Multimedia Đọc Báo in

Mùa hè chú ý phòng chống bệnh viêm não màng não do vi rút

12:12, 25/06/2017

Hiện nay đang là thời điểm dễ mắc bệnh viêm não màng não do vi rút, nhất là viêm não Nhật Bản B, các phụ huynh cần chú ý đề phòng bệnh cho trẻ nhỏ.

Bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho biết: Bệnh viêm não màng não, nhất là viêm não màng não do vi rút thường xuất hiện vào mùa đông xuân và mùa hè. Trẻ em dưới 15 tuổi là đối tượng có nguy cơ mắc bệnh cao. Biểu hiện chính của bệnh là sốt cao và kèm theo các triệu chứng: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, co giật, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê... Việc chẩn đoán nguyên nhân gây bệnh phải thông qua việc xét nghiệm xác định vi rút. Tùy theo nguyên nhân gây bệnh mà bệnh lý viêm não màng não có những tên gọi riêng: viêm não Nhật Bản B (do siêu vi trùng viêm não Nhật Bản gây ra, lây qua đường muỗi đốt và thường gặp ở vùng nông thôn); viêm não do siêu vi trùng đường ruột - enterovirus (do siêu vi trùng từ đường tiêu hóa tấn công vào não, nguy hiểm nhất là enterovirus type 71); viêm màng não do não mô cầu (do vi trùng não mô cầu gây ra, là bệnh tử vong nhanh nếu gặp thể tối cấp); viêm màng não do HIB (do vi trùng HIB - loại vi trùng rất thường gặp ở trẻ nhỏ, đặc biệt là trẻ dưới 3 tuổi). Ngoài ra còn có một số tác nhân khác ít gặp hơn nhưng cũng gây ra bệnh lý viêm não màng não.

Viêm não màng não do vi rút là bệnh nguy hiểm và có nguy cơ tử vong cao. Hiện nay, bệnh chưa có thuốc đặc trị điều trị vi rút mà chỉ chữa được triệu chứng thông qua cách giải quyết dấu hiệu phù não, chống bội nhiễm và chăm sóc dinh dưỡng nên thường để lại di chứng khiến trẻ bị giảm trí tuệ, học tập sa sút, nặng hơn có thể bị rối loạn phát âm, rối loạn vận động, liệt, thậm chí tàn tật suốt đời.

Tiêm vắc xin đúng lịch,  đúng liều là một trong những cách phòng bệnh viêm não  màng não  hiệu quả.
Tiêm vắc xin đúng lịch, đúng liều là một trong những cách phòng bệnh viêm não màng não hiệu quả.

Những năm qua, bệnh viêm não màng não vẫn xuất hiện rải rác tại các tỉnh, thành phố trong cả nước và Đắk Lắk thuộc trong số đó. Từ năm 2015 đến nay, năm nào tỉnh ta cũng ghi nhận các ca bệnh viêm não màng não. Riêng năm 2015 toàn tỉnh ghi nhận 7 ca viêm não Nhật Bản B, trong đó có 2 trường hợp tử vong. Con số này rất đáng lưu tâm, bởi từ năm 2009 đến năm 2014 toàn tỉnh chỉ xuất hiện một trường hợp mắc bệnh.

Trước tình hình này, ngành Y tế đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tuyên truyền sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống bệnh viêm não màng não; vận động nhân dân không nuôi gia súc dưới gầm sàn nhà ở; phát quang bụi cây quanh nhà, dọn vệ sinh môi trường, hạn chế nguồn lây truyền bệnh; đưa con em đi tiêm đủ liều vắc xin phòng bệnh (đối với viêm não Nhật Bản B và viêm màng não do HIB); hướng dẫn người dân biết cách xử lý khi phát hiện trẻ có sốt và dấu hiệu nghi ngờ. Đồng thời, tổ chức tập huấn về giám sát phát hiện, kỹ năng truyền thông và vận động cho cán bộ y tế cơ sở, phác đồ cấp cứu và điều trị để nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị ở tất cả các tuyến.

Để phòng bệnh viêm não màng não do não mô cầu, tránh lây lan trong cộng đồng, người dân cần thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để hạn chế nơi trú đậu của muỗi, loại bỏ các ổ bọ gậy (loăng quăng); khi ngủ cần mắc màn, thường xuyên sử dụng các biện pháp xua, diệt muỗi; không để trẻ em chơi gần chuồng gia súc; thường xuyên rửa tay với xà phòng, đảm bảo an toàn thực phẩm, ăn chín, uống chín; chủ động tiêm phòng vắc xin phòng bệnh cho trẻ (vắc xin được tiêm tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ); khi có biểu hiện sốt cao, đau đầu, buồn nôn và nôn, cổ cứng, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời…

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.