Multimedia Đọc Báo in

Cư San: Năm học mới, nỗi lo cũ

10:16, 24/08/2016

Không như nhiều trường học ở những nơi có điều kiện kinh tế-xã hội thuận lợi, công tác chuẩn bị cho năm học mới 2016-2017 ở Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M’Đrắk) còn khá ngổn ngang.

Ngày tựu trường (15-8), nhưng công tác tuyển sinh vào lớp 6 của trường mới đạt 75% chỉ tiêu dù chính quyền địa phương liên tục tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh; các thôn buôn tổ chức họp dân và thầy cô giáo đến từng nhà học sinh (HS) vận động. Thầy Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Thật lòng, việc huy động HS đến trường không đáng lo lắm! Phần lớn người dân ở Cư San là dân di cư ngoài kế hoạch từ các tỉnh phía Bắc đến lập nghiệp nên chỉ đưa con đến trường khi bước vào năm học. Điều mà nhà trường lo lắng là tổ chức nơi ăn, nghỉ cho các em”.

Cán bộ Phòng GD-ĐT và lãnh đạo nhà trường kiểm tra chỗ bán trú của học sinh.
Cán bộ Phòng GD-ĐT và lãnh đạo nhà trường kiểm tra chỗ bán trú của học sinh.

Năm 2012, Trường THCS Tô Hiệu được chuyển sang mô hình bán trú, tuy nhiên lại chưa được Nhà nước đầu tư xây dựng nhà nội trú, bếp ăn tập thể cho HS, nhà công vụ cho giáo viên. Vì vậy, vào đầu mỗi năm học, nhà trường lại huy động phụ huynh đem gỗ, ván đến dựng nhà trong khuôn viên trường cho con ở. 3 năm học qua, trường đã vận động phụ huynh làm được 3 dãy nhà, mỗi dãy từ 3-4 phòng. Mục sở thị nhà ở của các em, chúng tôi không khỏi xót xa khi thấy phòng ở được làm bằng ván, mái lợp tôn cũ kỹ, còn giường ngủ là những tấm ván ghép vào nhau. Mỗi phòng rộng khoảng 20 m2 nhưng có đến 20 em ở. “Hơn 70% gia đình ở xã Cư San thuộc diện hộ nghèo nên mỗi năm học chỉ dựng nhà cho con ở học một lần. Đến giữa năm học, mưa gió làm tốc mái, vách nhà hư hỏng, nước mưa tạt vào. Còn mùa đông, nhìn các em co ro trong gió lạnh, thương lắm nhưng nhà trường cũng không làm được gì hơn”, thầy Thiện giấu tiếng thở dài. Năm học 2016-2017, trường có 250 HS thuộc diện được hỗ trợ bán trú, nhưng nhà bếp của các em chỉ rộng chừng 12 m2 do phụ huynh làm bằng cây rừng. 3 nhân viên cấp dưỡng của trường rất khó khăn trong việc tổ chức 2 bữa ăn/ngày cho chừng ấy HS. “Mùa nắng còn đỡ, chứ mùa mưa, bữa ăn của các em khó đúng giờ. Rất may 3 năm tổ chức mô hình bán trú chưa có trường hợp nào bị ngộ độc thực phẩm, nhưng khó nói trước điều gì khi số lượng HS ở nội trú đông, mà điều kiện để sơ chế, bảo quản thực phẩm chưa bảo đảm!”, thầy Vũ Đức Hiếu, giáo viên môn Sinh quan ngại.

 Điều kiện ăn ở của cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường cũng chẳng khá hơn khi 41 người phải tận dụng chân cầu thang của trường làm nơi nấu ăn, còn phòng ăn vẫn phải dùng tạm phòng chức năng. Từ nguồn tiết kiệm chi thường xuyên, trước ngày tựu trường năm học này, nhà trường mua một số vật liệu như ván, tôn và huy động giáo viên, nhân viên làm nhà bếp phía sau nhà hiệu bộ.  Được biết, trong khuôn khổ chương trình Về nguồn “Tự hào Cư Prao” năm 2015, Tỉnh Đoàn đã xây dựng tặng trường một nhà bán trú theo công nghệ lắp ghép, tuy nhiên số lượng HS ở bán trú đông, do đó nhiều em vẫn phải ở trong những dãy nhà do phụ huynh dựng đã xuống cấp. 

Hơn lúc nào hết thầy trò vùng khó Cư San rất mong nhận được sự quan tâm của Nhà nước, sự sẻ chia của các những tấm lòng thơm thảo để có thêm nhà bán trú, bếp ăn khang trang, sạch sẽ bảo đảm sức khỏe cho thầy và trò, yên tâm đeo đuổi con chữ.     

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tự hào trang sử anh hùng
Cách đây 49 năm, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 của quân và dân ta, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, đã kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, mở ra kỷ nguyên độc lập dân tộc, cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.