Multimedia Đọc Báo in

“Lớn” hơn với nghề

09:45, 21/06/2013

Chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm nghề báo nhưng tôi đã trở thành nhà báo. Cảm ơn đời đã đưa tôi đến với cái nghề đầy thú vị nhưng cũng lắm gian truân và được mệnh danh là “quyền lực mềm”.

Ngày tốt nghiệp đại học, tôi lỉnh kỉnh khăn gói quả mướp từ quê hương Kinh Bắc vào thử việc tại tòa soạn Báo Dak Lak. Cô, dì, chú, bác hết lời can ngăn vì sợ vào Tây Nguyên “rừng thiêng nước độc”, bố mẹ tôi thì thở dài vì sợ con gái làm báo suốt ngày “chạy như ngựa” sẽ… ế chồng. Bố mẹ còn lo hơn cho tôi vì không biết tôi sẽ xoay sở như thế này với cái nghề này khi người thì gầy… gió thổi bay, lại còn nhút nhát và ít nói. Còn tôi thì cứ như có ma lực, một mình một ba lô gói ghém đủ thứ: chăn màn quần áo, cả mì tôm, chén đũa… bắt xe vào Dak Lak, thuê tạm phòng trọ với giá 10.000 đồng/ngày, trước khi tìm được một căn phòng trọ tạm ổn trong thời gian thử việc.

Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.
Phóng viên tác nghiệp tại Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột.

1. “Cái ngày xưa” bắt đầu làm báo của tôi, nói cho oai chứ cũng mới chỉ cách đây chưa đầy 10 năm. Thú thực nói là “tay không bắt giặc” cũng đúng vì có lẽ chẳng ai làm báo như tôi lúc ấy, rất nhiều thứ cần thiết cho nghề đều không: không máy ảnh, không phương tiện đi lại, một chiếc máy vi tính lại càng xa xỉ. Và phương thức giải quyết của tôi là: đi ké, tích cực nhờ. Thử thách đầu tiên với tôi là đi dự và viết tin về một hội nghị tổng kết vụ đông xuân của ngành nông nghiệp tỉnh. Tôi say sưa ngồi nghe rồi ghi chép. Hội nghị kết thúc, tôi về phòng trọ, nhịn cả bữa trưa và bò ra viết nháp tin trên giấy để tranh thủ đầu giờ chiều lên tòa soạn đánh máy vi tính. Nộp tin rồi, tôi hồi hộp theo dõi “vị giám khảo” chấm tin của tôi là trưởng Phòng Phóng viên Kinh tế. Những cái nheo mắt, tiếng thở dài, rồi chiếc bút trên tay vị biên tập lia lịa gạch, lia lịa viết. Lời nhận xét cho sản phẩm đầu tay của tôi là: “Đến hẹn lại lên, đông xuân năm nào chẳng có hội nghị tổng kết. Hãy đọc kỹ tài liệu, xem kỹ những con số, nhớ lại những vấn đề đáng lưu ý trong cuộc họp để rút ra vấn đề mà làm tin”. À ra thế, tôi lục lại hết tài liệu được phát cũng như những gì ghi chép được và rút ra một cái tin xung quanh kết quả tăng đột biết về năng suất lúa vụ đông xuân năm ấy.

2. Chập chững bước chân vào nghề, phát hiện đề tài và thu thập tài liệu cũng là cả một câu chuyện dài. Sau tin về hội nghị vụ đông xuân ấy, hai tuần sau đó tôi gần như án binh bất động vì chẳng biết viết gì. Thấy các chị phóng viên đi trước dự hội nghị sơ kết nọ, tổng kết kia và tài liệu mang về, trong đó có các loại báo cáo, tôi cũng mạnh dạn đến các cơ quan, thậm chí đi công tác cơ sở, tới đâu tôi cũng xin báo cáo. Sung sướng với một kho tài liệu là những xấp báo cáo dày, đủ thể loại, đủ lĩnh vực, tôi hăng hái sản xuất tin, bài. Nhưng thật buồn vì nhiều tin, bài của tôi bị trả lại với lời nhắn gửi: “Tờ báo không phải là bản thông kê, số liệu dùng phải phù hợp, đúng chỗ và biết chắt lọc”. Buồn nữa là tác phẩm của tôi bị phê “thiếu sức sống vì thiếu minh chứng thực tiễn”. Lời nhận xét khiến tôi như tỉnh ngộ. Tôi lục tìm và đọc lại nhiều bài báo của những người đã có kinh nghiệm trong nghề ở tòa soạn và tự rút ra lời giải cho mình. Dù còn phải chỉnh sửa nhưng ít ra tôi đã biết và hiểu số liệu với báo chí không đơn thuần là những con số khô khan, vô cảm mà chúng biết nói, biết thuyết phục, biết “chiến đấu” nếu mình biết dùng đúng chỗ, tùy theo thể tài.

3. Một ngày đi gặp gỡ những nạn nhân chất độc da cam, tôi đã khóc, ám ảnh và dằn vặt suốt nhiều ngày liền sau đó. Tôi day dứt với những cơ thể không trọn vẹn hình hài, những cái nhìn vô định, nụ cười ngô nghê, những căn lều trống tuềnh trống toàng và cả tâm sự của những người cha, người mẹ mái đầu tóc đã bạc trắng, chỉ lo mình là người “ra đi” trước rồi con sẽ không có ai chăm sóc. Tôi đã sống với nhân vật, đồng cảm với nhân vật, giúp đỡ nhân vật để cộng đồng có tấm lòng sẻ chia hơn với họ qua các bài viết của mình. Hơi thở cuộc sống trong những bài viết, tôi đã nhận ra từ những điều giản dị và ý nghĩa như thế. Những điều, những chuyện mà vốn dĩ trước đây tôi đã gặp, đã sống gần họ rất nhiều năm liền nhưng chỉ đơn giản với một suy nghĩ nhẹ tênh: “Ừ, họ khổ và tội nghiệp”. Rồi cũng một ngày, trên một chuyến xe, thấy anh phụ xe nọ tốt bụng, không lấy tiền xe của hành khách là một cụ già neo đơn, lại còn ân cần gọi xe thồ đưa cụ về đến tận nhà, anh đã trở thành đề tài và nhân vật trong một bài viết ngắn của tôi. Rồi cũng có nhiều ngày như thế ấy… Những trải nghiệm với nghề đã cho tôi cái hạnh phúc dù bị bạn bè, người thân chê là “già trước tuổi” và cả “cẩn thận khi nói chuyện với nhà báo” nữa vì tưởng là chuyện cho vui, chơi cho biết nhưng có cơ hội là “cho lên báo tuốt”.

Vài năm sau gặp lại, bạn bè bảo tôi thay đổi nhiều quá, không còn là cô gái nhút nhát và ít nói ngày nào. Tôi cười, ấy cũng chính là từ sức mạnh của “quyền lực mềm”, nghề báo đi nhiều, tiếp xúc nhiều đã cho tôi thêm sự dạn dày để luôn lắng nghe, luôn quan sát và tư duy, suy nghĩ và cả “lực” để dám thể hiện mình.

Tôi đã lớn khôn hơn dù biết sẽ chẳng bao giờ hết những dại khờ …

Tôi hạnh phúc trên hành trình đi và viết dù biết nhiều gian nan và có cả những vấp ngã…

Đàm Thuần


Ý kiến bạn đọc


(Video) Tăng cường kiểm tra, bảo đảm an toàn thực phẩm
Vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nóng, được xã hội đặc biệt quan tâm. Nhằm đảm bảo an toàn, sức khỏe cho người dân, Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk đã có nhiều cố gắng trong công tác quản lý, kiểm tra để kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý những cơ sở sản xuất, buôn bán thực phẩm không an toàn.