Multimedia Đọc Báo in

Người nhiễm HIV/AIDS vẫn chưa tiếp cận với Bảo hiểm y tế

08:42, 21/05/2017

Khi các nguồn tài trợ từ các tổ chức quốc tế bị cắt giảm và thuốc ARV điều trị cho người nhiễm HIV bị cắt thì Bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những nguồn lực căn cơ bảo đảm cho người nhiễm HIV/AIDS sử dụng các dịch vụ y tế và thuốc ARV một cách bền vững.

Ngày 26-6-2015, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 15/1025/TT-BYT hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS. Tuy nhiên, đã gần 2 năm ban hành Thông tư, việc triển khai BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS vẫn còn nhiều vướng mắc.

Vẫn chưa có nhiều bệnh nhân HIV/AIDS tiếp cận với BHYT; nhiều người vẫn còn băn khoăn lo lắng về việc chi trả BHYT thực hiện như thế nào, cụ thể ra sao. Theo điều tra ban đầu, hiện chỉ có khoảng 38% số bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đang điều trị, trong đó phần lớn là những người thuộc hộ nghèo, cận nghèo được cấp phát thẻ BHYT; số còn lại rất muốn tham gia BHYT nhưng không đủ khả năng mua, một số khác không có hộ khẩu, nếu về địa phương mua thì sợ bị lộ danh tính dẫn đến kỳ thị, phân biệt đối xử. Hơn nữa, hiện nay bệnh nhân HIV/AIDS vẫn đang được điều trị miễn phí nên khó vận động họ tham gia BHYT. Do một số vấn đề về thủ tục chưa thể ký kết được với Bảo hiểm xã hội nên Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh hiện vẫn chưa thực hiện việc khám chữa bệnh BHYT cho bệnh nhân nhiễm HIV.         

Bệnh nhân nhận thuốc điều trị ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Bệnh nhân nhận thuốc điều trị ARV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Về lâu dài, BHYT là giải pháp tốt nhất để người bệnh nhiễm HIV/AIDS được bảo đảm trong điều trị, tiếp cận các dịch vụ y tế. Vì thế, hiện nay Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh đang nỗ lực tuyên truyền cho bệnh nhân hiểu được quyền lợi khi tham gia BHYT như: ngoài việc điều trị HIV miễn phí còn được chăm sóc sức khỏe đối với các bệnh nhiễm trùng cơ hội khác (trừ các khoản chi phí đã được ngân sách Nhà nước chi trả); người nhiễm HIV bỏ tiền mua BHYT, chi trả một phần viện phí sẽ có trách nhiệm hơn trong việc tuân thủ điều trị, giảm được nguy cơ kháng thuốc, hạn chế việc chuyển sang phác đồ điều trị khác tốn kém chi phí nhiều hơn.

Tuy nhiên, để người nhiễm HIV/AIDS nâng cao hơn nhận thức về tầm quan trọng của việc tham gia BHYT, các cơ quan chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cộng đồng giảm kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS để họ không sợ bộc lộ danh tính, mạnh dạn đăng ký tham gia BHYT. Song song với đó, cơ quan liên quan cần phối hợp với cơ quan Bảo hiểm xã hội tạo điều kiện giải quyết các thủ tục hành chính để Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh sớm tham gia dịch vụ điều trị BHYT cho người nhiễm HIV theo hướng dẫn Thông tư 15 của Bộ Y tế.

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc