Multimedia Đọc Báo in

Bài ca không quên

14:56, 29/04/2012

Sống trong thời bình, nhưng ký ức một thời bom đạn vẫn là bài ca không quên trong tâm trí người lính đã đi qua nhiều năm trận mạc.

Chữa bệnh trên đường Trường Sơn

Với cựu binh Nguyễn Đình Sây (thôn 1, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột) - một trong 500 chiến sĩ đầu tiên được chọn tham gia mở đường Trường Sơn năm xưa, kỷ niệm của một thời vẻ vang, oanh liệt tham gia cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước giờ đây đã trở thành niềm vui của tuổi già.

Mùa hè năm 1959, Đoàn 559 được thành lập với nhiệm vụ mở đường Trường Sơn để đưa vũ khí, lương thực và bộ đội vào miền Nam chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, người lính Nguyễn Đình Sây được phiên chế vào Đại đội 1 trực tiếp tham gia mở đường. Sau khi cả đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, ông được điều về làm Chính trị viên phụ trách Bệnh xá Binh trạm 4 ở Tây Nguyên. Trong thời gian công tác ở Bệnh xá, kỷ niệm không thể nào quên với ông là lần đơn vị nhận lệnh của Bộ Chỉ huy mặt trận “sáng mai đón nhận 200 thương binh” trong chiến dịch mùa hè năm 1967. Ông kể: Ngày ấy, binh trạm chúng tôi chỉ đủ sức chứa tối đa 50 thương binh nên anh em chưa biết tính sao khi chỉ có một đêm để chuẩn bị đủ chỗ nằm điều trị cho 200 người. Dẫu khó khăn, nhưng chúng tôi vẫn quyết tâm thực hiện bằng được mệnh lệnh của cấp trên. Nhân lực chỉ vỏn vẹn 6 người (1 bác sĩ, 2 y sĩ và 3 y tá) với dụng cụ trong tay là vài con dao găm, vài cái xẻng, chúng tôi phân công nhau mỗi người mỗi việc, người thì chặt cây cắm cọc buộc võng, người thì chặt tre làm sạp, người thi đào hầm trú ẩn. Miệt mài từ 7 giờ tối đến 4 giờ sáng công việc cũng hoàn tất, 200 thương binh từ mặt trận đưa về đã được sắp xếp chỗ ở điều trị, người bị thương nhẹ thì nằm võng, người bị nặng thì nằm sạp, một số người bị quá nặng thì được đưa xuống hầm để điều trị đặc biệt.

Không trực tiếp tham gia các trận đánh, ông Sây luôn nghĩ những vất vả, gian khó mà bản thân mình và các anh em trong đơn vị trải qua vẫn chưa thấm vào đâu so với gian lao mà những người trực tiếp chiến đấu ngoài chiến trường phải đối mặt. Chính vì vậy, trong công tác chăm sóc thương binh, ông luôn đau đáu một điều “để cho thương binh đói là có tội” và tìm mọi cách duy trì bữa ăn đều đặn cho anh em để mọi người đủ sức chống lại sự đau đớn do vết thương hành hạ. Ông thổ lộ: Tiếp nhận điều trị cho 200 thương binh cùng một lúc đã là cái khó, song lo được cái ăn cho chừng ấy con người trong điều kiện lương thực, thực phẩm của binh trạm thiếu thốn lại càng khó hơn bội phần. Chính vì thế, tôi đã trực tiếp băng rừng đến buôn làng của người Êđê trong vùng để xin lương thực, thực phẩm. Đường đi gian nan vất vả, nhưng khi thấy bà con vui vẻ sẵn sàng ăn khoai, sắn để nhường gạo cho thương binh, tôi cảm động vô cùng và cũng quên luôn sự nguy hiểm đang rình rập mình ở suốt chặng đường về. Những ngày sau đó, nguồn lương thực phục vụ thương binh được bà con trong vùng tiếp tế đều đặn, nhiều thương binh đã nhanh chóng bình phục trở về đơn vị tiếp tục chiến đấu, một số người bị thương quá nặng được chuyển lên tuyến trên tiếp tục điều trị…

Đất nước hòa bình, chiến tranh đã lùi xa, nhưng chiến thắng 30-4 của bộ đội ta đã trở thành huyền thoại và những người lính năm xưa như ông Sây giờ đây có thể tự hào nhìn lại thời trai trẻ của chính mình và đồng đội thân yêu trong huyền thoại ấy.

Chuyện về người lính đặc công

Nhiều năm nay, từ cán bộ, giáo viên đến học sinh đã và đang công tác, học tập tại Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Krông Pak đều quen thuộc với hình ảnh bác bảo vệ mái tóc đốm bạc, trong bộ quân phục đã phai màu, ngày ngày đánh trống trường, nhưng ít ai biết rằng ông chính là người lính đặc công mưu trí, dũng cảm năm xưa.

          Bác Trần Xuân Bính kể cho thế hệ trẻ hôm nay về những ngày khói lửa.
Bác Trần Xuân Bính kể cho thế hệ trẻ hôm nay về những ngày khói lửa.

Đó là bác Trần Xuân Bính (SN1953), hiện là bảo vệ tại Trung tâm, đồng thời là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh khối 8, thị trấn Phước An (huyện Krông Pak). Trong những năm tháng chiến tranh ác liệt, chàng trai trẻ Trần Xuân Bính theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc tình nguyện lên đường nhập ngũ khi tròn 17 tuổi, mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ “giết giặc cứu nước”. Từ quê nhà huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa) ra Hà Tây huấn luyện tại Sư đoàn Đặc công 305 (Bộ Tư lệnh), những ngày đầu, anh lính trẻ cùng đồng đội phải chịu biết bao khó khăn, gian khổ trên thao trường, từ đó đã tôi luyện bản lĩnh của một “trinh sát đặc công”. Sau gần 1 năm huấn luyện, anh được điều động vào chiến trường miền Nam tại Tiểu đoàn Đặc công 401 (Tỉnh đội Dak Lak). Nhiệm vụ của người lính đặc công rất nặng nề, luôn đối mặt với hiểm nguy từ việc rải truyền đơn kêu gọi nhân dân chống Mỹ cứu nước, đến việc cầm súng đánh chặn, tiêu diệt ác ôn.

Trong ký ức về những trận chiến đấu ác liệt năm xưa, bác Bính nhớ mãi trận đánh ngày 20-10-1971. Cấp trên giao nhiệm vụ tiêu diệt tên ác ôn khét tiếng của chính quyền ngụy tại buôn M’tă (nay thuộc huyện Krông Ana) và bằng mọi giá phải tiêu diệt ngay trong đêm, không để lại “dấu tích”. Giữa đêm khuya, bác cùng 2 chiến sĩ trong Tiểu đội Đặc công 401 tiến sát đồn địch - nơi tên ác ôn ở, đợi thời cơ bất ngờ tấn công từ phía sau lưng. Mặc dù bị bất ngờ nhưng là kẻ khôn ranh lại có sức khỏe, tên ác ôn quay lại chống trả quyết liệt. Trong lúc giằng co, khẩu súng cướp cò bắn vào hông trái làm bác bị thương. Tuy nhiên, trong lúc nguy nan, bác nhanh trí rút từ trong túi ra quả lựu đạn khói làm cho đối thủ mờ mắt, đâm sầm vào bụi tre gần đó. Nhanh như cắt, bác nhào tới dùng súng giết chết tên ác ôn và cùng đồng đội rút lui an toàn. Sau khi tên ác ôn bị tiêu diệt, bọn địch như rắn mất đầu, tỏ ra hoang mang và cảnh giác cao độ vì cho rằng Việt cộng có mặt khắp mọi nơi... Một kỷ niệm đáng nhớ nữa là trận đánh ngày 10-3-1975, Tiểu đội Đặc công của bác gồm 10 người phối hợp với Trung đoàn Đặc công 198 tấn công căn cứ địch tại Sân bay Hòa Bình. Khi quân chủ lực của ta nổ súng tấn công vào Sở Chỉ huy địch, bác cùng đồng đội yểm trợ đồng thời truy kích những tên còn ngoan cố chống trả.

Giờ đây, khi đất nước sạch bóng quân thù, bác hăng say lao động sản xuất, tích cực tham gia công tác xã hội, 15 năm liền là Chi hội trưởng Chi Hội cựu chiến binh, là tấm gương sáng cho mọi người học tập. Bác Trần Xuân Bính đã vinh dự được Nhà nước trao tặng nhiều Huân, Huy chương.

Kim Oanh - Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.