Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Mỹ-châu Phi: Mỹ thay đổi tư duy, tìm kiếm các cơ hội cho thương mại

16:14, 06/08/2014
Từ ngày 4 đến 6-8, tại thủ đô Washington DC (Mỹ) đã diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần đầu tiên trong lịch sử do Tổng thống Mỹ Barack Obama chủ trì với sự tham dự của gần 50 nguyên thủ quốc gia châu Phi, cùng phái đoàn ngoại giao các nước và khoảng hơn 100 chủ doanh nghiệp.
 
Các nhà lãnh đạo của bốn nước không được mời tham dự hội nghị là Zimbabwe, Sudan, Eritrea và Cộng hòa Trung Phi. Tổng thống Liberia, Ellen Johnson Sirleaf và Tổng thống Sierra Leone, Ernest Bai Koroma, không tham dự được hội nghị do phải ở lại trong nước để xử lý dịch Ebola bùng phát nhiều tuần qua, khiến hơn 750 người tại khu vực các quốc gia Tây Phi thiệt mạng.  
 
Tại hội nghị kéo dài ba ngày này, các nhà lãnh đạo châu Phi đã thúc giục Mỹ gia hạn Đạo luật về cơ hội tăng trưởng châu Phi (AGOA) - theo kế hoạch sẽ đáo hạn vào tháng 9-2015, nhằm cho phép hàng hóa xuất khẩu của các nước châu Phi được miễn thuế nhập khẩu khi vào thị trường Mỹ trong 15 năm. Họ tin tưởng điều này sẽ giúp làm vững chắc quan hệ thương mại cũng như thúc đẩy phát triển trong khu vực. Tổng thống Nam Phi, Jacob Zuma, cho biết hiện tại gần 95% xuất khẩu của nước này được hưởng ưu đãi nhờ AGOA. Chính quyền Tổng thống Barack Obama hy vọng cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên này sẽ là cơ hội để thúc đẩy thương mại, phát triển kinh tế, tăng cường can dự và củng cố quan hệ an ninh với một châu lục mà nhiều nước lớn khác như Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Liên minh châu Âu (EU) cũng đã và đang gia tăng cường mở rộng quan hệ. Phát biểu với báo giới trước đó, Tổng thống Obama đánh giá châu Phi là một châu lục có những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới và một tầng lớp trung lưu ngày càng đông. Mở rộng quan hệ với châu Phi là nằm trong lợi ích quốc gia của Mỹ. Cuộc gặp được tổ chức trên cơ sở những tiến bộ trong quan hệ Mỹ-châu Phi kể từ chuyến công du tới châu lục này trong một tuần của Tổng thống Obama hồi tháng 6-2013. Cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-châu Phi diễn ra vào thời điểm Quỹ Tiền tệ Quốc tế đánh giá châu Phi hiện có tốc độ phát triển nhanh hơn châu Á. Hiện châu lục này có sáu trong số 10 nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất thế giới. Nhiều chuyên gia hy vọng trong tương lai châu Phi sẽ thoát khỏi hình ảnh một châu lục bị chiến tranh tàn phá, nơi từ trước tới nay các mối quan hệ đối ngoại hầu hết chỉ tập trung vào các hình thức viện trợ. 
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) bắt tay Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- Châu Phi
Tổng thống Mỹ Barack Obama (phải) bắt tay Tổng thống Nam Phi Jacob Zuma trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ- châu Phi

Mỹ hiện là đối tác thương mại lớn thứ ba của châu Phi sau EU và Trung Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều Mỹ-châu Phi năm 2013 đạt 60 tỷ USD, vẫn thấp hơn đáng kể so với hơn 200 tỷ USD của EU và 170 tỷ USD của Trung Quốc. Phát biểu ngày 5-8 tại diễn đàn của hơn 100 doanh nghịêp của Mỹ và châu Phi, Tổng thống Obama thông báo chính phủ và các tập đoàn công ty Mỹ cam kết từ nay đến năm 2018 đầu tư tổng cộng 33 tỷ USD vào các dự án trong các lĩnh vực khác nhau của châu Phi, trong đó có lĩnh vực năng lượng, xây dựng hạ tầng cơ sở và ngân hàng. Trong 33 tỷ này có 12 tỷ USD của Chính phủ Mỹ, theo đó mở rộng Sáng kiến Năng lượng châu Phi (PAI) mà Tổng thống Obama đã đề xuất hồi tháng 6 năm ngoái trong chuyến thăm châu Phi lần thứ ba. Sáng kiến với vốn đầu tư ban đầu 7 tỷ USD này là nhằm phát triển mạng lưới điện gồm thủy điện, nhiệt điện, phong điện và điện mặt trời, hướng tới mục tiêu trong vòng 5 năm cung cấp điện cho ít nhất 20 triệu người tại các nước Ethiopia, Ghana, Kenya, Liberia, Nigeria và Tanzania. Ngoài khoản tiền cam kết của chính phủ còn có 5 tỷ USD cam kết của tập đoàn chế biến và kinh doanh nước giải khát CocaCola, 2 tỷ USD của tập đoàn General Electric, 200 triệu USD của tập đoàn khách sạn Marriot Marriott International Inc., 66 triệu của IBM… Số còn lại là của các tập đoàn và công ty khác của Mỹ như Chevron Corp., Citigroup Inc., Ford Motor Co., Lockheed Martin Corp., Morgan Stanley và Wal-Mart Stores Inc. Ông Obama nhấn mạnh, với cam kết đầu tư này, nước Mỹ quyết tâm trở thành một đối tác trong sự thành công của châu Phi “chứ không chỉ thuần túy nhòm ngó vào nguồn tài nguyên phong phú của châu lục này”.

Dư luận quốc tế cũng đã bình luận sôi nổi về sự kiện này. Với chủ đề “Đầu tư cho thế hệ tương lai”, tờ Thời báo Tài chính (Financial Times) đánh giá đây là “cơ hội để Mỹ lấy lại thời gian đã mất trong cạnh tranh với các nền kinh tế mới nổi”. Tờ Business Day (Nigeria) nhấn mạnh: “thương mại và đầu tư là những chủ đề quan trọng nhất” và hội nghị là cơ hội Mỹ “trình bày với nguyên thủ quốc gia và giới kinh doanh châu Phi về chiến lược thương mại mới của Mỹ. Bởi vì từ hơn 10 năm nay, Mỹ đã tụt hậu so với Trung Quốc và châu Âu trong giao thương với châu lục”. Trang thông tin trực tuyến của Nam Phi IOL dẫn lại tuyên bố của Tổng thống Obama về một “châu Phi thịnh vượng và chỉ tùy thuộc vào chính bản thân mình” cùng lời bình luận: “Khi đón tiếp các nguyên thủ quốc gia châu Phi, ông Obama tuyên bố rằng thế giới trong tương lai có được ổn định hay không là tùy thuộc vào những tiến bộ đạt được tại châu lục nghèo đói nhất hành tinh này”. 
 
Tuy nhiên, dư luận tại một số nước châu Phi cũng không hoàn toàn lạc quan vì cho rằng cuộc gặp thượng đỉnh phần lớn mang ý nghĩa “tượng trưng”. Tạp chí Leadership (Nigeria) khuyến nghị: “Nếu nước Mỹ của Tổng thống Obama muốn giúp đỡ chúng ta, thì trước hết hãy giúp chúng ta lấy lại những tài nguyên thiên nhiên đã bị đánh cắp từ nhiều năm nay bởi giới cầm quyền tham nhũng cùng các đối tác nước ngoài của họ”. Về lãnh đạo 4 nước không được Tổng thống Obama mời (gồm Sudan, Zimbabwe, Trung Phi, Eritrea), tạp chí Jeune Afrique (Pháp) giải thích: “Tổng thống Robert Mugabe của Zimbabwe không được mời vì là lãnh tụ châu Phi chống phương Tây mạnh mẽ; Tổng thống Eritrea Issayas Afewerki bị cáo buộc vì nuôi dưỡng khủng bố tại Somalia; Tổng thống Sudan Omar El-Béchir đang là đối tượng bị Tòa án Hình sự quốc tế truy nã”.
 
Trên thực tế, cho đến nay Mỹ chưa có cơ chế tiếp xúc cấp cao nào với châu Phi, trong khi đó, Pháp đã có từ nhiều thập kỷ nay, Trung Quốc triển khai mạnh từ nhiều năm trở lại đây (để khai thác tài nguyên, nhất là nguyên liệu cho nền kinh tế Trung Quốc), Nhật Bản cũng có cơ chế TICAD, Hàn Quốc và Ấn Độ sắp triển khai. Hãng tin DW của Đức dẫn lời chuyên gia phân tích về châu Phi của tổ chức RAND Corp Larry Hanauer nhận xét: “Ở châu Phi, Mỹ chỉ lo an ninh, còn Trung Quốc thì chỉ lo kiếm tiền”. Theo các nhà quan sát, việc Mỹ tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - châu Phi lần đầu tiên này là nhằm giải toả những chỉ trích của một số chính giới Mỹ về chính sách đối đối ngoại của Tổng thống Obama đối với châu lục. Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Susan Rice thừa nhận rằng người Mỹ cần phải thay đổi "tư duy lỗi thời" của họ về châu lục này: “Quá nhiều người Mỹ vẫn chỉ nhìn châu Phi như là nơi của xung đột, dịch bệnh và nghèo đói, chứ không phải là nơi của sự đa dạng và đổi mới”.
 
H.T (tổng hợp)
 
 
 
 
 

Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.