Multimedia Đọc Báo in

Khổ vì thiếu nước sinh hoạt

09:08, 09/04/2013

Mặc dù trên địa bàn đã có công trình cấp nước sinh hoạt tập trung nhưng cứ vào mùa khô hằng năm, các hộ dân ở thôn Knung (xã Cư Pui, huyện Krông Bông) lại khốn đốn vì thiếu nước sinh hoạt.


Vào  mùa khô,  chị H’Dơn  lại phải đi  xin  nước giếng  về  nấu ăn, uống.
Vào mùa khô, chị H’Dơn lại phải đi xin nước giếng về nấu ăn, uống.

 

Gia đình chị H’Dơn Byă có 7 người, trước đây để có nước sử dụng cho mọi sinh hoạt hằng ngày, các thành viên thường thay nhau ra suối gùi nước hoặc xin nước giếng về dùng. Năm 2009, khi công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Cư Pui đi vào hoạt động, gia đình chị đã vay mượn hơn 1 triệu đồng đóng góp để kết nối sử dụng nước sạch. Niềm vui sử dụng nguồn nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh kéo dài chưa được bao lâu thì cứ mỗi khi mùa khô đến, gia đình chị lại chịu cảnh khốn đốn do thiếu nước. “Vào mùa mưa thì những hộ ở khu vực cao, xa như nhà mình còn được sử dụng nước của công trình chứ hễ mùa khô đến, dù có canh hứng cũng chẳng được giọt nào. Trong nhà ai đi làm rẫy thì tranh thủ tắm ở suối, mình ở nhà vừa trông con nhỏ vừa tranh thủ đi xin nước giếng về nấu ăn, thiếu nước sinh hoạt khổ lắm”, chị H’Dơn than thở. Tương tự, gia đình chị Len Thị Giêng (dân tộc Mường) chuyển vào sinh sống ở thôn từ năm 1999. Để yên tâm lập nghiệp trên vùng đất mới, vợ chồng chị đã chắt chiu, dành dụm tiền đầu tư đào giếng lấy nước sinh hoạt. Biết lợi ích của việc sử dụng nước sạch nên mặc dù đã có giếng nhưng khi công trình đi vào hoạt động, chị đã đóng tiền đăng ký kết nối. Chị Giêng cho hay: Mặc dù nước giếng hơi đục, bị nhiễm phèn và thường cạn  vào mùa khô nhưng trước đây nếu không dùng thì lấy gì để nấu ăn, tắm giặt. Từ khi có công trình, hơn 100 hộ trong thôn ai cũng vui mừng vì từ nay không còn lo cảnh thiếu nước sinh hoạt, bệnh tật do dùng nguồn nước không hợp vệ sinh. Nào ngờ, vào mùa khô, khoảng 70% số hộ trong thôn không được hưởng nguồn nước từ công trình. Bà con chạy đôn, chạy đáo xin nước về dùng, gia đình tôi phải thuê người nạo vét cái giếng cũ lấy nước sinh hoạt.

Được biết, do địa hình ở đây hầu hết là đất cát, dễ sụt lở nên việc đào giếng vừa khó lại rất tốn kém, tình trạng thiếu nước sinh hoạt diễn ra thường xuyên, nhất là vào mùa khô. Trước đây, bà con phải hứng nước mưa để dành nấu ăn, uống còn việc tắm giặt phải dùng nước suối. Để góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống, năm 2007, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường (TTNSH&VSMT) tỉnh đã xin chủ trương và làm chủ đầu tư xây dựng công trình cấp nước tập trung xã Cư Pui với tổng kinh phí gần 6 tỷ đồng gồm các hạng mục: khu nhà quản lý, bể lắng, bể lọc, trên 24 km đường ống, đồng hồ… Đến tháng 5-2009, công trình hoàn thành đưa vào sử dụng, hiện đã cung cấp nước cho 620 hộ thuộc 6 thôn, buôn, trong đó có thôn Knung. Từ khi có công trình cấp nước tập trung, bà con rất phấn khởi vì đã có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng cho mọi sinh hoạt hằng ngày. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian hoạt động, công trình đã bộc lộ nhiều bất cập. Tình trạng nợ tiền sử dụng nước kéo dài bắt đầu ngay từ khi công trình đi vào hoạt động, đến cuối năm 2012 số tiền nợ đã lên đến gần 70 triệu đồng, tập trung ở các thôn, buôn: Knung, Phung, Blắk, Dak Tuôr. Không những vậy, theo thống kê chưa đầy đủ của nhân viên quản lý công trình, hiện có khoảng 80 hộ trên địa bàn xã tự ý cắt đường ống dẫn nước vào nhà sử dụng. Mặc dù đã nhiều lần Trung tâm và Ban quản lý công trình đến kiểm tra, nhắc nhở, thay đồng hồ mới nhưng rồi đâu lại vào đó. Vì không có hệ thống đồng hồ và van điều tiết nên nước cứ chảy tràn lan cả ngày lẫn đêm. Nhiều hộ ở đầu nguồn còn xả nước ra ruộng để tưới hoa màu vào mùa khô làm cho các hộ ở khu vực cao không có nước sử dụng. Điều này không chỉ gây bức xúc trong nhân dân mà còn khó khăn cho công tác quản lý, ảnh hưởng đến tính bền vững của công trình.

Anh Nguyễn Văn Trung, Trạm trưởng cho biết, mặc dù công trình hiện chưa vận hành đủ theo công suất thiết kế là cung cấp nước cho 789 hộ nhưng đã xảy ra tình trạng nhiều hộ ở những thôn có địa hình cao ở thôn Knung không có nước sinh hoạt. Ngoài nguyên nhân chính là ý thức của người dân thì một số đường ống được lắp đặt chưa đúng quy cách nên không thể dẫn nước lên cao. Hơn nữa, đây là công trình cấp nước tự chảy, lấy từ suối Ea Plai (buôn Dak Tuôr) nhưng mức giá phải trả khá cao, từ 2.600 - 4.500 đồng/m3 chưa phù hợp với đời sống của bà con ở xã vùng 3. Vì vậy để công trình tiếp tục phát huy hiệu quả, rất mong TTNSH&VSMT - đơn vị chủ quản của công trình và chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức người dân, đầu tư sửa chữa, khắc phục những hư hỏng hạn chế của công trình, điều chỉnh lại việc thu tiền sử dụng nước hợp lý hơn, sớm có giải pháp xử lý dứt điểm tình trạng vi phạm việc cấp thoát nước theo Nghị Định 23/2009 NĐ-CP ngày 27-2-2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.