Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý, bảo vệ và phát triển rừng: Giữ rừng gắn với sinh kế đồng bào dân tộc thiểu số (kỳ 3)

10:51, 02/08/2023

Kỳ cuối: Giữ rừng để thêm sinh kế cho dân

Phải thẳng thắn rằng, với nguồn lực còn hạn chế và một số bất cập, vướng mắc về chính sách như hiện nay thì công tác quản lý, bảo vệ (QLBV) rừng quả là nhiệm vụ nặng nề. Để bảo vệ rừng bền vững thì ngành lâm nghiệp cần những cơ chế mở để “cởi trói”. Cùng với đó là những mô hình mới, cách làm hay để người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) cùng giữ rừng, sống được với rừng.

Cần cơ chế đột phá để bảo vệ rừng

Như đã nói, Chỉ thị số 13-CT/TW, ngày 12/1/2017 của Ban Bí thư về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác QLBV và phát triển rừng" đã tạo ra "lá chắn" vững vàng cho những cánh rừng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, trong quá trình thực hiện vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, cấp ủy, chính quyền địa phương một số nơi, nhất là cấp xã chưa thực hiện đầy đủ công tác quản lý nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp, còn xem bảo vệ rừng là của chủ rừng và các ngành chức năng; sự phối hợp giữa các ngành, các cấp có lúc thiếu chặt chẽ, chưa thường xuyên, liên tục và chưa hiệu quả.

Công tác trồng rừng, phát triển các mô hình lâm nghiệp theo chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến, tiêu thụ còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh. Việc thực hiện xử lý thu hồi đất lâm nghiệp để trồng lại rừng đến nay rất khó tổ chức thực hiện.

Bên cạnh đó, Trung ương và địa phương chưa đủ nguồn lực để giải quyết đồng bộ hài hòa các vấn đề liên quan đến công tác QLBV rừng và phát triển rừng, như: bố trí sắp xếp, ổn định dân cư, giải quyết đất sản xuất, đất ở, việc làm cho người dân sống gần rừng, phát triển kinh tế xã hội khác liên quan đến rừng, đất rừng và thiếu kinh phí để bảo vệ rừng tự nhiên.

Lực lượng kiểm lâm cùng người dân tuần tra, bảo vệ rừng thuộc lâm phần rừng phòng hộ Núi Vọng Phu (huyện M'Drắk). Ảnh: M. Thông

Theo các nhà quản lý về lâm nghiệp, từ thực tiễn trên, Nhà nước cần có những giải pháp tháo gỡ khó khăn từ hành lang pháp lý, đặc biệt là đối với những diện tích rừng quy hoạch chồng lấn lên diện tích canh tác của người dân, hoặc là những hiện tượng qua mua, bán, chuyển nhượng… đất lâm nghiệp.

Những vấn đề này cần sự tháo gỡ căn cơ từ luật và chỉ đạo từ Trung ương, bộ ngành liên quan nhằm kích hoạt những tiềm năng của tài nguyên rừng. Nguyên Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn cho biết, ngoài 6 nội dung của Chỉ thị 13, cần bổ sung thêm một số chính sách đặc thù về định hướng phát triển lâm nghiệp bền vững vùng Tây Nguyên, như phát triển lâm sản dưới tán rừng, đặc biệt là đặc sản và cây dược liệu. Đồng thời, đẩy mạnh các dịch vụ môi trường rừng cùng với việc hình thành tín chỉ carbon rừng; cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững.

 

“Để bảo vệ, phát triển rừng bền vững thì cần khôi phục một số tập quán tốt, "văn hóa" ứng xử với rừng của đồng bào dân tộc thiểu số, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của bà con để giải quyết hợp lý những vấn đề phát sinh từ thực tiễn” - ông Hoàng Xuân Lương, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc.

Theo ông Nguyễn Hoài Dương, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung ương cần có nghị quyết về QLBV, phát triển rừng, từ đó thể chế hóa thành các cơ chế, chính sách, các quy định cụ thể để hỗ trợ, tạo điều kiện thực hiện tốt các nhiệm vụ, không chỉ là QLBV và quan trọng hơn là phát huy tiềm năng, giá trị kinh tế của rừng và đất rừng; giải quyết đồng bộ được các vấn đề an sinh xã hội việc làm, thu nhập cho bà con sống ở gần rừng.

Tỉnh Đắk Lắk cũng kiến nghị Trung ương cho phép sử dụng hợp lý một phần đất lâm nghiệp không có rừng để bố trí đất sản xuất cho người dân, góp phần đảm bảo đời sống gắn với bảo vệ, phát triển rừng lâu dài; sớm bổ sung, hoàn thiện, ban hành các cơ chế, chính sách về quản lý, sử dụng đất đai, tài nguyên rừng, giải quyết các vướng mắc liên quan đến chuyển đổi rừng, cải tạo rừng; có chính sách đặc thù để hỗ trợ phát triển sản xuất cho hộ dân di cư tự do tại các dự án bố trí, sắp xếp ổn định dân cư để phấn đấu đến năm 2025 cơ bản không còn tình trạng dân di cư tự do; nâng mức hỗ trợ cho công tác QLBV, phát triển rừng để người dân, doanh nghiệp yên tâm gắn bó với nghề rừng…

Để người dân sống gắn bó, hạnh phúc với rừng

Theo ông Trần Quang Bảo, Phó Tổng cục trưởng, Tổng cục Lâm nghiệp, trong thời gian qua, Đảng và Chính phủ rất quan tâm đến việc khôi phục và phát triển rừng Tây Nguyên. Nhưng song hành với đó thì cũng cần phải phát huy giá trị đa dụng của rừng, bao gồm du lịch sinh thái, chuyển nhượng carbon, canh tác nông lâm kết hợp với phát triển bền vững… Đặc biệt, phải ổn định sinh kế và gắn việc bảo vệ rừng với cuộc sống của người dân, đặc biệt là người dân sống gần rừng. Giải bài toán này là thách thức không nhỏ.

Nhiều diện tích rừng đã bị "xóa sổ" để lấy đất sản xuất. Ảnh: Vạn Tiếp

Về vấn này, nguyên Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hoàng Xuân Lương khuyến nghị, Luật Lâm nghiệp cần được sửa đổi để bên cạnh tham gia công tác bảo vệ rừng, người dân được sử dụng các mô hình dưới tán rừng kể cả rừng đặc dụng, rừng phòng hộ nhằm phát triển mô hình kinh tế rừng.

Một giải pháp khác là Chính phủ nên nghiên cứu phương thức trong bối cảnh kiểm lâm đang thiếu lực lượng thì nên sử dụng ngay bà con người DTTS tại chỗ để họ tham gia giữ rừng và trở thành một nghề của họ với thu nhập xứng đáng. Đặc biệt, để đảm bảo sinh kế bền vững, Đảng, Nhà nước phải biến chính sách giải quyết đất sản xuất thành một chính sách lớn hơn. Đó là chính sách giải quyết đất và chuyển đổi nghề nhằm đảm bảo sinh kế cho đồng bào DTTS.

Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Thu Huyền, điều phối viên quốc gia Chương trình tài trợ các dự án nhỏ Quỹ Môi trường toàn cầu phát triển Liên hiệp quốc (UNDP), trong quá trình thực hiện chương trình ở Việt Nam 20 năm qua, điều rất trăn trở là đời sống người dân, nhất là đồng bào DTTS sống trong rừng, gần rừng đang rất khó khăn.

Tại Đắk Lắk đã có nhiều thành quả tích cực trong giao đất, giao rừng, bảo đảm sinh kế cho người dân gắn với rừng. Tuy nhiên, để công tác này bền vững hơn, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, bởi thực tế là hiện nay rừng vẫn mất, người dân vẫn nghèo.

Điều quan trọng nhất để làm tốt công tác QLBV, phát triển rừng thì phải làm sao để người dân yêu rừng hơn và sống vui vẻ, hạnh phúc với rừng. Khi đó, họ sẽ sống gắn bó với rừng, cùng nhau bảo vệ những giá trị văn hóa đặc sắc của mình gắn với rừng. Muốn thế, bên cạnh tạo điều kiện phát triển kinh tế thì cũng cần thúc đẩy các hoạt động văn hóa và phát huy được tính cộng đồng của đồng bào DTTS và giữa các cộng đồng với nhau, tạo nên sự đồng lòng, tập trung các nguồn lực trong vấn đề này.

Cao Minh Giang


Ý kiến bạn đọc