Multimedia Đọc Báo in

Những nữ cộng tác viên dân số nhiệt huyết, tận tâm

08:43, 28/03/2017

Công tác tại các địa bàn khó khăn, công việc vất vả, phụ cấp lại ít ỏi song các chị vẫn gắn bó với vai trò cộng tác viên dân số suốt hàng chục năm; luôn tận tâm, tận tụy với công việc nhằm giúp người dân địa phương nâng cao nhận thức về chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ).

Đến nay, chị Bàn Mùi The đã có “thâm niên” hơn 11 năm làm cộng tác viên dân số tại thôn Đại Thành, xã Ea M’droh (huyện Cư M’gar). Thôn Đại Thành có địa bàn khá rộng, với tổng số 114 hộ, 529 nhân khẩu, trong đó có 104 cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ, phần lớn người dân là đồng bào dân tộc Dao. Trước đây, do trình độ dân trí thấp, quan niệm phải có con trai để “nối dõi tông đường”, “đông con hơn đông của” và “trời sinh voi trời sinh cỏ”… vẫn còn phổ biến nên nhiều gia đình sinh đông, sinh dày và mãi luẩn quẩn trong cảnh nghèo đói, trẻ em bị suy dinh dưỡng, bỏ học sớm…

Chị Bàn Mùi The (phải) thường xuyên đến tận hộ gia đình để tuyên truyền về dân số - KHHGĐ.   Ảnh: T.Dũng
Chị Bàn Mùi The (phải) thường xuyên đến tận hộ gia đình để tuyên truyền về dân số - KHHGĐ. Ảnh: T.Dũng

Khi nhận công việc cộng tác viên dân số của thôn, chị The mới 19 tuổi, lại chưa lập gia đình nên gặp rất nhiều khó khăn khi tuyên truyền, vận động người dân. Nhưng nhờ chịu khó học hỏi các đồng nghiệp đi trước, nghiên cứu tài liệu, chị đã nâng cao kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về dân số - KHHGĐ. Với trách nhiệm và sự tận tụy trong công việc, chị The luôn đổi mới và đa đạng hóa hình thức tuyên truyền, vận động người dân, lồng ghép trong các buổi họp thôn, Chi hội phụ nữ, Chi hội nông dân, nói chuyện chuyên đề... Không quản ngại khó khăn, chị tìm đến tận các hộ gia đình để tìm hiểu hoàn cảnh, kiên trì phân tích cho từng đối tượng hiểu rõ tác dụng của việc sinh đẻ có kế hoạch, các biện pháp tránh thai, cách phòng tránh các lây truyền qua đường tình dục, không sinh con thứ 3... Trong quá trình vận động, chị đã khéo léo nêu gương những cặp vợ chồng sinh ít con, gia đình hạnh phúc, kinh tế khá giả để mọi người học hỏi và làm theo. Dù nhiều lần gặp khó khăn vì đối tượng không hợp tác nhưng bằng sự kiên trì, nhẫn nại, chị đã dần dần làm cho người dân hiểu, tin tưởng và dành thời gian lắng nghe mỗi lần chị tư vấn… Không chỉ vận động người khác mà chính gia đình chị cũng thực hiện làm gương. Vợ chồng chị The chỉ mới 30 tuổi nhưng vẫn quyết định dừng lại ở 2 con để nuôi dạy cho tốt…

Sự nhiệt tình của chị The đã góp phần mang lại hiệu quả rõ rệt trong công tác dân số - KHHGĐ ở địa phương. Đến nay, tỷ lệ các cặp vợ chồng trong thôn sử dụng các biện pháp tránh thai chiếm hơn 85,57%; số các cặp vợ chồng sinh con thứ 3 trở lên cũng giảm đáng kể, đặc biệt trong năm 2016 thôn Đại Thành là một trong 4 địa bàn của xã Ea M’droh không có trường hợp sinh con thứ 3 trở lên. Với sự nỗ lực trong công việc, chị Bàn Mùi The đã nhiều lần được biểu dương, khen thưởng. Năm 2016, chị là một trong 17 cộng tác viên dân số được Chủ tịch UBND huyện Cư M’gar khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác dân số - KHHGĐ.

Suốt 22 năm qua, trong vai trò cộng tác viên dân số thôn 2, xã Dliê Yang (huyện Ea H’leo), chị Vũ Thị Hồng luôn dành nhiều công sức và tâm huyết giúp người dân chuyển đổi hành vi về KHHGĐ và xây dựng hạnh phúc bền vững.

Chị Vũ Thị Hồng (giữa) đang vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình.   Ảnh: T.Nguyên
Chị Vũ Thị Hồng (giữa) đang vận động người dân thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Ảnh: T.Nguyên

Năm 1995, khi chị Hồng mới đảm nhiệm vai trò cộng tác viên dân số, hầu hết các cặp vợ chồng trong thôn không sử dụng biện pháp tránh thai, nhà nào cũng sinh 5-6 người con trở lên, phổ biến là tình trạng con cái nheo nhóc, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, không được học hành đến nơi đến chốn. Chị Hồng gặp rất nhiều trở ngại vì đường sá khó khăn, nhà dân ở cách xa nhau, chị lại không biết đi xe nên mỗi lần đi tuyên truyền, vận động thì phải đi bộ, hoặc nhờ chồng chở đi. Đến nhà người dân, chị nhiều lần gặp thái độ bất hợp tác hoặc những lời nói khó nghe: “Tôi đẻ thì tôi nuôi, đâu nhờ ai nuôi đâu mà chị phải lo”...

Khó khăn là vậy nhưng chị Hồng không nản chí. Với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, hằng ngày chị kiên trì đến từng hộ gia đình để tư vấn, cung cấp phương tiện tránh thai và vận động bà con thực hiện kế hoạch hóa gia đình. Chị thường phối hợp với Ban tự quản, các đoàn thể trong thôn, lồng ghép vào các buổi họp dân, họp các chi hội đoàn thể… để tuyên truyền về chính sách dân số-KHHGĐ. Nhờ sự tâm huyết và nhiệt tình của chị Hồng nên công tác dân số-KHHGĐ ở thôn 2 chuyển biến tích cực. Trong thôn hiện có 125 hộ với 530 nhân khẩu, trong đó có 150 phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ có chồng, tỷ lệ các cặp vợ chồng sử dụng các biện pháp tránh thai đạt 87%; riêng biện pháp đình sản đã có 25 người thực hiện. Trong những năm gần đây, tình trạng sinh con thứ 3 trong thôn ít khi xảy ra (riêng năm 2016 không có trường hợp nào). Điều quan trọng là nhiều gia đình đã nhận thức sinh ít con để tập trung phát triển kinh tế và xây dựng hạnh phúc bền vững.

Hơn 20 năm làm cộng tác viên dân số, năm nào chị Hồng cũng được khen thưởng vì hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Trung Dũng - Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc