Multimedia Đọc Báo in

Triển khai thực hiện Nghị định 49/2010/NĐ-CP:

Ưu tiên miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho HSSV thuộc các huyện khó khăn

16:26, 12/08/2011

Hiện nay, tỉnh đang triển khai thực hiện miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập cho học sinh, sinh viên (HSSV) theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ 49) và Thông tư liên tịch số 29 của liên Bộ Giáo dục - Đào tạo, Tài Chính, Lao động - Thương binh & Xã hội. Xung quanh việc triển khai này còn nhiều vấn đề băn khoăn về phía phụ huynh học sinh cũng như đơn vị thực hiện. Để làm sáng tỏ, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông Lê Văn Dần, Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội).

* Năm học 2011-2012 sắp bắt đầu, vậy đến thời điểm này tỉnh đã triển khai NĐ 49 của Chính phủ như thế nào, thưa ông?

DSC05357.JPG
Ông Lê Văn Dần
Thực hiện NĐ 49, đến thời điểm này hầu hết các huyện, thị xã, thành phố đã cấp sách giáo khoa (SGK) và vở viết cho trên 158.000 học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) và học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn, với tổng kinh phí là 45 tỷ đồng, tăng 19 tỷ so với năm học trước. Ngoài các đối tượng được hỗ trợ chi phí học tập theo quy định tại Điều 6 của NĐ 49, UBND tỉnh cũng đã cấp kinh phí để cấp SGK, vở viết cho học sinh DTTS ở các xã, phường, thị trấn không thuộc khu vực được hưởng NĐ 49 giúp các em yên tâm học tập. So với năm học trước, danh mục sách, định mức vở viết cho từng cấp, bậc học tăng hơn. Công ty Sách thiết bị trường học là đơn vị trúng thầu đã phối hợp tốt với Phòng Lao động - Thương binh & Xã hội, Phòng Giáo dục -Đào tạo để cấp đúng đối tượng, thời gian và chất lượng. SGK và vở viết đã được cấp về tận trường, đầu năm học các trường sẽ cấp cho học sinh bảo đảm trước ngày khai giảng năm học. Qua theo dõi kiểm tra, hầu hết các địa phương đã tiến hành phân loại hồ sơ và chi, trả cho các đối tượng theo thứ tự được ưu tiên.

* Xung quanh việc cấp SKG, vở viết cho học sinh, có nhiều ý kiến cho rằng không phù hợp, cụ thể thời gian cấp cận kề ngày khai giảng, nhiều phụ huynh đã  mua SGK hoặc sử dụng SKG cũ, dẫn đến lãng phí?

Việc cấp SGK, vở viết cho học sinh DTTS và học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã, thôn, buôn đặc biệt khó khăn theo các Chương trình 135, 168 của Chính phủ đã được thực hiện từ năm 1998. Các đối tượng thuộc diện được thụ hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục đã quá quen thuộc vào đầu mỗi năm học sẽ được cấp SGK, vở viết. Do đó, phụ huynh học sinh ở những vùng này sẽ không mua SGK, vở viết cho con em mình. Năm học 2011-2012, chính sách hỗ trợ về giáo dục thuộc các Chương trình 135, 168 không còn nữa,  thay vào đó, HSSV ở các xã biên giới, hải đảo, xã đặc biệt khó khăn sẽ được hỗ trợ chi phí học tập theo NĐ 49 với mức 630.000 đồng/ năm học (70.000 đồng x 9 tháng). Tuy nhiên, để bảo đảm chất lượng học tập cho học sinh DTTS, tỉnh thống nhất tiếp tục cấp SGK, vở viết cho học sinh, tránh tình trạng sử dụng tiền hỗ trợ sai mục đích. Xin được nói rõ thêm, nguồn kinh phí cấp SGK, vở viết này được tạm ứng từ ngân sách của tỉnh. Đến thời điểm này, tỉnh chỉ mới được Trung ương cấp 83,274 tỷ/634,9 tỷ đồng dự kiến thực hiện miễn, giảm, hỗ trợ chi phí học tập cho khoảng 465.000 học sinh sinh viên. Kinh phí này UBND tỉnh đã phân bổ về các huyện, thị xã, thành phố và Sở GD-ĐT. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chưa đủ bảo đảm theo nhu cầu chi cho các đối tượng, các huyện, thị và thành phố cần thực hiện việc chi trả theo thứ tự đối tượng ưu tiên quy định. Cụ thể trong đợt này là: học sinh, sinh viên hộ nghèo thuộc đối tượng được hưởng chính sách theo Nghị định số 49/NĐ-CP ngày14-5-2010 của Chính phủ đang học tại các trường ngoài tỉnh; học sinh cuối cấp thuộc các trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông; học sinh đang học các trường mầm non, tiểu học và trung học cơ sở. Kinh phí cấp SGK, vở viết đợt này được tạm ứng từ ngân sách của tỉnh. Do đó, đối tượng được cấp SGK, vở viết chỉ áp dụng đối với học sinh thuộc diện được thụ hưởng Chương trình 135, 168 trước đây. Những đối tượng khác sẽ được nhận tiền mặt hỗ trợ chi phí học tập khi Trung ương  tiếp tục phân vốn về cho tỉnh.

 Cấp sách giáo khoa, vở viết cho các trường trên địa bàn huyện Ea Kar (Ảnh: Nguyễn Xuân)

* Một số phụ huynh học sinh trên địa bàn tỉnh bức xúc vì không được hưởng chế độ miễn, giảm học phí và chi phí học tập dù đã được ngành chức năng hướng dẫn làm thủ tục hồ sơ. Nguyên nhân do đâu?

Như đã đề cập ở trên, các ngành chức năng của tỉnh rất chủ động trong việc triển khai thực hiện NĐ 49, nên sau khi có thông tư hướng dẫn, các đơn vị đã hướng dẫn phụ huynh học sinh làm các thủ tục hồ sơ để khi có kinh phí sẽ giải quyết kịp thời. Tuy nhiên liên quan đến NĐ 49 có rất nhiều văn bản hướng dẫn do đó, gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện và đã tạo ra sự hiểu nhầm. Tại mục 2 của Điều 4 của NĐ 49 quy định trẻ em học mẫu giáo và HSSV có cha mẹ có hộ khẩu thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo và các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là đối tượng được miễn học phí,  nên mới có sự hiểu nhầm vùng cao có cả thị trấn và phường.  Do đó, ban đầu, các ngành chức năng xác định tỉnh chỉ có 176 xã, phường, thị trấn được thụ hưởng chính sách trên, chỉ trừ các phường Thống Nhất, Tân Lập, Thắng Lợi, Tân Tiến, Thành Công, Tân Thành, Tự An và  xã Hòa Thắng (TP. Buôn Ma Thuột) thuộc đối tượng phải đóng học phí không thuộc vùng cao theo Quyết định  số 42 của Ủy ban Dân tộc và miền núi về công nhận 3 khu vực miền núi. Nhưng sau khi Sở GD-ĐT có văn bản hỏi Bộ GD-ĐT thì trả lời chỉ có xã mới thuộc vùng cao. Do đó, tất cả các phường, xã Hòa Thắng thuộc thành phố Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ và thị trấn các huyện trong tỉnh đều không thuộc khu vực được hưởng chính sách của NĐ 49, nên phụ huynh học sinh mới bức xúc.

* Ngoài quy định về khu vực, trong quá trình thực hiện NĐ49 còn rất nhiều vướng mắc cần các bộ tháo gỡ. Từ thực tế triển khai ông có thể  chỉ rõ những khó khăn đã gặp?

Xung quanh NĐ 49 cũng còn nhiều vấn đề liên quan, đó là việc xác định trường công lập, dân lập. Qua thực tế tiếp nhận hồ sơ nhiều trường dân lập vẫn xác nhận vào đơn của học sinh khi giải quyết chế độ. Việc xác định đối tượng hỗ trợ cũng rất lúng túng. Cụ thể tại Điều 3, NĐ 49 quy định: “ đối tượng không phải đóng học phí tại các cơ sở giáo dục công lập bao gồm:….sinh viên sư phạm, người theo học các khóa đào tạo nghiệp vụ sư phạm để đạt chuẩn nghề nghiệp”. Tuy nhiên có rất nhiều sinh viên đang học tại trường đại học sư phạm, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm nhưng không học chuyên ngành sư phạm. Tại mục 9, Điều 4 và mục 2, Điều 2 của NĐ 49 quy định: “…hộ có thu nhập tối đa bằng 150% thu nhập của hộ nghèo”. Việc xác định hộ có thu nhập như trên là rất khó khăn và mất nhiều thời gian vì chuẩn hộ nghèo theo quy định tại Quyết định 09/2011 QĐ-TTg bằng 130% chuẩn hộ nghèo. Hiện nay, có một số trường trung cấp, cao đẳng, đại học liên kết đào tạo, rất khó xác định sinh viên đang học thuộc hệ chính quy hay tại chức. Tại mục 2, Điều 4 của NĐ 49 và Điều 3 của Thông tư 29 có quy định căn cứ vào hộ khẩu thưởng trú của cha mẹ người đi học. Song trong thực tế có rất nhiều hộ  từ các tỉnh khác chuyển đến tỉnh ta sinh sống đã lâu nhưng chưa đăng ký hộ khẩu hoặc chỉ mới đăng ký tạm trú (KT3) tại các xã thuộc vùng cao. Những học sinh có cha mẹ thường trú tại xã vùng cao, nhưng bản thân học sinh đã tách và chuyển hộ khẩu đến nơi khác không thuộc xã vùng cao và ngược lại. Những vướng mắc trên đã ảnh hưởng đến tiến độ triển khai NĐ49 rất mong liên bộ xem xét có văn bản hướng dẫn cụ thể để triển khai đúng đối tượng, chế độ.

*Xin cảm ơn ông!


Nguyên Hoa (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.