Multimedia Đọc Báo in

Áp lực an ninh đè nặng châu Âu sau loạt vụ tấn công khủng bố

08:10, 22/06/2017

Lực lượng an ninh Bỉ đã xác định được danh tính kẻ đánh bom tại nhà ga tàu điện ngầm trung tâm thủ đô Brussels tối 20-6 trước khi đối tượng này bị bắn và tử vong sau đó.

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon ngày 21-6 đã xác nhận thông tin trên. Trong thông báo trên đài phát thanh truyền hình RTBF, ông Jambon tuyên bố lực lượng chức năng Bỉ đã xác định rõ danh tính của "kẻ khủng bố", song không công bố thêm nhiều chi tiết.

Ông Jambon cho biết thông tin chi tiết về thiết bị gây nổ sẽ sớm được đưa ra. Hiện lực lượng chức năng Bỉ đang tập trung điều tra vụ việc.

Cho đến thời điểm hiện tại, không có bất cứ trường hợp thương vong nào ngoài kẻ đánh bom. Người phát ngôn Văn phòng công tố liên bang Bỉ trước đó khẳng định "đây được xem là một vụ tấn công khủng bố".

Vụ đánh bom tại Bỉ xảy ra một ngày sau khi một đối tượng lao xe tải vào đám đông đi bộ gần một nhà thờ Hồi giáo ở thủ đô London, Anh, khiến 1 người chết và 11 người bị thương.

n ninh được tăng cường sau vụ đánh bom ở Brussels. (Nguồn: AP)
An ninh được tăng cường sau vụ đánh bom ở Brussels. (Ảnh: AP)

Vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh hàng loạt vụ tấn công khủng bố xảy ra tại châu Âu trong những tháng gần đây, đặc biệt tại Anh và Pháp.

Thủ đô Brussels (Bỉ) vẫn luôn được đặt trong tình trạng báo động cao, kể từ sau khi tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tiến hành đánh bom tự sát tại sân bay và ga tàu điện ngầm của thành phố này hồi tháng 3-2016, khiến 32 người thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương.

Những vụ tấn công liên tiếp xảy ra khiến không chỉ dư luận mà cả giới chức các nước châu Âu đều lo ngại.

Sau vụ đâm vào xe cảnh sát hôm 19-6, Bộ trưởng Nội vụ Pháp Gerard Collomb cho rằng, cần phải có một dự luật cho phép thực hiện những biện pháp cứng rắn hơn để ngăn chặn những vụ tấn công. Ông Collomb nói: “Đối với những người vẫn còn đang băn khoăn về sự cần thiết của dự luật này, họ đã chứng kiến nước Pháp cần nó như thế nào và nếu chúng ta muốn bảo vệ các công dân một cách hiệu quả thì cần phải có những biện pháp nhất định cho phép theo dõi và ngăn chặn một số cá nhân nằm trong danh sách cần lưu ý, cũng như ngăn chặn các vụ tấn công, cho dù nó nhằm vào các công dân hay các lực lượng an ninh”.

Không chỉ Anh, Pháp hay Bỉ, mà một đất nước vốn nổi tiếng là yên bình và hầu như không có dấu hiệu cảnh báo nào về vấn đề an ninh như Thụy Điển cũng đã phải chứng kiến một vụ tấn công theo hình thức lao xe tải vào đám đông hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Đây là một dấu hiệu vô cùng đáng lo ngại về vấn đề bất ổn an ninh, đặc biệt là khi hầu hết các vụ tấn công ở châu Âu đều có sự liên quan đến các yếu tố Hồi giáo cực đoan.

Các nước châu Âu mới đây đã điều chỉnh áp dụng Luật Schengen, qua đó tăng cường kiểm soát nhân thân công dân châu Âu qua lại biên giới khu vực tự do đi lại Schengen. Mọi công dân đều phải xuất trình hộ chiếu hoặc giấy tờ tùy thân để cơ quan chức năng xác minh nhằm ngăn chặn sự xâm nhập của các chiến binh nước ngoài. Tuy nhiên, biện pháp này dường như không thể phát huy hiệu quả khi gốc rễ của vấn đề vẫn chưa được giải quyết. 

Các nhà phân tích cho rằng những diễn biến mới nhất tại châu Âu đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có nỗ lực phối hợp chặt chẽ giữa các nước cùng những giải pháp dài hơi để có thể đảm bảo an ninh cho khu vực.

Dương Hà (Theo VOV, Vietnam+)

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.