Multimedia Đọc Báo in

Chuyện giải phóng Trường Sa của những "Yết Kiêu" thời đại Hồ Chí Minh

11:00, 01/05/2016
41 năm trước đây, vào ngày 14-4-1975, những người lính đặc công Hải quân Đoàn 126 và Quân khu 5 đã giải phóng đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa). Họ được ví như những “Yết Kiêu” thời đại Hồ Chí Minh trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền biển, đảo, thềm lục địa của Tổ quốc.
 
Một trong những “Yết Kiêu” trực tiếp tham gia chiến đấu ngày ấy là Thiếu tướng Mai Năng - người trực tiếp chỉ huy đoàn quân Đặc công nước vượt biển ra giải phóng Trường Sa năm 1975.
Bộ đội Đặc công Hải quân luyện tập trên biển.
Bộ đội Đặc công Hải quân luyện tập trên biển.
 
Thiếu tướng Mai Năng tên thật là Tạ Văn Thiều. Ký ức về chuyến hải trình trên biên đội tàu không số vượt biển đi giải phóng Trường Sa cách đây 41 năm vẫn in đậm trong vị tướng một thời trận mạc: “Lớp chúng tôi ngày ấy nói đi Trường Sa là hăng hái lắm. Khi nhận được kế hoạch giải phóng Trường Sa, chúng tôi lên đường không hề do dự gì dù biết rằng mình có thể sẽ phải hy sinh”. Đêm ngày 10-4-1975, 300 chiến sĩ đội 1 Đoàn 126 Đặc công Hải quân cùng các lực lượng Quân khu 5 đi trên ba chiếc tàu không số phiên hiệu 673, 674, 675 được cải trang thành “tàu đánh cá” xuất phát từ cảng Sơn Trà (Đà Nẵng) thẳng tiến hướng Trường Sa. Thiếu tướng Mai Năng, lúc đó còn là Trung tá, đi trên tàu 675 giữ chức chỉ huy biên đội tàu. Biên đội tàu nhận chỉ thị: “Chúng ta phải bằng bất cứ giá nào, tranh thủ thời cơ có lợi giải phóng Quần đảo Trường Sa. Trận này ta không thể đánh theo cách của đặc công nước, phải đánh trinh sát vũ trang, có chỗ phải dùng hỏa lực. Khi giải phóng rồi phải tổ chức lực lượng phòng thủ đảo ngay và tiếp tục giải phóng các điểm đảo khác”. 
 
Xác định đây là trận đánh quan trọng đến sinh mệnh của Trường Sa, Trung tá Mai Năng băn khoăn, trăn trở tìm cách làm thế nào để giải phóng Trường Sa mà ít hy sinh, đổ máu nhất. Cuối cùng ông đã tìm ra giải pháp “đánh địch vượt cạn trên biển”. Ông Năng giải thích: “Vì bộ đội đặc công chỉ quen đánh địch đổ bộ sông biển, nhưng địa hình ở đây là đảo, sóng lớn nên đánh được địch phải vượt biển, tránh sóng, thắng được địch trên đảo phải áp dụng chiến thuật tiến công, chốt chặn, ẩn nấp. Chiến thuật đánh vượt cạn trên biển là vậy”.
 
Rạng sáng 13-4-1975, biên đội tàu đã đến vùng biển Song Tử Tây. Trung tá Mai Năng mở tấm hải đồ Trường Sa, chỉ tay vào một điểm, dõng dạc: “Đây là đảo Song Tử Tây, chúng ta hiện đang ở tọa độ này … Tàu sẽ bí mật vào cách đảo 4 hải lý. Nếu điều kiện cho phép cứ vào sát nữa, vòng quanh đảo tìm vị trí đổ bộ”. Mệnh lệnh đanh thép từ người chỉ huy dày dạn trận mạc như tiếp thêm sức mạnh chiến đấu cho từng chiến sĩ. Đến 1 giờ sáng 14-4-1975, biên đội tàu 673, 674, 675 đã bí mật tiếp cận đảo Song Tử Tây cách 3 hải lý. Nhìn từ phía biển, Song Tử Tây là đảo san hô khá lớn bập bềnh trong sóng lớn, trên đảo phát ra vài quầng sáng yếu ớt của mấy ngọn đèn bảo vệ trên từ các lô cốt. Đây là thời cơ thuận lợi để hạ xuồng cho quân bí mật áp sát đảo, làm bàn đạp để tiến công, mệnh lệnh “thả xuồng” được truyền đi từ đài chỉ huy. Tàu 673 nhanh chóng quay mũi về hướng Bắc để giữ bí mật, chọn chiều gió, hướng sóng thuận lợi để tàu đổ bộ. Tàu 674, 675 ở phía Tây và phía Bắc đảo tiếp ứng cho quân đổ bộ, sẵn sàng đánh chặn tàu địch từ phía ngoài. Cuộc chiến đấu bắt đầu. Lợi dụng thủy triều xuống thấp, tàu 673 khẩn cấp cho các chiến sĩ bí mật tiếp cận đảo. Mặc dù thủy triều xuống thấp thuận lợi cho bộ đội cơ động song cũng mất hơn 3 giờ mới tiếp cận được đảo. Các chiến sĩ nhanh chóng lợi dụng địa hình, địa vật bí mật sẵn sàng chờ lệnh nổ súng.
 
Sau khi 38 cán bộ, chiến sĩ phân đội 1 bí mật bò sát mép đảo vào vị trí chiến đấu, đội trưởng Nguyễn Ngọc Quế hạ lệnh “nổ súng”, một loạt đạn DKZ bắn thẳng vào lô cốt, ụ súng địch. Những tiếng hô “xung phong” vang dậy khắp đảo. Hỏa lực từ tàu 673 tới tấp nã vào các mục tiêu. Bị tấn công bất ngờ, địch chống trả quyết liệt, đại liên từ các lô cốt bắn ra như mưa. B40, B41 của các chiến sĩ đặc công tập trung bịt họng các ổ đề kháng của địch và nhanh chóng đánh chiếm sở chỉ huy, làm chủ điện đài. Ông Năng xúc động nhớ lại: “Cuộc chiến đấu diễn ra rất oanh liệt. Các chiến sĩ trẻ rất dũng cảm, thương vong không đáng kể.  Lá cờ của Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam được chiến sĩ Lê Xuân Phát kéo lên đỉnh cột cờ trước bia chủ quyền, tung bay trên đảo Song Tử Tây. Lúc đó là 5 giờ 15 phút ngày 14-4-1975”.
 
Chiến thắng đảo Song Tử Tây (Quần đảo Trường Sa) đã tạo tiền đề để quân ta tiếp tục giải phóng các điểm đảo khác và ghi thêm một dấu son trong lịch sử Đoàn 126 Đặc công Hải quân – “đội rái biển đặc biệt” với những “Yết Kiêu” thời đại Hồ Chí Minh gan dạ, kiên cường. Nửa thế kỷ ra đời chiến đấu và trưởng thành, Đặc công hải quân đã đắp xây lên truyền thống “Anh dũng mưu trí, khắc phục khó khăn, đoàn kết hiệp đồng, chiến đấu liên tục”, luôn lấy mục tiêu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo làm nhiệm vụ chính trị trọng tâm.
 
 Mai Thắng

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.