Multimedia Đọc Báo in

Đồng hành cùng thanh niên trong lập thân lập nghiệp

10:07, 25/03/2016

Đồng hành cùng thanh niên lập thân, lập nghiệp là một trong những phong trào được các cấp bộ Đoàn trong tỉnh triển khai sâu rộng, qua đó giúp đoàn viên, thanh niên có điều kiện học tập, phát triển kinh tế, có việc làm ổn định vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần thiết thực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

Nhiều hoạt động hỗ trợ

Gia đình chị Nguyễn Thị Thay (đoàn viên Chi đoàn thôn 5, xã Hòa Xuân, TP. Buôn Ma Thuột) thuộc diện khó khăn của địa phương. Chị Thay luôn trăn trở có nguồn vốn đề đầu tư sản xuất, cải thiện đời sống. Nhận thấy nhu cầu thiết thực đó, Đoàn xã đã tham mưu với Thành Đoàn hỗ trợ cho chị vay 20 triệu đồng từ nguồn quỹ khởi nghiệp để đầu tư sản xuất. Sau khi vay mượn thêm người thân, chị Thay mua được 1 con bò và 1 con bê. Thời gian đầu chăn nuôi, chị cũng gặp không ít khó khăn do thiếu hiểu biết về kỹ thuật chăm sóc nên bò phát triển không mấy thuận lợi. Được tạo điều kiện tham dự các buổi tập huấn, hội thảo về kỹ thuật chăn nuôi do Đoàn xã phối hợp tổ chức, chị tích lũy được những kiến thức căn bản, tiếp tục đầu tư nuôi bò và tận dụng những khoảng đất trống xung quanh nhà để trồng cỏ. Bán lứa bò đầu tiên, chị Thay vay mượn thêm bạn bè để có vốn trồng nấm. Với diện tích hơn 60 m2, chị trồng 3 loại nấm là nấm sò, nấm rơm và nấm linh chi. Đây là những loại nấm có khả năng thích nghi với điều kiện, khí hậu tại địa phương. Với nguồn thu từ nấm và bò, mỗi năm gia đình chị thu nhập bình quân hơn 70 triệu đồng và đã vươn lên thoát khỏi diện hộ nghèo của xã. Anh Y Quý Niê Siêng, Bí thư Thành Đoàn Buôn Ma Thuột cho biết, nhằm hỗ trợ đoàn viên thanh niên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, năm 2008 quỹ khởi nghiệp chính thức được thành lập. Không chỉ hỗ trợ về vốn, Thành Đoàn còn kết hợp lồng ghép các chương trình tập huấn giảm nghèo, chuyển giao tiến bộ KHKT giúp người sử dụng vốn vay hiệu quả, góp phần tạo việc làm, lập thân, lập nghiệp cho thanh niên nông thôn.

ĐVTN được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.
ĐVTN được tư vấn, giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh.

Sau khi theo học lớp sửa chữa xe máy do Huyện Đoàn phối hợp với Trung tâm Dạy nghề huyện tổ chức, anh Nguyễn Văn Tuấn, đoàn viên Chi đoàn thôn 3, thị trấn Buôn Trấp (huyện Krông Ana) xin vào làm cho một cửa hàng sửa chữa xe máy. Để trau dồi và nâng cao tay nghề, ngoài thời gian làm việc chính, anh còn chú ý học hỏi, mày mò tìm hiểu về loại xe đời mới, hiện đại. Sau hơn 2 năm, tích cóp được số vốn nhỏ, anh vay mượn thêm từ người thân đầu tư mua sắm những đồ nghề cần thiết và mở một cửa hàng sửa chữa ngay tại nhà. Do có tay nghề vững, chỉ một thời gian, cửa hàng sửa chữa xe máy của anh đã có rất nhiều khách quen. Mỗi ngày, cửa hàng anh luôn đón từ 5-7 khách hàng, cho thu nhập bình quân khoảng từ 200 – 500 nghìn đồng.

Nhằm cung cấp thông tin về công việc, nghề nghiệp cho giới trẻ, hằng năm Tỉnh Đoàn phối hợp với các đơn vị trực thuộc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội như tổ chức các hoạt động định hướng nghề nghiệp tại các thôn, buôn và trường THPT... Bạn Nguyễn Thị Thùy Trang, sinh viên năm 4 ngành Kế toán Trường Đại học Tây Nguyên chia sẻ: “Nhờ tham gia sinh hoạt Đoàn, Hội tại trường mà em biết đến các hoạt động tư vấn nghề nghiệp cũng như được tham gia những phiên giao dịch giới thiệu việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Tại đây em được tiếp cận nhiều doanh nghiệp, có kinh nghiệm hơn trong các cuộc phỏng vấn giúp tự tin hơn khi xin việc. Hy vọng em sẽ tìm cho mình một công việc phù hợp với khả năng và trình độ chyên môn sau khi ra trường”.

Tiếp tục định hướng

Được phát động từ năm 2007 đến nay, phong trào “Đồng hành với thanh niên lập thân, lập nghiệp” triển khai sâu rộng tới các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh. Anh Đào Đức Hiệp, Phó Bí thư Huyện Đoàn Krông Ana cho biết: Trong những năm qua, thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, tuổi trẻ Krông Ana đã tổ chức triển khai thực hiện đạt được một số kết quả rất khả quan trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, nổi bật có phong trào phát triển kinh tế, lập thân lập nghiệp làm giàu trên mảnh đất quê hương với nhiều tấm gương thanh niên làm kinh tế giỏi. Nhiều cán bộ, đoàn viên thanh niên đã trở thành những ông chủ nhỏ, không chỉ đem lại thu nhập cho gia đình mà còn tạo công ăn việc làm cho nhiều ĐVTN, góp phần thay đổi diện mạo của quê hương. Tiêu biểu như mô hình nuôi gà của anh Lê Trọng Tuyến (xã Băng Ađrênh), mô hình VAC của gia đình anh Nguyễn Duy Thuần (xã Đray Sáp) hay tổ thanh niên xây dựng tại thị trấn Buôn Trấp và buôn Ea Na (xã Ea Na)… Còn với Huyện Đoàn Krông Năng, hoạt động tư vấn nghề nghiệp và việc làm được triển khai chủ yếu cho ĐVTN trong các trường THPT nhằm định hướng, giáo dục về học nghề, lập nghiệp. Ngoài ra, để công tác tạo việc làm tại chỗ đạt hiệu quả, Huyện Đoàn đã chủ động xây dựng chương trình phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, hướng dẫn thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn, đồng thời phổ biến, triển khai chương trình tín dụng ưu đãi và tập huấn chuyển giao KHKT sản xuất, chăn nuôi gắn với vay vốn phát triển kinh tế tới tất cả các cơ sở Đoàn trong toàn huyện.

Để tạo công ăn việc làm ổn định cho ĐVTN, những năm qua, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã khảo sát nhu cầu việc làm, học nghề của thanh niên để phối hợp với các ban, ngành tăng cường kết nối, vận động các nguồn lực hỗ trợ, tạo điều kiện cho thanh niên tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế. Năm 2015, toàn tỉnh tổ chức được 78 đợt tư vấn, hướng nghiệp cho 42.780 lượt ĐVTN; hỗ trợ cho hơn 12.000 ĐVTN khởi nghiệp.

Vân Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.