà Bộ Giao thông vận tải đã quyết định xây tặng địa phương một cây cầu treo ngay con suối mà ngày ngày các cô trò đã vượt suối theo cách mạo hiểm như thế.

Điểm trường Sam Lang sau khi xây dựng.

Còn rất nhiều Sam Lang như thế…

Sam Lang là một câu chuyện “có hậu” với thầy cô cắm bản và học trò của mình. Nhưng đất nước vẫn còn hàng trăm điểm trường như thế, hằng nghìn thầy cô cắm bản, bám buôn vẫn phải đối mặt khó khăn mỗi ngày đến lớp. Cứ mỗi lần khai giảng năm học mới lại luôn có những câu chuyện từ rẻo cao khiến chúng ta xúc động.

Mới hai năm trước thôi, hình ảnh cô trò của ngôi trường Tắk Pổ ở huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) trong lễ khai giảng đã khiến hàng triệu người xúc động. Không thể không thắt nghẹn nơi lồng ngực khi thấy trong tấm ảnh chụp các học trò đang chăm chú nghe cô giáo đọc thư của Chủ tịch nước gửi học sinh nhân ngày khai trường, có sáu em học sinh phải ngồi xổm trên nền đất vì thiếu ghế, trước ngôi trường lợp tôn, che chắn bằng vách gỗ đơn sơ, nhưng sau lễ khai giảng nụ cười cô và trò như tỏa sáng cả đỉnh núi mù mây trên rẻo cao thăm thẳm ấy.

Cây cầu cũ...
...và mới ở Sam Lang.

Hình ảnh điểm trường Tắk Pổ hôm đó khiến chúng tôi liên tưởng ngay đến một ngôi trường nơi cực bắc Hà Giang, đó là điểm trường Lùng Tám Cao ở xã Lùng Tám (huyện Quản Bạ) với tấm ảnh gây chấn động không kém khi trong hình là các em học sinh ngồi trên nền đất, tấm bảng trong lớp học làm phông được kẻ nắn nót ba chữ “lễ khai giảng năm học 2014 - 2015” bằng phấn trắng. Ít ngày sau, nhóm phóng viên chúng tôi đã đi tìm ra tung tích của điểm trường trong ảnh gây “bão mạng” trong mùa khai trường năm ấy để rồi sau đó một điểm trường khang trang mọc lên thay cho điểm trường cũ xập xệ.

Chưa hết, cũng trong một lễ khai trường ở Tây Bắc, mọi người đã chứng kiến hình ảnh thầy trò ở khu vực Nậm Ngà (xã Tà Tổng, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) phải khai giảng bên bờ suối vì chỉ có bãi cát bên suối ấy đủ rộng để có thể tập trung đông đủ học sinh…

Chúng tôi đã đặt chân đến những điểm trường rẻo cao như thế. Và rồi công việc cứ cuốn đi, cho đến khi vào những dịp như tháng 11- tháng tri ân thầy cô như thế này lại thấy tâm tư ngổn ngang. Nhìn những trường học ở đô thị háo hức với rực rỡ hoa tươi thì tâm hồn chúng tôi lại hướng vọng về những xóm bản vùng biên viễn hay bao làng chài chênh vênh nơi đầu sóng. Ở đó giấc mơ của các em học sinh đôi khi chỉ là một bữa cơm no, một manh áo ấm, một đôi ủng nhựa, một chỗ ngồi học không gió lùa mưa dột! Những thầy cô chỉ mơ ước có một đoạn đường núi đi được bằng xe máy thay vì lội bộ hàng buổi đi đường.

Và còn một sự thật đau đớn hơn là đã khi nào chúng ta thống kê trong hàng chục năm qua, bao nhiêu thầy cô giáo đã nằm lại với rừng già vì sự nghiệp khai mở văn hóa cho vùng đồng bào thiểu số? Bao thầy cô đã ra đi vì ngã bệnh sốt rét rừng? Bao năm nay mỗi mùa mưa lũ, lại nghe thấy nơi này nơi kia những giáo viên bị lũ ống cuốn trôi trên đường đi dạy…

Trên hành trình miệt mài thắp lên ánh sáng tri thức giữa làng bản nơi rừng núi ấy, không ít thầy cô giáo đã trả giá bằng chính mạng sống của mình, và dựng những tượng đài im lặng giữa non cao bằng chính cuộc đời mình!

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc