Multimedia Đọc Báo in

Quyết không chùn bước trước sự hung hãn, liều lĩnh của lâm tặc

15:51, 14/08/2011

Sau khi một số cơ quan thông tin đại chúng phản ánh tình trạng lâm tặc ngang nhiên đốn hạ gỗ quý trong Vườn Quốc gia Yok Đôn, lãnh đạo Vườn đã tiến hành rà soát, kỷ luật  và luân chuyển nhiều cán bộ giữ rừng; đồng thời  mở chiến dịch tấn công truy quét lâm tặc với quy mô lớn. Nhờ đó, theo ông TRƯƠNG VĂN TRƯỞNG, Giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn thời gian gần đây công tác quản lý bảo vệ rừng tại đây đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Trao đổi với phóng  viên Báo Dak Lak về vấn đề này, ông Trương Văn Trưởng, Giám đốc VQG Yok Đôn cho biết: “Vườn đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trạm trưởng và cách chức Trạm phó Trạm Kiểm lâm số 6; cảnh cáo Trạm phó và 2 kiểm lâm viên Trạm Kiểm lâm số 10 vì thiếu trách nhiệm trong công tác quản lý bảo vệ rừng, tiếp tay cho lâm tặc khai thác gỗ trái phép. Cùng với các hình thức kỷ luật, chúng tôi đã luân chuyển 6 trạm trưởng, 15 trạm phó, 47 kiểm lâm viên, đưa những cán bộ kiểm lâm ưu tú chốt giữ các vị trí xung yếu trong Vườn. Ngoài ra, Vườn cũng đã thành lập mới 3 trạm kiểm lâm, nâng tổng số trạm hiện có lên 14 trạm.

 

Cùng với việc thanh lọc các cán bộ giữ rừng, chúng tôi cũng đã phối hợp với Vụ Bảo tồn thiên nhiên, Cục Kiểm lâm và Kiểm lâm vùng II xây dựng phương án truy quét các đối tượng phá rừng, khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ trái phép tại các huyện Buôn Đôn, Ea Súp. Đồng thời phối hợp với đoàn công tác liên ngành của huyện Buôn Đôn mở chiến dịch truy quét lâm tặc trên địa bàn… Nhờ vậy nên trong thời gian gần đây công tác quản lý bảo vệ rừng ở Vườn đã có những chuyển biến rõ rệt. Số vụ việc, số đối tượng xâm hại đến rừng cũng như quy mô tính chất đã giảm đáng kể so với thời gian trước”.

*Thưa ông, nếu nói như vậy thì có phải thời gian trước đây, do công tác giữ rừng không nghiêm nên lâm tặc mới có thể lộng hành? 

-Đúng là có một số ít cá nhân thiếu trách nhiệm trong công tác giữ rừng, thậm chí còn có dấu hiệu “bắt tay” với lâm tặc. Tuy nhiên, con số này theo tôi là rất ít. Và quan điểm của chúng tôi là xử lý nghiêm những cán bộ không hoàn thành chức trách của mình. Thực tế thì từ trước đến nay, những cán bộ nào có dấu hiệu tiêu cực đều đã được xử lý nghiêm. Ở đây, chúng tôi cũng mong muốn mọi người nhìn nhận vấn đề một cách khách quan và toàn cục hơn. Trong số 168 cán bộ bảo vệ rừng của chúng tôi hiện có thì không phải ai cũng thiếu trách nhiệm. Có ở vào vị trí của anh em mới biết, nhiệm vụ bảo vệ rừng ở đây gian khó vô cùng. Địa bàn rộng, người thì ít, trong khi đó rừng có địa bàn tương đối bằng phẳng, mọi ngả đường đều có thể vào rừng nên anh em phải chịu áp lực rất lớn.

*Ông có thể nói rõ hơn về áp lực này?

-Đó là áp lực của người dân tạo ra đối với rừng. Cụ thể, diện tích vùng đệm của Vườn hiện đang nằm trên địa bàn của 7 xã thuộc 3 huyện Buôn Đôn, Ea Súp (Dak Lak) và Cư Jút (Dak Nông) với tổng cộng khoảng 42.000 dân. Trong khi đời sống còn khó khăn cộng với tập quán sống dựa vào rừng nên một bộ phận người dân bất chấp những quy định của pháp luật. Để từng bước giải tỏa bớt áp lực này, chúng tôi đã đầu tư xây dựng một công trình thủy lợi ở buôn Drang Phốk (xã Krông Na) đủ năng lực tưới cho 60 ha lúa nước nhằm ổn định cuộc sống người dân. Và mới đây, từ nguồn kinh phí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, chúng tôi đang khởi công xây dựng công trình thủy lợi cánh đồng buôn Trí, dự kiến sẽ đủ tưới cho trên 100 ha lúa nước 2 vụ. Hy vọng chính quyền địa phương cũng như Nhà nước có thêm nhiều chương trình đầu tư phát triển sản xuất, ổn định đời sống cho người dân ở đây để giảm bớt áp lực đối với rừng…
Cùng với áp lực vào rừng của người dân thì hiện tại chúng tôi đang phải đương đầu với một áp lực khác cam go và nóng bỏng hơn nhiều. Đó là tình trạng lâm tặc ngày càng tỏ ra manh động và hung hãn hơn. Cụ thể nhất là mới đây, vào ngày 27-7, 2 kiểm lâm viên Trạm 5 phát hiện vụ vận chuyển 0,5m3 gỗ hương tại tiểu khu 508. Ngay lập tức có trên 10 đối tượng đã dùng hung khí hăm dọa và tấn công lại nhằm tẩu tán tang vật buộc lực lượng kiểm lâm phải nổ súng tự vệ làm một đối tượng bị thương ở chân. Và cũng chỉ trước đó vài ngày, đêm 16-7, khoảng 50 lâm tặc đi trên 7 thuyền máy đã xông vào Trạm Kiểm lâm số 6 đánh, chém cán bộ đang trực chốt khiến nhiều người bị thương. Qua những vụ việc này, tôi cũng xin nhấn mạnh lại: Nếu kiểm lâm chúng tôi làm không nghiêm hay là “bắt tay” với lâm tặc thì làm gì có chuyện anh em bị đánh, làm sao có chuyện nổ súng để tự vệ trước hành động chống người thi hành công vụ của lâm tặc!

*Theo ông thì nguyên nhân nào khiến lâm tặc ngày càng hung hãn và manh động như vậy?

- Đơn giản là họ trả thù! Chúng tôi làm quyết liệt, bảo vệ rừng quyết liệt. Lâm tặc không đốn trộm gỗ được, không vận chuyển gỗ lậu được thì họ thù kiểm lâm. Do đó, khi đụng độ là họ không ngại ra tay. Dù vậy, chúng tôi cũng luôn động viên anh em quyết không chùn bước trước sự hung hãn, liều lĩnh của lâm tặc. Mình làm đúng, làm tốt thì luôn được dư luận xã hội ủng hộ và được pháp luật bảo vệ.

*Ông đánh giá thế nào về công tác phối hợp giữa Vườn và các cơ quan thực thi pháp luật trên địa bàn?

- Thời gian qua, chúng tôi đã phối hợp với nhau khá tốt trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý bảo vệ rừng cũng như xử lý vi phạm. Bất kể vụ việc gì xảy ra ở Vườn, khi nhận được tin báo thì Công an huyện đều quan tâm vào cuộc ngay. Mới đây nhất là 2 vụ việc tôi vừa kể trên, hiện bên công an vẫn đang tiến hành điều tra làm rõ.

*Xin cảm ơn ông!

Hoàng Đình (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.