Multimedia Đọc Báo in

Hồi ức của những người con vùng căn cứ cách mạng

21:49, 29/04/2013

Theo dòng lịch sử ghi lại, vào cuối năm 1966, xã Quảng Thái, huyện Quảng Điền (Thừa Thiên Huế) trở thành vùng căn cứ địa cách mạng. Mảnh đất và con người nơi ấy trở thành một khúc trường ca về tinh thần quả cảm, trung thành với cách mạng. Hiện, những người con Quảng Thái với bản tính chịu thương, chịu khó đi khắp nơi lập thân, lập nghiệp vẫn không bao giờ quên cái thời cõng gạo nuôi quân trong những căn hầm bí mật.

Nhớ thời cõng gạo nuôi quân

Bà Hoàng Thị Soạn lau chùi  Bằng Tổ quốc ghi công.
Bà Hoàng Thị Soạn bên Bằng Tổ quốc ghi công.

Trong một chuyến công tác về xã Ea Hu (Cư Kuin) tôi có dịp gặp gỡ, trò chuyện với bà Hoàng Thị Soạn, Văn Thị Óc và Phạm Thị Đúc. Mặc dù các mệ (từ thường dùng của người dân xứ Huế đối với những người phụ nữ cao tuổi) đã bước sang tuổi thất thập cổ lai hy rồi nhưng vẫn còn nhớ như in thời lửa đạn chiến tranh dội xuống quê mình. Trong hồi ức của mệ Soạn, lúc mệ sinh cu Đức (tên gọi người con trai cả) là thời gian bắt đầu mệ tham gia cách mạng. Công việc lúc đó của mệ là nấu cơm gói vào lá chuối và một ít muối hạt để phục vụ du kích hoạt động tại làng. Lúc ấy, mệ chỉ biết cấp trên lệnh cho mình chuẩn bị bao nhiêu nắm cơm là mệ làm, còn đối với những người hoạt động cách mạng trong nhà mệ, tên tuổi, quê quán ở đâu mệ cũng như những người thân không hề biết đến. Mệ giải bày, lúc đó mình chỉ biết tiếp tế lương thực thực phẩm để quân cách mạng có sức mà chiến đấu, chỉ nghĩ đến mục tiêu thống nhất 2 miền Nam - Bắc, chứ không nghĩ đến việc gì khác nữa. Cho đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng, một số chiến sĩ cách mạng trước đây từng sống tại hầm bí mật của gia đình quay lại thăm, họ kể lại thì mệ mới biết họ tên là gì và ở đâu. Cũng như mệ Soạn, mệ Óc từng một thời cõng gạo trên 20 cây số để nuôi bộ đội. Mệ cho biết, ban ngày tụi tui (nói về những người cõng gạo như mệ) vẫn đi cắt cỏ chăn trâu, cắt tranh về lợp nhà, còn ban đêm, tầm khoảng 7 giờ tối lại hành quân cõng gạo cho bộ đội. Bữa nào may mắn, qua được chốt của địch thì về đến nhà sớm, nếu địch kiểm soát chặt quá, có khi qua 12 giờ đêm mới hoàn thành nhiệm vụ cấp trên giao. Đối với những lúc gia đình mệ bị địch nghi ngờ nuối giấu cộng sản, lùng soát trong nhà, mệ đành phi tang bằng cách đốt hết quân trang quân dụng, cơm đùm cơm gói cũng phải chôn sâu dưới lòng đất để địch không có chứng cứ. Vào năm 1968, cả làng Quảng Thái bị đốt cháy vì địch phát hiện việc nuôi giấu cách mạng, nhiều người dân trong làng bị bắt vào trại tập trung của địch. Ở trại tập trung, địch bắt người dân phải tăng gia sản xuất để cung cấp lương thực thực phẩm cho bọn chúng. Lúc ấy, người dân Quảng Thái vẫn ngoan cường đối phó với địch, ngày ngày vẫn sản xuất, nhưng qua đó nghe ngóng thông tin của quân cách mạng. Khi địch càng kiểm soát gắt gao, ráo riết thì dường như trong lòng dân Quảng Thái càng phẫn nộ, uất ức, thế là hàng loạt “cái khôn” đã ló ra. Mệ Óc kể tiếp, địch bắt các mệ đi cắt cỏ, các mệ vẫn thực hiện, nhưng phía dưới những gánh cỏ tranh các mệ xếp toàn nhu yếu phẩm, thuốc men, chờ lúc địch lơ là để vận chuyển đến vùng căn cứ, tiếp tế cho bộ đội.

Không đầu hàng trước đòn roi của giặc

Bà Phạm Thị Đúc kể lại chuyện bị địch bắt  lên máy bay.
Bà Phạm Thị Đúc kể lại chuyện bị địch bắt lên máy bay.

Tiếp chuyện với tôi trong căn nhà tình nghĩa, với chất giọng rất Huế, mệ Đúc say sưa kể: những năm xã Quảng Thái trở thành vùng căn cứ cách mạng, nhà mệ là một trong những nơi cất giấu nhu yếu phẩm từ các nơi chuyển về. Do vậy, để bảo đảm bí mật, ban ngày mệ và 3 đứa con nhỏ vẫn sống và sinh hoạt tại nhà, nhưng khi màn đêm xuống, mệ phải tay bồng tay bế đưa con đi gửi nhà khác. Sau khi gửi con, mệ lại quay về nhà tiếp nhận lương thực cho vào hầm bí mật, khi nào cách mạng cần thì vận chuyển tiếp. Trong nhiều năm hoạt động cách mạng, mệ Đúc nhớ nhất là lần bị địch bắt lên máy bay, tra tấn để lấy lời khai. Mệ thỏ thẻ “không biết khi đó mệ gan chi mà gan lắm rứa”, mặc dù bị địch bắt, bị tra tấn, dọa dẫm, nhưng mệ không hề nao núng, vẫn cương quyết trả lời với địch mệ không biết gì về cộng sản. Sau 2 ngày giam giữ, không khai thác được thông tin gì từ mệ nên địch phải thả về. Sau đợt địch nghi ngờ, mệ và các đồng đội khác hoạt động bí mật hơn. Với mỗi lần vận chuyển tiền, mệ phải vo tròn bỏ vào đòn gánh; với thư từ bí mật mệ gói vào điếu thuốc lào, vờ vừa đi vừa hút, khi nghe tín hiệu của quân ta mệ nhanh chóng đổi chiếc điếu cho họ. Kể về địch, giọng mệ đầy uất ức, căm phẫn; nhưng khi nhớ lại giây phút đồng đội hy sinh, giọng mệ chùng xuống, hai hàng nước mắt lăn dài trên khuôn mặt đầy nếp nhăn. Mệ kể: con Huê (liệt sĩ Nguyễn Thị Huê) người bé hơn tui nhưng mỗi lần vận chuyển quân phục, nó mang được 6 bộ trong người, còn tui chỉ mang được 4 bộ. Con Huê nó nhỏ mà lanh lẹ lắm, khi nào được giao nhiệm vụ nó cũng hoàn thành xuất sắc. Thế nhưng, Huê ngã xuống cũng đau đớn lắm, bị địch phát hiện chúng đã đưa Huê ra xử bắn. Cái chết của người bạn cùng đường bao nhiêu năm vượt phá Tam Giang vận chuyển quân phục với mệ khiến lòng mệ quặn thắt. Sự hy sinh của đồng đội không làm mệ chùn bước mà càng dấy lên lòng căm thù địch. Mệ vẫn làm nhiệm vụ tiếp nhận lương thực, vận chuyển lương thực, quân trang cho cách mạng đến khi đất nước hoàn toàn giải phóng.

Vẻ mặt buồn rầu của bà Óc khi nhắc đến sự hy sinh  của người chồng.
Vẻ mặt buồn rầu của bà Óc khi nhắc đến sự hy sinh của người chồng.

Những hồi ức của các mệ, các chị chắc chẳng bao giờ khép lại, cũng như những trang sử oanh liệt, hào hùng của dân tộc Việt Nam trong các thời kỳ đánh giặc cứu nước. Chiến tranh qua đi, những người con từng một thời đi qua lửa đạn chiến tranh, nay đang ngày ngày nỗ lực xây dựng quê hương trên những vùng đất mới ngày càng giàu đẹp. Trong lòng họ, dù đi đâu, về đâu, Quảng Thái vẫn là nơi chôn nhau cất rốn là vùng đất anh hùng, quả cảm, là niềm tự hào khi kể cho thế hệ con cháu về truyền thống lịch sử quê nhà.

Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(Video) Lan tỏa phong trào xóa nhà tạm, nhà dột nát
Nhờ sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và chung tay ủng hộ của nhân dân, ước mơ về căn nhà khang trang của rất nhiều hộ nghèo tại tỉnh Đắk Lắk đã trở thành hiện thực.