Multimedia Đọc Báo in

Dạy con biết cách ứng xử khi giao tiếp

09:32, 01/06/2014
Để có thể sống và hòa nhập tốt với các mối quan hệ trong xã hội, trẻ em cần được dạy dỗ và chăm sóc một cách chu đáo, cẩn thận, nhất là trong những hành vi, cách ứng xử giao tiếp hằng ngày. Do đó, việc dạy trẻ biết cách ứng xử khi giao tiếp ngay từ khi còn nhỏ là điều rất cần thiết. Biết cách ứng xử sao cho đúng mực và phù hợp sẽ là những hành trang vô cũng quý giá cho trẻ sau này.

Nhiều bậc cha mẹ cho rằng việc dạy cách ứng xử khi giao tiếp cho con chỉ cần thiết khi trẻ bắt đầu trưởng thành. Điều này vô cùng sai lầm bởi việc dạy cách ứng xử cho con cái ngay từ nhỏ sẽ tạo nền tảng ban đầu trong việc nhận thức về các hành vi đúng - sai của trẻ, giúp trẻ có thể hòa nhập với xã hội, hoàn thiện bản thân hơn khi trưởng thành. Có nhiều bậc cha mẹ vì quá bận rộn hoặc thiếu quan tâm con cái mà chưa để ý đến việc giáo dục cách ứng xử cho con, hệ quả là làm trẻ dễ bị thụ động, sinh hư, hay cãi lời cha mẹ và hỗn hào với mọi người xung quanh. Vì vậy, cha mẹ cần có sự quan tâm cũng như căn cứ vào độ tuổi của trẻ để có thể đưa ra phương pháp uốn nắn phù hợp.

Có lẽ, điều đầu tiên và cần thiết trong việc dạy con biết cách ứng xử khi giao tiếp là giúp con học cách chào hỏi và thưa gửi lễ phép. Chào hỏi và thưa gửi chính là những bước đầu tiên của một cuộc giao tiếp. Cha mẹ cần tập cho trẻ có thói quen xin phép và chào hỏi với các thành viên trong gia đình như: bố mẹ, ông bà, anh chị, trước và sau khi ra khỏi nhà hay lần đầu tiếp xúc với người xung quanh…; đồng thời, cần tập cho con biết cách chào như: cúi đầu và nói lời chào trước người lớn tuổi, biết khoanh tay chào khi nhà có khách… Nếu có dịp về bên nội và bên ngoại chơi, hoặc nếu đi thăm gia đình khác, cha mẹ nên giới thiệu cho trẻ biết con mình sẽ gặp những ai và nên chào hỏi và thưa gửi như thế nào... Bên cạnh việc giúp trẻ biết cách chào hỏi thì cha mẹ cần giúp trẻ biết cách trả lời trước những câu hỏi của mọi người khi giao tiếp. Muốn vậy, cha mẹ cần chú ý trong cách đặt câu hỏi cho con, khơi gợi những câu trả lời khéo cho con. Cần tránh hỏi con những câu hỏi cộc lốc, thiếu chủ - vị ngữ. Bởi như thế sẽ ảnh hưởng tới câu trả lời của con trẻ. Cần nhắc nhở con thường xuyên nói lời dạ, vâng khi trò chuyện.

Ngoài ra, cha mẹ cũng cần dạy con biết nói lời cảm ơn và xin lỗi. Điều này sẽ giúp con trẻ biết cách tôn trọng và nhận được cảm tình của người khác khi giao tiếp. Khi một ai đó cho hay tặng cái gì, cha mẹ nên dặn con phải đưa hai tay và nói lời cảm ơn. Khi con trẻ làm điều có lỗi với người khác, cha mẹ không vì thế mà quát mắng, đánh đập ngay, thay vào đó hãy dạy con cách nói lời xin lỗi và tìm cách sửa lỗi. Đôi khi trẻ sẽ bướng bỉnh mà không chịu làm theo lời cha mẹ căn dặn, lúc này cha mẹ nên giải thích từ từ cho con, tránh làm trẻ hoảng sợ mà nói dối hay đổ lỗi cho người khác.

Ông bà ta thường có câu: “Học ăn, học nói, học gói, học mở” hay “Đi một ngày đàng học một sàng khôn”, việc dạy trẻ biết cách ứng xử khi giao tiếp sẽ góp phần xây dựng cho trẻ những nền tảng ban đầu trong cách ứng xử. Có như thế, trẻ mới sớm có ý thức tự giác và không ngừng hoàn thiện về nhân cách.

Hà Văn


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.