Multimedia Đọc Báo in

Chuyện về người quản lý Đền thờ liệt sỹ thôn Kiên Cường

10:22, 04/05/2016
Tôi được gặp ông Lê Hải Nam trong một lần đi lấy tư liệu viết bài về thôn căn cứ cách mạng Kiên Cường (thôn 1, xã Hòa Thuận, TP. Buôn Ma Thuột).
 
Ấn tượng về người quản lý Đền thờ liệt sỹ tận tâm, sống trọn nghĩa vẹn tình đã thôi thúc tôi tìm gặp lại ông để tìm hiểu rõ hơn về người lính đặc công từng chiến đấu ở vùng đất Kiên Cường và mang ơn sự che chở, đùm bọc của người dân khiến ông đã trở lại nơi đây định cư xây dựng gia đình.

Sinh năm 1949, quê ở xã An Lão, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam; nhập ngũ tháng 9-1969, được điều động vào Đại đội 309, rồi làm Đại đội Trưởng Đại đội 308, Tiểu đoàn Đặc công 401 ở Đắk Lắk; đến tháng 10-1974 được điều sang làm công tác cần vụ cho đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Huỳnh Văn Cần; năm 1976 ông chuyển công tác sang Liên đoàn Lao động tỉnh; năm 1985 làm Chủ tịch Liên đoàn Lao động huyện Ea Kar cho đến năm 1993 thì nghỉ hưu..., đó là đôi nét về quãng thời gian hoạt động, công tác của cựu chiến binh Lê Hải Nam. Nhắc đến những thời khắc vào sinh ra tử, người cựu binh đặc công già bỗng sôi nổi hẳn lên như được quay ngược trở lại những năm tháng chiến đấu hào hùng.

Vợ chồng ông Lê Hải Nam cùng “bộ sưu tập” các huân, huy chương kháng chiến.
Vợ chồng ông Lê Hải Nam cùng “bộ sưu tập” các huân, huy chương kháng chiến.

“Nhiệm vụ của một người lính đặc công tưởng chừng đơn giản nhưng lại hết sức nguy hiểm: có lúc phải hóa trang, trà trộn, có lúc lại phải vượt qua tầng tầng dây thép gai chằng chịt cài nhiều mìn để đột nhập vào căn cứ của địch. Rồi những lần phải luồn sâu, bất ngờ đánh địch từ trong đánh ra; những lần được tăng cường phối hợp với lực lượng đặc công nước để phá tàu của địch...”, ông bồi hồi nhớ lại.

Không tính nổi đã tham gia bao nhiêu trận đánh nhưng có những trận khắc sâu trong tâm trí, dù cho hơn 40 năm trôi qua ông vẫn cảm giác như mới diễn ra hôm nào... “Còn nhớ, có lần tôi cùng một đồng đội được cử đi dò xét cơ sở địch. Lần ấy chúng tôi đóng vai người dân vào tụ điểm ăn chơi của bọn chúng ở khu vực Ngã Sáu, khi đang thực hiện nhiệm vụ thì bị địch phát hiện. Hai anh em chia đường bỏ chạy, bị bọn chúng lấy xe Jeep đuổi theo. Chúng tôi cứ chọn đường tắt, đường nhỏ mà chạy, bọn địch chạy ôtô nên đuổi theo rất khó. Tôi chạy đến đoạn gần UBND tỉnh bây giờ - khi ấy nơi này có vườn chuối rất lớn – liền trốn vào đó. Lúc đó tôi đã cởi áo vứt đi rồi, mình trần (đã bôi đất bùn đen để cải trang từ trước khi đi thực hiện nhiệm vụ, chỉ để chừa lại mặt và đôi bàn tay), nằm rạp, nép mình trong gốc bụi chuối. Bọn chúng tìm đến, sục sạo một lúc lâu, bắn vu vơ khắp vườn, có tên còn đứng ngay sát bụi chuối tôi đang nấp, thế mà không phát hiện ra. Lại có lần, tôi được giao nhiệm vụ cùng các đồng chí khác đi đánh ở đồi Cư M’gar (thị trấn Quảng Phú). Chúng tôi xuất phát từ 4 giờ chiều ở xã Cư Êbur (khi ấy có trạm giao liên, hậu cứ an toàn của ta), đi bộ băng qua vườn cà phê, vườn cam, lội qua suối rồi tiến về phía đồi Cư M’gar. Trên đó bọn địch có một trung đội pháo, có hai khẩu 105 ly và với 5 mũi tiến công, nhiệm vụ của chúng tôi là phá hủy hai khẩu pháo đó. Nhóm của tôi được phân công tiến vào trước, đến ngay chỗ trạm gác tôi phối hợp cùng một đồng đội nữa đánh úp phía sau, bắt được hai tên lính gác, tước vũ khí và lấy trang phục của bọn chúng để cải trang rồi vào kêu đám lính gác khác của địch thay đổi đợt gác, rồi lại tiến hành bắt đám lính đó tiếp. Sau đó các tổ khác của ta tiến vào, đặt mìn để phá hủy khẩu pháo đầu tiên và tiếp đó đánh vào khu vực điện đàm. Các mũi khác của ta tiếp tục tấn công vào, không chế và làm chủ trận địa từ lúc 2 giờ sáng. Đến hơn 4 giờ sáng hôm sau chúng tôi được lệnh rút đi về tại vườn cam nghỉ ngơi trong tiếng pháo gầm vang của địch. Và ngay lúc đó (tháng 9-1972), chính tại vườn cam này, tôi vinh dự được kết nạp Đảng”.

Những câu chuyện kể cứ đan xen, giữa bao gian khổ là kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình quân dân… “Trong thời gian tôi là bộ đội đặc công đã từng cùng đồng đội chiến đấu, bảo vệ lá cờ của ta được tung bay trong vùng địch tại mảnh đất Kiên Cường này. Được người dân thôn Kiên Cường che chở, đùm bọc, tôi không thể nào quên và luôn biết ơn tình cảm của bà con dành cho cách mạng, cho cán bộ, chiến sĩ chúng tôi. Nơi đây 3 đồng đội của tôi đã hy sinh trong những ngày khói lửa ác liệt ấy. Mình còn sống, được hưởng hòa bình, độc lập là niềm hạnh phúc hơn bao người...”, giọng ông nghẹn ngào.

Còn sống, được hưởng hòa bình, độc lập là niềm hạnh phúc hơn bao người – với tâm niệm đó, dù trong bất cứ cương vị nào ông đều nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ. Và đồng hành cùng với ông là người bạn đời hợp duyên từ thuở còn hàn vi, bà chính là cô giao liên Nguyễn Thị Trưng, người con của mảnh đất Kiên Cường đã cùng bà con bám trụ đấu tranh năm nào... Sau khi nghỉ hưu, ông tiếp tục tham gia làm Bí thư Đảng ủy xã (được Thành ủy đề nghị làm giúp một khóa để củng cố tổ chức, đào tạo lớp người kế cận), rồi làm Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ thôn, rồi Trưởng ban công tác Mặt trận, Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh của thôn... Với phương châm “làm trước, nói sau”, gương mẫu đi đầu, ông rất được dân tin, dân quý. Khi Đền thờ liệt sỹ thôn Kiên Cường được xây dựng và khánh thành, ông đã xin được làm quản lý Đền thờ để ngày ngày nhang khói, chăm lo cho vong linh các anh hùng liệt sỹ được chu đáo, ấm cúng. Với ông, được cống hiến sức mình cho xã hội, sống trọn nghĩa vẹn tình là điều hạnh phúc và thanh thản nhất...

Lan Anh

 


Ý kiến bạn đọc