Multimedia Đọc Báo in

Đào tạo theo học chế tín chỉ: Nâng cao chất lượng giáo dục đại học

14:46, 31/12/2011

Năm học 2009-2010,Trường Đại học Tây Nguyên bắt đầu chuyển từ hình thức đào tạo theo niên chế sang học chế tín chỉ. Đây được xem là giải pháp quan trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đáp ứng các nhu cầu luôn biến động của thị trường nhân lực hiện nay.

Trao quyền chủ động cho sinh viên
Theo Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui, Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Tây Nguyên, ưu điểm vượt trội của đào tạo theo học chế tín chỉ là trao quyền chủ động cho sinh viên (SV) trong việc lựa chọn kiến thức, quyết định tiến trình học tập phù hợp với năng lực. Không giống như đào tạo theo niên chế, kiến thức của hệ thống đào tạo tín chỉ được cấu trúc thành các học phần. Vào đầu mỗi học kỳ, SV được đăng ký các môn học thích hợp với năng lực, điều kiện nhưng phải phù hợp với quy định chung nhằm đạt được lượng kiến thức theo ngành học. Với cấu trúc mềm dẻo này, SV có thể rút ngắn thời gian học, chuyển đổi ngành nghề, học liên thông, chuyển tiếp tới các cấp học tiếp theo ở trong nước và nước ngoài. Tiến sĩ Nguyễn Tấn Vui cho biết thêm, đào tạo theo học chế tín chỉ, kết quả học tập của SV được tính theo từng đơn vị học phần do đó không cản trở quá trình tiếp tục học, không  bị buộc phải quay lại học từ đầu nếu như không đạt, vì vậy  học phí đào tạo sẽ thấp hơn so với đào tạo theo niên chế.

Mục đích cuối cùng của chuyển đổi hình thức đào tạo là nâng cao chất lượng giáo dục. Đào tạo theo học chế tín chỉ lấy SV làm đối tượng trung tâm, bắt buộc mỗi SV phải nỗ lực phấn đấu liên tục trong các học kỳ. Chất lượng của học kỳ sau cao hơn học kỳ trước (học kỳ đầu của năm nhất, SV phải đạt điểm tích lũy bình quân 1.2, học kỳ kế tiếp 1.4, 1.6, 1.8…) do đó, sẽ không còn chỗ đứng cho chủ nghĩa bình quân như đào tạo theo niên chế, Thạc sĩ Trương Hải, Phó trưởng Phòng Đào tạo cho biết.

Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia Hội thảo khoa học đào tạo giáo viên và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo hệ thống tín chỉ.
Giảng viên, sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên tham gia Hội thảo khoa học đào tạo giáo viên và bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm theo hệ thống tín chỉ.

Còn lắm những khó khăn
Hơn 80 SV bị buộc thôi học trong năm học 2009 - 2010, là con số không nhiều so với các trường mới chuyển đổi loại hình đào tạo, nhưng đủ làm “giật mình” nhà quản lý, giáo viên và SV. Khi đào tạo theo niên chế, mỗi năm chỉ có vài SV bị buộc nghỉ học do vi phạm. Từ đó có thể thấy, SV chưa thích nghi với loại hình đào tạo mới. Trong suốt 12 năm học phổ thông, học sinh quá quen thuộc dưới sự dìu dắt, bảo bọc của thầy cô, khi mới “chân ướt, chân ráo” vào đại học, được nhà trường trao cho quyền chủ động hoàn toàn, không ít SV bị “sốc”, nhiều SV cho biết. Mặt khác, các điều kiện cần thiết như: hệ thống tài liệu học tập cho các học phần, quản lý hoạt động giảng dạy-học tập của giảng viên, SV; đội ngũ cố vấn học tập; tin học hóa việc quản lý quá trình đào tạo; đặc biệt là cơ sở vật chất chưa đáp ứng được với mục tiêu của việc chuyển đổi hình thức đào tạo. Tiến sĩ Trần Văn Dũng, Trưởng Khoa Sư phạm Trường Đại học Tây Nguyên cho rằng, về cơ bản phương thức đào tạo đã thay đổi nhưng bản chất của việc học và việc dạy chưa thay đổi. Tiến sĩ Dũng phân tích, theo hình thức đào tạo tín chỉ, một đơn vị tín chỉ được tính bằng 15 tiết lên lớp và 30 tiết chuẩn bị của cá nhân. Trong khi đó, giáo viên, SV của trường vẫn đang quen với việc giảng dạy và học tập tất cả ở giảng đường. Giảng viên chưa quen thiết kế những chương trình ngoài giờ lên lớp cho SV và SV cũng chưa coi giờ tự học, những buổi chuẩn bị ở nhà là một phần của môn học. Không thể phủ nhận một thực tế, giáo trình áp dụng cho học chế tín chỉ vẫn là giáo trình cũ của chương trình niên chế. Thạc sĩ Vũ Minh Chiến, Khoa Sư phạm cho biết thêm, theo quy chế của đào tạo tín chỉ, hàng trăm SV có thể học chung trong một giảng đường lớn để được nghe bài giảng của những giảng viên giỏi. Nhưng sang đến giờ thực hành, thảo luận, lớp chỉ nên có 20 - 30 SV/phòng, song cơ sở vật chất, phòng học của trường chưa đáp ứng, dù học lý thuyết hay thực hành, số lượng SV cũng không được điều chỉnh. Bên cạnh đó, số học phần do 2 giảng viên trở lên đảm nhiệm chưa nhiều, vì vậy việc chủ động lựa chọn môn học và thời gian học tập của SV bị hạn chế… Xét cho cùng, để đạt được hiệu quả đào tạo phải xuất phát từ phía người dạy và người học. Song trên thực tế ở Trường Đại học Tây Nguyên hiện nay, cả giảng viên và SV chưa sẵn sàng áp dụng phương pháp đào tạo mới. Điều này thể hiện rõ, tính chủ động của SV chưa cao, vẫn giữ tư duy dựa vào đội ngũ cố vấn học tập, cán bộ lớp để nắm bắt thông tin của nhà trường. Dẫn đến tình trạng bị động trong lựa chọn thời gian học, lớp học và thiết kế thời khóa biểu riêng phù hợp với năng lực và nhu cầu. Theo Thạc sĩ Nguyễn Thị Hoài, Khoa Sư phạm, không riêng gì SV, để đào tạo theo học chế tín chỉ đạt hiệu quả, bên cạnh sự chủ động, nỗ lực của SV, bản thân mỗi giảng viên cũng cần có phương pháp dạy học tích cực; và quan trọng phải hiểu được yêu cầu của người học để cung cấp thông tin, định hướng mục tiêu học tập, khuyến khích  sự tích cực, chủ động tư duy, sáng tạo và thực hành trong quá trình tiếp nhận tri thức. Khi áp dụng phương pháp dạy học tích cực giáo viên là người giữ vai trò hướng dẫn, gợi ý, giúp đỡ SV tự tìm kiếm, khám phá những tri thức mới theo kiểu tranh luận, hội thảo theo nhóm, từ đó hệ thống hóa các vấn đề, tổng kết bài giảng, giúp SV khắc sâu hơn những kiến thức đã được chiếm lĩnh. Chia sẻ quan điểm trên, cô Nguyễn Thị Hương, Trưởng Khoa Ngoại ngữ cho rằng, việc chủ động trong lĩnh hội tri thức không chỉ giúp SV nắm vững kiến thức cần thiết mà còn tích luỹ, mở rộng thêm nhiều kiến thức mới, nhờ đó, tầm nhận thức, sự hiểu biết ngày một rộng hơn. Quan trọng hơn, việc tự tìm tòi, học tập giúp SV tự tin, năng động; đây cũng là yếu tố giúp SV thích nghi với những thay đổi về nhu cầu nhân lực hiện nay và gặt hái được nhiều thành công trong cuộc sống. Và đó cũng chính là mục tiêu của việc  chuyển đổi  hình thức đào tạo mà Trường Đại học Tây Nguyên đang phấn đấu đạt đến.

 

Nguyên Hoa

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Chủ động kết nối, giải quyết việc làm cho người lao động
Tỉnh Đắk Lắk luôn tạo điều kiện thuận lợi về cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, đẩy mạnh đào tạo nghề để người dân có nhiều cơ hội tìm kiếm việc làm, có thu nhập ổn định, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội địa phương.