Multimedia Đọc Báo in

9 lý do đường có thể gây bất lợi cho cơ thể

09:54, 18/06/2013

Đường là thực phẩm rất quen thuộc và nhiều người có thói quen “nghiện” sử dụng, không bỏ được. Song đứng trên bình diện khoa học thì đường không có lợi cho sức khỏe vì vậy hãy tìm cách sử dụng thông minh để mang lại lợi ích cao nhất cho sức khỏe.

1. Càng hạn chế ăn đường càng tốt

Đường (sugar hay HFCS) thường có chứa một nửa là glucose và một nửa là fructose. Glucose có thể được cơ thể chuyển hóa bởi các tế bào của cơ thể. Nếu sử dụng thực phẩm không có đường, thì cơ thể sẽ sản xuất đường từ protein; riêng fructose cơ thể không thể xử lý được, duy chỉ có gan là bộ phận duy nhất có thể chuyển tải được loại đường này. Nếu lạm dụng fructose, nhất là khi gan đã có quá nhiều glycogen thì fructose sẽ được chuyển hóa thành mỡ. Quá trình này gây ra rất nhiều bệnh cho con người mà chuyên môn gọi là “bệnh phương Tây” (Western Diseases). Vì lý do sức khỏe mọi người nên hạn chế ăn càng ăn ít đường càng tốt.

2. Đường hòa tan không hề có bất kỳ dưỡng chất nào

Thực tế thì đường là thực phẩm "rỗng calo", thực phẩm càng ngọt như bánh, xô đa, kẹo có chứa rất ít dưỡng chất. Nếu dùng thay thực phẩm có calo và dưỡng chất sẽ làm cho cơ thể suy kiệt dưỡng chất quan trọng. Nên áp dụng thực đơn cân bằng đủ chất, hạn chế đồ ngọt, kể cả nước giải khát nhất là nhóm người cần kiêng đường.

3. Đường gây bệnh gan nhiễm mỡ

Như trên đã đề cập khi ăn đường, fructose đi thẳng vào gan. Một khi glycogen thấp, ví dụ sau khi chạy hay luyện tập thể thao thì fructose sẽ được dùng thay thế. Tuy nhiên, phần lớn người ta lại không ăn đường fructose. Sau khi lao động hay vận động, trong gan lúc nào cũng quá thừa glycogen, vì vậy khi điều này xảy ra thì gan sẽ chuyển hóa fructose thành mỡ. Một lượng nhỏ mỡ được đốt cháy nhưng còn một lượng không nhỏ tích lại trong gan và lâu ngày phát sinh bệnh gan nhiễm mỡ.

4. Đường làm tăng mỡ máu

Hầu hết mỡ phát sinh trong gan được chuyển thành các hạt Lipoprotein tỷ trọng cực thấp (VLDL); những hạt này có nhiều trong triglyceride và cholesterol - đây là 2 loại mỡ máu gây hại cho sức khỏe. Theo nghiên cứu thì những người tiêu thụ đồ uống chứa 25% calo, như nước giải khát có chứa đường glucose hoặc fructose thì trong 10 tuần, nhóm dùng đồ uống giàu fructose không chỉ tăng triglyceride mà còn tăng cả cholesterol xấu (LDL) và cholesterol cực xấu (LDL ôxi hóa). Ngoài ra, cả hai loại đường này còn làm giảm độ nhạy của Insulin, làm tăng mỡ nội tạng,  gây hại cho lipid máu, phát sinh hội chứng chuyển hóa, làm tăng chứng béo phì, bệnh tim, tiểu đường và gây suy kiệt sức khỏe tổng thể.

5. Đường gây kháng insulin

Nhiệm vụ chính của insulin là đưa đường glucose từ dòng máu đến tế bào để sản xuất năng lượng, nhưng khi dùng thực đơn giàu đường thì tế bào lại chống lại hiệu ứng của insulin và khi điều này xảy ra, tuyến tụy sẽ bài tiết ra nhiều insulin để khử glucose trong máu vì đường huyết tăng rất nguy hiểm cho cơ thể. Ngoài ra insulin còn có chức năng quan trọng khác là thông báo cho các tế bào biết để khử mỡ ra khỏi dòng máu và giữ các chất béo.  Một khi cơ thể kháng insulin thì các tế bào beta trong tuyến tụy sẽ bị tổn thương và mất khả năng sản xuất đủ insulin cho cơ thể, hậu quả làm gia tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường tuýp 2.

6. Làm gia tăng “bệnh phương Tây”

Theo nghiên cứu thì lạm dụng đường dài kỳ là thủ phạm gia tăng “bệnh phương Tây”, gây suy yếu sức khỏe của nhiều cộng đồng, dân tộc trên thế giới. Theo nghiên cứu, một khi đường thâm nhập vào lối sống, vào thực đơn ăn uống, chính là lúc nó "đánh cắp" sức khỏe của con người. “Bệnh phương Tây” là nói về những căn bệnh do ăn uống quá nhiều đường, mỡ, thịt, muối... và lâu ngày dễ mắc phải nhiều căn bệnh nan y như: tăng cân, béo phì, tăng insulin và kháng leptin, bệnh tiểu đường, tim mạch do tăng cholesterol và triglyceride…

7. Đường không tạo ra cảm giác no trung thực

Trong não của con người có vùng dưới đồi (Hypothalamens) làm nhiệm vụ giám sát lượng thức ăn khi tiêu thụ, cho người ta biết khi nào no và dừng ăn, nhưng việc lạm dụng đường đã cướp đi chức năng của vùng đồi này. Theo một nghiên cứu, ở 2 nhóm dùng đồ uống chứa đường fructose và đường glucose cho thấy, nhóm dùng đồ uống glucose thì nguồn máu tới vùng đồi giảm, người trong cuộc biết được khi đã no, còn người dùng đường fructose thì lượng máu đến vùng đồi tăng, nên không biết no để dừng lại và luôn cảm thấy đói. Một nghiên cứu khác cũng phát hiện thấy đường fructose không làm giảm lượng hormone gây “háu ăn” tên là ghrelin giống như đường glucose. Và một khi càng có nhiều ghrelin thì tính “háu ăn” của con người càng tăng, chính vì vậy càng ăn nhiều đường con người càng đói và lâu ngày dẫn đến béo phì, dư thừa trọng lượng.

8. Đường làm chất gây nghiện

Khi ăn đường, não giải phóng dopamin làm cho con người cảm thấy dễ chịu. Điều này cho thấy đường cũng có thể gây nghiện giống như các chất kích thích. Não của con người luôn luôn tìm kiếm các hoạt động để bài tiết ra nhiều dopamine và các đồ ăn thức uống cho bài tiết càng nhiều dopamin thì khả năng gây nghiện càng cao. Nghiên cứu trên chuột cho thấy đường là một chất gây nghiện rất mạnh. Tuy nhiên ở con người điều này ít thể hiện hơn, song thực tế chứng nghiện chất ngọt ở nhiều người là có thật và rất khó bỏ.

9. Đường gây hiện tượng kháng hormone leptin

Leptin là một loại hormone do các tế bào mỡ của cơ thể bài tiết ra, khi cơ thể càng béo thì hormone này sản sinh càng nhiều. Thông thường, chức năng của loại hormone này là phát tín hiệu cho não biết cơ thể khi nào thì no và dừng lại; ngoài ra nó còn làm tăng mức tiêu hao năng lượng của cơ thể. Những người béo phì thì có hàm lượng hormone nói trên cao, nhưng nó lại “chây lỳ” và không chịu "làm việc" hiện tượng này gọi là tình trạng kháng insulin. Đây cũng là điều giải thích hiện tượng tại sao người ta ăn quá nhiều nhưng đốt cháy calo lại quá ít và cuối cùng là làm tăng béo phì. Fructose là một trong những thủ phạm làm tăng hiện tượng kháng insulin. Lý do,  insulin phong bế tín hiệu peptin trong não và do fructose làm tăng triglynceride trong máu nên nó lại triệt tiêu cả hiệu ứng của leptin; kết quả làm cho não suy đoán cho rằng các tế bào mỡ đang bị đói nên tiếp tục ăn. Vì vậy, càng ăn đường thì mức độ nghiện chất ngọt lại càng tăng. Muốn giảm bệnh thì trước tiên nên giảm ăn đường, trả lại chức năng vốn có cho hormone leptin, giúp não làm việc theo đúng "quy trình" và cuối cùng sẽ hạn chế được nhiều bệnh nan y.

Khắc Nam (Theo PC-5-2013)


Ý kiến bạn đọc