Multimedia Đọc Báo in

Sinh đẻ nhiều và vòng xoay đói nghèo

10:32, 27/11/2018
Buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin nằm ngay gần khu vực trung tâm huyện, song tình trạng kết hôn, mang thai sớm, đẻ nhiều, đẻ dày vẫn diễn ra phổ biến . Tư tưởng “đẻ nhiều con để sau này được nhờ” của người dân đã đặt ra bài toán khó cho công tác dân số nơi đây.

“Trời sinh voi, trời không sinh cỏ”

Sau khi lấy chồng, chị H’Buăr Bkrông (42 tuổi, ở buôn Ea Khít, xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) lần lượt sinh 8 người con, đứa lớn năm nay 22 tuổi, đứa út 8 tuổi. Những năm tháng mang nặng đẻ đau cộng với cuộc sống lam lũ, túng thiếu khiến cho chị H’Buăr vốn đã gầy gò càng thêm phần tiều tụy. Cảnh nhà đông người, nương rẫy lại ít, bao năm qua 2 vợ chồng chị vẫn ngày ngày đi làm thuê, làm mướn lo cho các con.

Cái nghèo bủa vây, mấy đứa con lớn của chị lần lượt nghỉ học ở nhà theo bố mẹ đi làm thuê cùng lo cho gia đình và nuôi 3 em nhỏ đi học. Dẫu vậy cuộc sống cũng chẳng đỡ hơn bao nhiêu. Chị H’Buăr đẻ dày, các con cách nhau chỉ 1-2 năm, nên khi các con còn nhỏ, chồng chị phải đi làm thuê biền biệt, ai thuê gì làm nấy, có khi cả tháng mới về nhà một lần. Bản thân chị sau mỗi lần sinh cũng chẳng biết đến chuyện ở cữ, lần nào nhiều lắm thì con đầy tháng là đã theo chồng đi cày ruộng, cuốc đất thuê cho người ta, để các con ở nhà tự chăm nhau. Thế mà cuộc sống vẫn thiếu trước hụt sau, cố gắng đến mấy cũng không thoát nghèo. May mắn là gia đình được nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết chứ không giờ này vẫn dắt díu nhau trong căn nhà ọp ẹp, trời mưa không có được một chỗ ngủ khô ráo.

Chị Hà Thị Vấn (bìa phải), cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Bhốk đến vận động vợ chồng chị H'Buăr  thực hiện kế hoạch hóa gia đình.
Chị Hà Thị Vấn (bìa phải), cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Bhốk đến vận động vợ chồng chị H'Buăr thực hiện kế hoạch hóa gia đình.

Từng có suy nghĩ sinh nhiều con để khi về già có nơi nương tựa, nhưng suốt 22 năm qua, kể từ khi sinh con đầu lòng, chị H’Buăr chưa có lấy một ngày thảnh thơi. Chị tâm sự: "Con nhiều sung sướng đâu chưa thấy, chỉ thấy khổ thôi. Bạn bè tôi, những ai sinh 7-8 người con đều chật vật, túng quẫn cả. Đẻ nhiều, đẻ dày khổ lắm, tôi chẳng có thời gian để chăm sóc bản thân, giờ sức khỏe sa sút nhiều, đau bệnh suốt thôi".

Không muốn sinh nhiều con như mẹ vì sợ vất vả, nhưng H’Bitit Bkrông - con gái đầu của chị H’Buăr lại mong sinh cho bằng được con gái. H’Bitit cho biết: 19 tuổi em lấy chồng, giờ đã có con trai 2 tuổi. Em sẽ không sinh nhiều như mẹ đâu, vất vả lắm, chỉ sinh 2 con, nếu cả 2 đều là con trai thì sẽ cố sinh thêm đứa thứ 3 để có con gái (?!). Hiện giờ em không dùng biện pháp tránh thai nào cả, nếu có bầu thì sẽ sinh luôn.

Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức

Theo chị H’Win Byă, cộng tác viên dân số của buôn Ea Khít, phần lớn chị em có từ 5 - 8 người con đều ở thế hệ 7X. Thế hệ 8X thì có tiến bộ hơn, nhưng vẫn có nhiều chị em còn tư tưởng muốn sinh nhiều con, nhất là những gia đình sinh con một bề. Vì thế tình trạng sinh con thứ 3 trở lên của buôn vẫn diễn ra khá phổ biến. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2018 đến nay, trong buôn đã có gần 20 trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Các hộ đông con hầu hết đều là hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn.

Để cải thiện tình trạng sinh con thứ 3 trở lên, thời gian qua, cộng tác viên dân số của buôn và cán bộ chuyên trách dân số xã thường xuyên phối hợp với hội phụ nữ tổ chức tuyên truyền lồng ghép trong các buổi sinh hoạt phụ nữ. Đồng thời trực tiếp đến từng nhà để tuyên truyền, vận động làm thay đổi suy nghĩ “đông con, nhiều của” ăn sâu trong tư tưởng của các gia đình. Chị Hà Thị Vấn, cán bộ chuyên trách dân số xã Ea Bhốk chia sẻ: Quá trình tuyên truyền, chúng tôi thường nêu lên các ví dụ cụ thể và so sánh cuộc sống của những gia đình sinh nhiều con với gia đình ít con để các cặp vợ chồng thấy được sự chênh lệch, từ đó dần thay đổi nhận thức. Việc tuyên truyền không phải lúc nào cũng thuận lợi, đôi lúc có nhiều hộ gia đình tỏ ra khó chịu khi thấy có người đến nhà nói chuyện “phòng the”. Khó khăn là vậy nhưng công việc của mình thì phải kiên trì tìm cách tiếp cận. Để ngày càng có nhiều hộ gia đình nâng cao nhận thức về sinh đẻ có kế hoạch, ngoài nỗ lực của đội ngũ cán bộ dân số, còn cần có sự vào cuộc của chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở địa phương.

 Kim Oanh

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.