Multimedia Đọc Báo in

Ngân hàng Chính sách xã hội: Đáp ứng kịp thời nhu cầu tín dụng của học sinh - sinh viên

08:40, 10/06/2011

Qua hơn 3 năm thực hiện, Chương trình tín dụng đối với học sinh-sinh viên (HSSV) theo Quyết định 157/2007/QĐ-TTg, ngày 27-9-2007 của Thủ tướng Chính phủ, đã và đang trở thành “điểm tựa” của nhiều HSSV có hoàn cảnh khó khăn. Tuy nhiên, qua thực tế triển khai vẫn còn nhiều bất cập, phóng viên Báo Dak Lak đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN TỬ ÂN, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh để tìm hiểu rõ hơn về vấn đề này.

*Theo đánh giá chung: qua 3 năm thực hiện Chương trình tín dụng HSSV, toàn tỉnh chưa xảy ra trường hợp HSSV nào phải bỏ học vì khó khăn về tài chính. Ông có thể nói rõ hơn về kết quả này?
Trong 3 năm qua, tổng doanh số cho vay theo Chương trình này đạt 768,790 tỷ đồng, doanh số thu nợ khoảng 81,142 tỷ đồng. Tính đến 31-12-2010, dư nợ còn 691,652 tỷ đồng với số HSSV hiện đang vay vốn là 52.674 em (thuộc 39.254 hộ gia đình). Cụ thể, có 9.384 hộ gia đình nghèo hiện đang vay vốn, với số tiền gần 163 tỷ đồng; 15.434 hộ cận nghèo (hộ gia đình có mức thu nhập bình quân đầu người tối đa bằng 150% mức thu nhập bình quân đầu người của hộ nghèo), số tiền hơn 368 tỷ đồng; 13.980 hộ gia đình có khó khăn đột xuất về tài chính, số tiền trên 160 tỷ đồng và 6 HSSV mồ côi vay 81 triệu đồng. Nếu phân tích dư nợ theo trình độ đào tạo, HSSV học đại học vay nhiều nhất, với trên 20.200 em, dư nợ hơn 292 tỷ đồng, tương đương trên 38% tổng số HSSV vay vốn. Tiếp đến là dư nợ cho vay HSSV cao đẳng (15.325 HSSV, dư nợ hơn 212 tỷ đồng); dư nợ cho vay HSSV học trung cấp gần 164 tỷ đồng với 14.576 HSSV; dư nợ cho vay HSSV học nghề trên 1 năm (kể cả học nghề trong trường cao đẳng và trung cấp) gần 19 tỷ đồng, với hơn 2.000 HSSV; dư nợ cho vay HSSV học nghề dưới 1 năm khoảng 4,255 tỷ đồng với gần 520 HSSV.

*Kết quả trên cho thấy: dư nợ cho vay đối với HSSV học nghề, đặc biệt là học nghề dưới 1 năm chiếm tỷ trọng rất thấp. Có phải đối tượng này không có nhu cầu vay vốn hay còn do nguyên nhân nào khác?
Qua tìm hiểu của chúng tôi, dư nợ cho vay đối với HSSV học nghề chiếm tỷ lệ thấp, là vì hiện nay các hộ nghèo, hộ cư trú tại các huyện nghèo đã được Nhà nước hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề ngắn hạn. Một số địa phương còn được các doanh nghiệp tài trợ kinh phí cho đào tạo nghề ngắn hạn nên số HSSV có nhu cầu vay vốn học nghề không nhiều. Một nguyên nhân quan trọng khác là trong các trường cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có cả hệ đào tạo nghề; một số trường đào tạo nghề chưa được cấp mã thống kê đầy đủ nên kết quả thống kê chưa chính xác, dẫn đến số HSSV học nghề bị thống kê lẫn trong số HSSV cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp. Cá biệt, một số trường thuộc hệ thống dạy nghề chưa nhận thức đúng, đầy đủ về chính sách tín dụng đối với HSSV nên thiếu sự quan tâm, tạo điều kiện cho HSSV vay vốn.

Giải ngân cho vay lưu động tại phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột.
Giải ngân cho vay lưu động tại phường Thành Công, TP. Buôn Ma Thuột.
*Nhiều người cho rằng thủ tục vay vốn từ Chương trình này còn rườm rà, dễ phát sinh tiêu cực. Ông có ý kiến gì về vấn đề này?
Thực tế cũng có những trường hợp người vay vốn phải đi lại, bổ sung nhiều lần mới hoàn chỉnh bộ hồ sơ xin vay. Nhưng, chúng tôi khẳng định rằng: Chi nhánh NHCSXH Dak Lak không tự “đẻ” ra các thủ tục, hoặc gây khó khăn cho người vay, mà nguyên nhân chính là do thiếu sự phối hợp từ các cấp chính quyền, tổ chức đoàn thể và người vay. Chẳng hạn, một số trường đại học, cao đẳng xác nhận HSSV đang theo học tại trường nhưng không điền đầy đủ thông tin theo mẫu nên phải bổ sung, gây mất nhiều thời gian, người vay vốn chậm nhận được tiền vay. Tương tự, công tác tiếp nhận, bình xét hồ sơ đề nghị vay vốn thuộc trách nhiệm của chính quyền cơ sở, các tổ chức chính trị xã hội, nhưng vẫn còn một số nơi chưa quan tâm đúng mức đến nhiệm vụ này, thiếu đôn đốc, kiểm tra, dẫn đến có những lúc hồ sơ bị chậm trễ. Những tồn tại này chủ yếu xảy ra trong thời gian đầu thực hiện, đến nay, hoạt động xét cho vay đã từng bước đi vào nề nếp. Chúng tôi cũng đang tiếp tục xác minh, tập trung khắc phục những hạn chế, phấn đấu đưa nguồn vốn ưu đãi đến đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất.

*Học kỳ I năm học 2011-2012 sắp tới, chính sách cho vay, thu hồi nợ trong đối tượng HSSV có gì thay đổi, thưa ông?
Ngay từ đầu năm 2011, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã báo cáo NHCSXH Việt Nam về nhu cầu cầu vay vốn của nhân dân trên địa bàn đối với chương trình HSSV. Hiện nay, Tổng giám đốc NHCSXH Việt Nam đã bố trí đủ vốn để chúng tôi giải ngân cho vay học kỳ I năm học 2011-2012. Về đối tượng vay vốn giống như những năm học trước, gồm: Hộ nghèo, HSSV mồ côi, hộ cận nghèo giai đoạn 2011-2015 và hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất. Riêng đối với hộ có hoàn cảnh khó khăn đột xuất về tài chính phải có xác nhận của UBND cấp xã và chỉ được cho vay một năm học. Học kỳ I năm học 2011-2012, NHCSXH được giao cho vay thêm các đối tượng là bộ đội xuất ngũ học nghề và lao động nông thôn học nghề theo Quyết định số 121 và 1956 của Thủ tướng Chính phủ. Mức vay và lãi suất cho vay, thực hiện theo Quyết định số 853/QĐ-TTg, ngày 3-6-2011 của Thủ tướng Chính phủ, kể từ ngày 1-8-2011, mức cho vay được nâng từ 900.000 đồng lên 1.000.000 đồng/tháng/HSSV (10 triệu đồng/năm học/HSSV); lãi suất cho vay tăng từ 0,5% lên 0,65%/tháng. Riêng về thu nợ, đối với các trường hợp đến hạn, Chi nhánh NHCSXH tỉnh phối hợp với các hội, đoàn thể, chính quyền địa phương vận động các hộ gia đình trả nợ theo đúng cam kết để tạo điều kiện cho các hộ gia đình khó khăn khác được vay, ai có điều kiện trả nợ trước hạn sẽ được giảm lãi suất tiền vay theo quy định.

Để bảo đảm không xảy ra trường hợp HSSV phải nghỉ học do khó khăn về tài chính, chi nhánh chúng tôi tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của tổ giao dịch lưu động; duy trì lịch giao dịch tại xã; cải tiến hồ sơ, thủ tục vay vốn, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp thực hiện sai chế độ, chính sách tín dụng đối với HSSV. Đề nghị UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo, quy định rõ trách nhiệm của nhà trường, UBND cấp xã, cơ sở sử dụng HSSV sau khi tốt nghiệp… trong suốt quá trình xác nhận hồ sơ xin vay vốn cũng như thu hồi nợ. Ngoài ra, chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, các tổ chức nhận ủy thác thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để tiến hành kiểm tra việc cho vay và sử dụng vốn vay. Phấn đấu tất cả các trường hợp thuộc đối tượng, có nhu cầu đều được sử dụng nguồn vốn ưu đãi này một cách thuận lợi nhất.

Lê Ngọc (thực hiện)

Ý kiến bạn đọc


(Video) Thiết thực chăm lo cho người lao động
Cùng với việc bảo đảm việc làm, thu nhập, tổ chức công đoàn tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã dành nhiều quan tâm để chăm lo đời sống cho công nhân, người lao động, đặc biệt là các chính sách lao động nữ, các chương trình hỗ trợ về nhà ở.