Multimedia Đọc Báo in

Nhiều khó khăn trong vận động triệt sản nam

12:11, 25/06/2017

Trong những năm qua, số lượng các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng các biện pháp tránh thai tại huyện Cư M’gar ngày càng tăng. Tuy nhiên, việc vận động triệt sản nam vẫn còn nhiều khó khăn do nhận thức chưa đúng của không ít người và tư tưởng bất bình đẳng giới vẫn còn phổ biến.

Trước đây, do sử dụng biện pháp tránh thai không hợp nên chị H.Đ (xã Ea Đrơng) dừng luôn việc tránh thai, vì thế mà mới 30 tuổi chị đã là mẹ của 5 đứa con. Đông con, đất sản xuất không nhiều nên vợ chồng chị không có điều kiện chăm lo cho các con học hành, những đứa con chưa học hết cấp II đã phải nghỉ học để phụ giúp bố mẹ. Sau một thời gian được tuyên truyền, vận động về triệt sản nam, năm 2013 anh Y.T, chồng chị H.Đ đã đồng ý đến bệnh viện để triệt sản. Anh Y.T chia sẻ: “Vợ mình bị mắc bệnh gan và mật, lại thường xuyên ốm đau nên không sử dụng được biện pháp tránh thai nào. Nghe cán bộ dân số tuyên truyền, mình thấy triệt sản là biện pháp tốt nhất cho vợ chồng hiện nay nên mình quyết định áp dụng. Vả lại, gia đình cũng khó khăn quá, nếu sinh thêm con thì vợ chồng mình không có gì để nuôi”.

Triệt sản nam là biện pháp ngừa thai vĩnh viễn, hiệu quả tránh thai cao, phù hợp với những cặp vợ chồng đã có đủ 2 con, hoặc đông con nhưng không sử dụng bất kỳ một biện pháp tránh thai nào.

Trường hợp người chồng đồng ý thay vợ gánh vác việc tránh thai như anh Y.T vẫn còn rất ít. Theo thông tin từ Trung tâm Dân số - KHHGĐ huyện Cư M’gar, tính đến nay toàn huyện mới có 6 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ áp dụng biện pháp triệt sản nam. Điều đáng nói, trong 6 cặp vợ chồng áp dụng biện pháp triệt sản nam thì trường hợp gần nhất được thực hiện vào năm 2013, và từ đó đến nay dù các địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác tuyên truyền, vận động nhưng vẫn chưa có thêm trường hợp nào.

Thực tế tại các địa phương cho thấy, nguyên nhân các trường hợp triệt sản nam vẫn còn ít là do nhiều ông chồng vẫn còn quan niệm tránh thai là việc của phụ nữ, cũng như hiểu chưa đúng rằng biện pháp này là sẽ làm mất đi “phong độ đàn ông”… Chị H’Dê Niê, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Ea H’đing cho biết: “Hầu hết tâm lý của các ông chồng là không muốn thực hiện biện pháp tránh thai mà dành nhiệm vụ này cho vợ. Đó cũng là lý do khiến từ năm 2013 đến nay, trên địa bàn xã chỉ có 1 trường hợp triệt sản nam. Thậm chí với trường hợp này, khi đi đến bệnh viện đối tượng lại đổi ý, phải thuyết phục mãi họ mới chịu thực hiện”. Tương tự, ở xã Quảng Tiến đến nay cũng mới chỉ có 1 trường hợp thực hiện triệt sản nam. Chị Nguyễn Thị Xuân Phương, cán bộ chuyên trách Dân số - KHHGĐ xã Quảng Tiến lý giải: “Việc vận động triệt sản nam rất khó khăn. Các ông chồng đều cho rằng triệt sản thì không còn là… đàn ông, rồi bị ảnh hưởng nhiều thứ nên thuyết phục rất khó”.

Thiết nghĩ, để tăng số cặp vợ chồng sử dụng biện pháp triệt sản nam, cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, đặc biệt là dẫn chứng cụ thể người thật, việc thật về tính an toàn, hiệu quả của biện pháp triệt sản nam mới thay đổi được nhận thức của người dân về biện pháp tránh thai hiện đại này.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(Video) Mùa tiêu “ngọt”
Vụ hồ tiêu năm 2024, năng suất ổn định, giá cả lại tăng cao với mức trên 90 ngàn đồng/kg khiến người nông dân trồng loại cây này trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk phấn khởi vui mừng.