Multimedia Đọc Báo in

Trẻ em ngày càng có nguy cơ cao bị tăng huyết áp

08:37, 30/10/2016

Người ta thường quan niệm người lớn tuổi mới bị tăng huyết áp. Tuy nhiên, thực tế cho thấy độ tuổi người bị tăng huyết áp ngày càng trẻ, thậm chí có cả trẻ em ở độ tuổi tiểu học cũng bị tăng huyết áp, xuất phát từ những thói quen có hại trong ăn uống…

Cô con gái 8 tuổi của anh Trương Xuân Tứ (phường Tự An, TP. Buôn Ma Thuột) phát hiện bị tăng huyết áp sau một lần ngất xỉu khi chạy chơi trong giờ ra chơi với bạn. Khi nhân viên y tế của nhà trường đo thì huyết áp của cô bé lên tới 190/90/mmHg nên đã báo gia đình đưa bé vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh theo dõi, điều trị. Qua khai thác bệnh, bác sĩ cho biết cô bé bị bệnh tăng huyết áp do béo phì và ăn quá nhiều lượng muối trong khẩu phần ăn, hay ăn quà vặt như món bánh tráng muối ớt, bánh mì nướng muối ớt, khoai tây chiên, đùi gà, xúc xích chiên...

Tăng huyết áp là yếu tố nguy cơ chính của bệnh tim mạch. Trung bình mỗi năm ở nước ta có 90.000 ca tử vong liên quan đến tăng huyết áp. Ở trẻ em, nếu không được phát hiện sớm và kiểm soát tăng huyết áp sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của trẻ. Đến khi trưởng thành, trẻ mang căn bệnh này với những nguy cơ tiềm ẩn như: nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận…

Trước đây, có khoảng 80-90% trường hợp trẻ em bị tăng huyết áp là dạng thứ phát (do bệnh lý), trong đó nguyên nhân chủ yếu là do các bệnh lý có liên quan đến thận. Hiện nay, theo các chuyên gia tim mạch, tăng huyết áp nguyên phát ở trẻ em ngày càng tăng đến mức báo động. Nguyên nhân là do chế độ dinh dưỡng bất hợp lý và lối sống ít vận động. Cha mẹ thay vì cho con ăn đa dạng, đủ chất với lượng vừa phải thì lại ra sức chăm chút, bồi bổ để trẻ bụ bẫm. Bên cạnh đó, trẻ rất thích thức ăn nhanh, uống nước ngọt, quà vặt nhiều chất béo, đường muối và lối sống thụ động, ít vận động, nghiện xem tivi, điện thoại.

Bác sĩ chuyên khoa I Ngô Văn Hùng, Trưởng Khoa Tim mạch (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: "Có khoảng 35 - 50% các trường hợp tăng huyết áp xảy ra ở trẻ béo phì. Béo phì dẫn đến đề kháng insulin, thay đổi hoạt động mạch máu, tăng hoạt hóa hệ giao cảm, hoạt hóa rennin… khiến cơ thể tích tụ muối và gây ra tăng huyết áp. Bên cạnh đó, việc học hành căng thẳng, áp lực dẫn đến stress cũng là nguyên nhân khiến trẻ bị tăng huyết áp. Rối loạn giấc ngủ (ngủ nhiều, ngủ ít, ngưng thở khi ngủ, ngủ ngáy, dậy thì sớm cũng có nguy cơ cao  tăng huyết áp". Tăng huyết áp có thể làm giảm hoặc mất thị lực, liệt nửa người, liệt thần kinh mặt, co giật, bệnh não, bệnh lý võng mạc…

Nếu phát hiện sớm và thay đổi chế độ dinh dưỡng, sinh hoạt, huyết áp của trẻ sẽ ổn định. Điều chỉnh chế độ ăn phải hợp lý, kiên trì và cần phối hợp với nhà trường, không bắt trẻ nhịn ăn ngay khiến trẻ đói, mệt và có nhu cầu ăn nhiều hơn sau đó. Nên cắt giảm từ từ, trong đó những món có hại cho sức khỏe như thức ăn nhanh, chất béo, đường muối nhiều, cần loại khỏi thực đơn của trẻ. Với trẻ bị tăng huyết áp cần phải điều chỉnh ăn nhạt, tăng cường thêm rau xanh, trái cây, tăng cường vận động, tập thể dục 3 lần/tuần, tuyệt đối không cho trẻ xem ti vi, điện thoại, máy tính liên tục 2 giờ/ngày. 

  Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Búk chú trọng phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Nhiều chương trình, dự án đầu tư vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Krông Búk đã và đang phát huy hiệu quả, góp phần quan trọng ổn định kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc.