Multimedia Đọc Báo in

Kỷ niệm một thời về chiến trường xưa

08:40, 30/04/2012

Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng những khoảnh khắc, hình ảnh về tình đồng đội, đồng chí và chiến trường xưa mãi không phai nhòa trong tâm trí của người cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Toàn hiện đang sinh sống tại huyện Cư Kuin.

Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Toàn.

Sinh ra trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng ở huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An, năm 1970 anh thanh niên Nguyễn Mạnh Toàn đầu quân tại Sư đoàn 305 (thuộc Bộ Tư lệnh đặc công) và tham gia nhiều trận đánh trong chiến dịch Tây Nguyên lịch sử. Năm 1972 anh chuyển đến Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 66 (Sư đoàn 10), trực tiếp tham gia chiến đấu ở chiến dịch Dak Tô – Tân Cảnh (Kon Tum). Tháng 12-1974, anh cùng trung đoàn hành quân về Dak Lak, đánh trận đầu tiên ở quận lỵ Đức Lập (nay là huyện Dak Mil, thuộc tỉnh Dak Nông) và sân bay Hòa Bình (tức sân bay Buôn Ma Thuột)…

…Với bác Toàn, giờ đây còn lại rất nhiều kỷ niệm một thời về chiến trường xưa, nhưng những gì đọng lại sâu đậm nhất trong bác chính là chuyến hành quân dọc quốc lộ (QL) 21 (nay là QL26). Sau khi giải phóng Buôn Ma Thuột (10-3-1975), Trung đoàn 66 được lệnh hành quân dọc theo QL21 về hướng M’Drak. Dù bom đạn chiến tranh vẫn còn ác liệt, nhưng với tinh thần lạc quan, niềm tin vào thắng lợi cuối cùng của cách mạng, các chiến sĩ trong trung đoàn, trên đường hành quân chuyền tay nhau lời bái hát “Sông Dak Rông, mùa xuân về” của nhạc sĩ Tố Hải: “Tây Nguyên ta uống nước, một nguồn nuớc Cách mạng, một nguồn nước Bác Hồ… Ta nghe trong lòng núi, những bước chân Truờng Sơn của đoàn quân giải phóng, mang mùa xuân chiến thắng…” - lời bài hát như thúc dục bước chân mạnh mẽ của những người lính đang hành quân sớm đến đích giải phóng hoàn toàn miền Nam thân yêu. Bác Toàn còn nhớ như in, anh em chiến sĩ hành quân không biết mệt, hễ nghỉ giải lao giờ nào là tranh thủ tập hát lúc đó. Dẫu chất giọng không hay, không cao, nhưng ai cũng thuộc lòng từng câu, từng chữ. Nhiều người còn đùa vui: “hát hay không bằng hay hát”, thế là cả trung đoàn lại đồng thanh cất cao lời hát trong suốt chặng đường. Cho đến giờ, hình ảnh những anh lính trẻ tay cầm súng, mắt hướng về phía trước, môi mấp máy bài hát ca ngợi tinh thần chiến đấu quả cảm của các chiến sĩ giải phóng quân vẫn còn in dấu trong tâm thức bác Toàn, bác lại cất vang ca khúc khi kể lại với chúng tôi những kỷ niệm xưa:“Xuân về đậu vai áo cô gái của Trường Sơn. Xuân về theo chân bước quân đi rộn ràng. Ánh sao núi Hồng Lĩnh hay ánh sao lòng ta, soi về bao ngọn núi bay thẳng về phương Nam. Dak Rông ơi, Tây Nguyên ơi!”

Khí thế hừng hực cận kề ngày chiến thắng giải phóng hoàn toàn miền Nam như thôi thúc đoàn quân của bác Toàn vững bước hành quân vượt đèo Phượng Hoàng, đám lính dù ngụy ngoan cố kháng cự đã nhanh chóng bị tiêu diệt và bị bắt sống hàng trăm tên. Giành chiến thắng vẻ vang trên đèo Phượng Hoàng, trung đoàn tiến về giải phóng Quân trường Lam Sơn, Căn cứ Dục Mỹ của địch và quận lỵ Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Trong hừng hực khí thế chiến thắng, cả đoàn quân tiến thẳng đến giải phóng Cam Ranh. Ngày 28-4, trung đoàn tiếp tục tiến quân vào Nam tham gia giải phóng Sài Gòn…

Hoàng Tuyết

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.