Multimedia Đọc Báo in

Gian nan “gieo chữ” trong đại dịch

08:03, 08/12/2021

Bình thường, việc dạy và học trực tiếp tại trường ở khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) đã gặp nhiều khó khăn, thiếu thốn thì trong đại dịch COVID-19 lại càng thêm trắc trở. Để thích ứng với tình hình mới, ngành giáo dục của huyện Krông Búk đã nỗ lực, linh động nhiều giải pháp.

Thầy Phạm Thành Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Búk cho biết, bước vào năm học mới 2021 - 2022 cũng là thời điểm dịch COVID-19 bùng phát mạnh trên địa bàn, tất cả 29 trường học của huyện (gồm 10 trường THCS và 19 trường tiểu học) đều phải áp dụng việc dạy và học gián tiếp. Khi triển khai nhiệm vụ, các trường đối mặt với nhiều khó khăn.

Để học trực tuyến, học sinh buộc phải có máy tính, hoặc smartphone được kết nối đường truyền Internet ổn định. Nhưng qua khảo sát đến nay, khối tiểu học mới chỉ có 70,84% và khối THCS có 85,68% học sinh cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Vì vậy, ngành giáo dục và đào tạo huyện đã tổ chức song song cả hình thức dạy học trực tuyến và giao bài đến tận nhà cho số học sinh còn lại.

Cô Nguyễn Thị Hồng Luận, giáo viên Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) hướng dẫn học sinh khi đến giao bài.

Trường THCS Phan Bội Châu hiện có 497 học sinh đến từ các xã Cư Pơng, Cư Né, Cư Kpô và Ea Sin (huyện Krông Búk). Thực hiện chủ trương của cấp trên về áp dụng hình thức dạy học trực tuyến, nhà trường đã khéo léo tuyên truyền, vận động phụ huynh (tùy điều kiện) trang bị máy tính hoặc điện thoại thông minh kết nối Internet đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh, tránh gây áp lực về kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Ban Giám hiệu nhà trường cũng tổ chức các lớp tập huấn về công nghệ thông tin, ứng dụng phần mềm dạy trực tuyến cho đội ngũ giáo viên, đáp ứng yêu cầu dạy học.

 

Thầy Phạm Thành Ngọc, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Búk cho biết, ngoài việc tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng, bổ sung kiến thức cho đội ngũ giáo viên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện còn lập nhóm Zalo kết nối trực tiếp với hiệu trưởng các trường để kịp thời chỉ đạo, đôn đốc, xử lý những phát sinh trong quá trình dạy và học.

Thầy Đoàn Văn Khiên, Hiệu trưởng nhà trường cho hay, nhằm đảm bảo chất lượng dạy và học trực tuyến, Ban Giám hiệu nhà trường thành lập tổ kiểm tra, thường xuyên giám sát, tham gia dự giờ các lớp, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của giáo viên và học sinh. Qua đó thấy chất lượng giảng dạy được đảm bảo, nhiều giáo viên còn tìm tòi, ứng dụng những cách dạy hay và chia sẻ cho đồng nghiệp, tạo nên sự đồng bộ, hiệu quả.

Điển hình như cô Lê Thị Thanh Hằng (dạy môn Toán khối lớp 6) đã ứng dụng phần mềm bút viết bảng trực tuyến (XP-Pen Deco mini) vừa dễ thao tác, lại giúp học sinh tương tác trực tiếp với giáo viên, tạo hứng thú cho các em trong quá trình học bài. Nếu như đầu năm, nhà trường khảo sát chỉ có 61% học sinh đáp ứng yêu cầu về thiết bị để học trực tuyến, thì đến nay đã đạt 100%.

Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái (xã Cư Pơng) có 647 học sinh (trong đó 68,7% số học sinh là người DTTS, 30% thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo). Qua khảo sát đầu năm học thì toàn trường chỉ có 50% số học sinh được gia đình trang bị máy tính, hoặc smartphone kết nối Internet để học trực tuyến. Trước thực tế đó, nhà trường đã đề xuất Phòng Giáo dục và Đạo tạo huyện Krông Búk cho linh động dạy song song hai hình thức: trực tuyến qua mạng Internet cho 50% số học sinh của trường và giao bài đến tận nhà cho các em còn lại.

Theo cô Vũ Thị Vân, Hiệu trưởng nhà trường, khó khăn nhất trong việc dạy học gián tiếp là đối với học sinh khối lớp 1. Đa phần các em người DTTS chưa đọc và viết được chữ cái tiếng Việt, trong khi lại không nói tiếng phổ thông. Khi dạy học trực tiếp trên trường, các thầy cô rất vất vả vừa dạy tiếng vừa cầm tay uốn nắn cho các em từng nét chữ. Dạy bằng hình thức giao bài thì rất khó để các em đọc và viết được, giáo viên gọi điện thoại trao đổi với phụ huynh thì họ ít khi bắt máy.

Giáo viên Trường Tiểu học Lê Lợi (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk) đang dạy học trực tuyến. Ảnh: Như Quỳnh

Cô Nguyễn Thị Thu Hà, giáo viên lớp 4C, Trường Tiểu học Phạm Hồng Thái chia sẻ: Cư Pơng là xã vùng sâu, vùng xa, nên đường truyền Internet ở nhiều khu vực rất yếu và thiếu, khó đáp ứng được yêu cầu dạy - học trực tuyến. Trong khi đa phần học sinh đều sử dụng điện thoại cũ, cấu hình thấp mượn tạm của bố mẹ, nên quá trình học trực tuyến hay bị thoát ra giữa chừng, hoặc không nghe, không nhìn thấy giáo viên giảng bài. Ngoài việc dạy trực tuyến, hằng ngày cô Hà còn tranh thủ thời gian soạn bài và in ra giấy để cuối tuần mang đến tận nhà giao cho học sinh học, rồi lại thu bài cũ để chấm điểm. Do nhà học sinh ở cách xa nhau, đường sá đi lại khó khăn, có thời điểm nhiều cụm dân cư còn bị cách ly y tế… nên mỗi lần giáo viên đi giao bài và trao đổi việc học tập cho các em rất vất vả.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.